Đăng ký

Cảm nhận bài thơ Đò Lèn (bài 2)

1,790 từ Cảm nhận
Đề bài

Đề bài: Cảm nhận bài thơ Đò Lèn của Nguyễn Duy

Hướng dẫn giải

   Điều quý giá nhất đối với mỗi người có thể khác nhau, song quan trọng nhất là ta biết trân trọng và gìn giữ giá trị ấy như thế nào. Thật vậy, đối với Nguyễn Duy, tình cảm gia đình, đặc biệt là tình cảm bà cháu luôn là một ký ức đẹp trong tim. Qua Đò Lèn, tác giả đã bộc lộ những suy nghĩ sâu lắng về bà gắn liền với sự tỉnh ngộ, nhận ra được tình thương vô bờ mà bà dành cho cháu.

   Nhà thơ đã thể hiện hình ảnh của người bà qua sự hồi nhớ:

    Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế

    bà mò cua xúc tép ở đồng Quan

    bà đi gánh chè xanh ở Ba Trại

    Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn….

   Đó là tất cả những cơ cực, vất vả mà người bà đã tảo tần nuôi đứa cháu. Trong cái đói, cái khổ của thời xưa, nổi bật lên trên ấy chính là hình ảnh lam lũ của bà. "Bà mò cua xúc tép", đó là những việc làm hàng ngày để kiếm cái ăn chăm lo cho con cháu. Ẩn hiện trong câu thơ hình ảnh bà còng lưng, nhẫn nại mò cua bắt ốc, không quản khó nhọc để niềm vui ánh lên trong những đôi mắt thơ ngây của cháu khi có miếng ăn… Thế nhưng xúc động hơn cả là hình ảnh bà đi gánh chè đêm đêm. Cái khó cái khổ đè nặng trên đôi vai gầy của bà, thể hiện trong từng bước chân "thập thững". Chi tiết đó đủ khắc họa lên được bao nhiêu nhọc nhằn, khó khăn của đời bà. Bước thấp bước cao lần đi trong "những đêm hàn" buốt giá, bà trở nên bé nhỏ, liêu xiêu, nhưng chất đầy sự thương yêu đối với con cháu, để làm nên một sức mạnh có thể chống chọi được với gió đêm, để có thể tiếp tục làm việc nuôi cháu. Bà hiện lên với sự mảnh mai, nhỏ bé nhưng trên đôi vai bà gánh chè rong như gánh cả một gia đình, một tương lai của con cháu. "Mò cua xúc tép", "gánh chè xanh" là cả một cuộc sống vất vả mưu sinh. Tuy tác giả không nói đến, nhưng hình ảnh người bà hiện lên in đậm dấu thời gian. Một người bà chịu thương chịu khó bền bỉ trong cuộc sống lam lũ, khuya sớm tảo tần. Để rồi từ đó tác giả thể hiện niềm xót xa, ái ngại cho bà. Qua hình ảnh ấy ta nhận ra đâu đó thoáng chút hình ảnh người mẹ thân thương ở thi phẩm Bên kia sông Đuống:

    Mẹ già lại quẩy gánh hàng rong

    Bước cao thấp bên bờ tre hun hút

    ...

    Đường trơn mưa lạnh mái đầu bạc phơ…

   Cũng từ trong ướt lạnh sương gió, người mẹ hiền từ với hình ảnh "bước thấp bước cao", nhọc nhằn trên đôi vai mẹ gánh hàng rong mong kiếm được miếng ăn, tất cả cuộc sống và tương lai của các con phụ thuộc vào gánh hàng rong của mẹ. Không biết bao nhiêu người con sông Đuống đã lớn lên sau gánh hàng rong ấy. Để rồi từ đó hình ảnh người bà, người mẹ hiện lên với đức hi sinh và tấm lòng bao dung to lớn.

   Thế nhưng, nhà thơ nói đến những điều ấy với tâm trạng "Tôi đâu biết…" khắc họa được những nghẹn ngào trong câu nói. Đó là cả một tuổi thơ nghịch ngợm, vô tư và hồn nhiên gắn với những trò chơi, trò đùa nghịch của trẻ con như câu cá, theo bà đi chợ, bắt chim, ăn trộm nhãn, chơi đền, xem lễ… Thế nhưng để cháu được như thế, bà đã phải nhọc nhằn như thế nào. Qua đó thể hiện sự vô tư đến vô tâm, vô tính của người cháu. Phải chăng lúc ấy cháu còn thơ bé để ngẫm đến những cực khổ của bà!

    Tôi trong suốt giữa hai bờ hư – thực

    giữa bà tôi và tiên, Phật, thánh, thần

    cái năm đói, củ dong riềng luộc sượng

    cứ nghe thơm mùi huệ trắng, hương trầm….

   "Trong suốt" khắc họa nên sự vô tư, ngây thơ, hồn nhiên của tác giả lúc bé. "Hai bờ hư – thực", hai thế giới khác nhau. Một thế giới hiện hữu với tất cả tình yêu thương của bà, và thế giới hư ảo, vô thực của những "tiên, Phật, thánh, thần", những câu chuyện cổ tích… Nhà thơ không sống tất cả vì hiện tại, vì tình thương của bà, mà mải bận mơ về những chuyện hư ảo. Điều đó cho thấy tác giả sống với thế giới hư và thế giới thực lẫn lộn với nhau. Để rồi hai câu thơ sau nhấn mạnh mức độ của sự lẫn lộn ấy: những mùi hương cứ trộn lẫn lại với nhau. Hiện thực khó khăn "năm đói" làm người bà càng phải khổ cực hơn nữa. Cậu bé nhỏ khi ấy chỉ biết vui chơi chứ chưa biết nghĩ đến bà mình, lại không nhận ra giá trị "củ dong riềng luộc sượng" vất vả bà kiếm được, không biết thương bà, vô tâm, vô tính trước nỗi cơ cực của bà… Để rồi sau này, khi tác giả đã lớn, đã trưởng thành, đã nhận ra được tình yêu thương của bà dành cho mình, đã biết thương yêu bà thì bà chỉ còn là nấm cỏ:

    Tôi đi lính, lâu không về quê ngoại

    dòng sông xưa vẫn bên lở, bên bồi

    khi tôi biết thương bà thì đã muộn

    bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi….

   Lúc này cháu đã trưởng thành trong nhận thức về cuộc đời, không còn sống trong niềm tin về sự gần gũi, tương đồng giữa hai thế giới thực và ảo, mà đã "đi lính", đã biết cầm súng chống lại cái ác cái xấu. Quê hương vẫn còn đấy, những địa danh vẫn còn lưu giữ những kỉ niệm tuổi thơ, "dòng sông xưa vẫn bên lở bên bồi", nhưng hình bóng của bà thì không còn nữa. Sự thức tỉnh gắn liền với sự ân hận bởi lúc cháu biết thương bà thì cơ hội đền đáp đã không còn. Chính sự tỉnh ngộ ấy khiến cho tình thương bà càng tức tưởi xót xa vì tất cả đã quá muộn màng…

   Thật vậy, trong cuộc đời mỗi con người, ai cũng có điều đáng để hối tiếc. Nhưng quan trọng nhất phải biết sống sao cho trọn vẹn với tất cả, nhất là những người thân yêu của mình. Đừng để khi có tình thương ấy mà không nhận ra, không biết gìn giữ, không biết trân trọng với những gì mình đang có cũng như để những thương yêu ta phải buồn lòng; mà mải mê mong muốn, theo đuổi những giá trị xa vời để rồi khi nó mất đi ta mới biết thương, biết quý thì tất cả cũng đã quá trễ, quá muộn…