Phương pháp chọn ngành học phù hợp nhất với bản thân

Bất cứ học sinh, sinh viên nào luôn mong muốn tìm được công việc phù hợp nhất với bản thân ngay sau khi ra trường. Tuy vậy, không phải học sinh nào cũng biết cách xác định đúng thế mạnh nghề nghiệp của bản thân để hoạch định tương lai. Dưới đây là một số phương pháp của chuyên gia gợi ý, Cùng học vui tổng hợp và gửi đến các bạn. 

Theo chia sẻ của Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (trường ĐH Sư phạm TP.HCM) về vấn đề này, TS cho biết:

Để tìm ra nghề mình thích hợp nhất, HS hãy trả lời 3 câu hỏi: Tôi có thể làm giỏi cái gì? Tôi thích cái gì? Cái gì làm ra tiền? Khi tìm giao thoa giữa 3 câu trả lời đó, bạn sẽ chọn được nghề nghiệp lý tưởng nhất. Và 3 bước mà HS cần làm để chọn nghề chính xác là: xác định cái mình thích, xác định cái mình giỏi (thế mạnh), tìm hiểu về nghề. 

Cách xác định thế mạnh bản thân

Tìm giao thoa giữa 3 câu trả lời, bạn sẽ chọn được nghề nghiệp lý tưởng nhất với mình

Để xác định thế mạnh của bản thân, hãy thử áp dụng nhiều phương pháp. Dưới đây là một số phương pháp Tiến sĩ gợi ý độc giả:

1. Phương pháp Sinh trắc học

Phương pháp này đánh giá độ ưu thế của 10 vùng chức năng trên não dựa vào mật độ dày đặc của nơ ron và kiểu hình thần kinh (khí chất) của từng thùy. Từ đó, nhận biết độ thuận lợi của từng nghề nghiệp tương ứng với chức năng hoạt động của từng thùy não. Qua đó giúp HS đánh giá được những nghề nghiệp nào phù hợp với tư chất của mình nhất, sẽ phát triển thuận lợi theo năng khiếu tự nhiên nhất.

2. Phương pháp "20 đôi mắt"

Rất nhiều đặc điểm của bản thân khi bộc lộ sẽ được người xung quanh nhận thấy. Học sinh cần tiến hành phỏng vấn ít nhất 20 người thân cận, từ đó mỗi người sẽ phác thảo những nét vẽ về nhân cách của bản thân. Hãy tìm những nhận xét "lặp đi lặp lại" nhiều lần nhất trong những lời nhận xét của họ. Từ đây, bạn sẽ xác định đươc điểm mạnh thương hiệu của bản thân trong mắt mọi người.

3. Phương pháp "hộp diêm"

Các que diêm "tiềm năng" sẽ không bao giờ bùng cháy nếu như học sinh chưa một lần mang nó ra khỏi hộp và "cọ xát". Ví dụ, nếu học sinh muốn biết mình có tiềm năng trở thành một MC hay không hãy thử cầm lấy micro và một lần đứng trước đám đông dẫn một chương trình để thử thách năng lực của bản thân. Trải nghiệm này sẽ kiểm tra độ thích ứng của các bạn với công việc đó.

4. Phương pháp trắc nghiệm hướng nghiệp

Các bài trắc nghiệm được chuẩn hóa sẽ giúp mỗi cá nhân chẩn đoán xem bản thân phù hợp ngành nghề nào nhất. Nếu có một ngành nghề nào đó xuất hiện lặp đi lặp lại trong kết quả của nhiều bài trắc nghiệm khác nhau, nó có nghĩa là ngành nghề đó có khả năng sẽ là phù hợp nhất với bạn.

Tư vấn tuyển sinh

Một buổi tư vấn tuyển sinh tại trường THPT

>> Xem thêm:

 Những mốc thời gian quan trọng sau kì thi THPT Quốc gia mà thí sinh cần nhớ

Xu hướng chọn trường đại học của thí sinh năm 2019

5. Phương pháp phân tích SWOT

Dựa vào bộ câu hỏi gợi ý dưới đây học sinh có thể tự phân tích 4 nội dung: điểm mạnh (S, strengths), điểm yếu (W, weaknesses), các cơ hội (O, opportunities) và các khó khăn (T, threats). Từ đó, kết hợp giữa S và O sẽ thành ra nghề nghiệp mà bạn nên lựa chọn.

a) Điểm mạnh (S): 

Trường hợp bạn đã từng tỏa sáng trong đời là nhờ điều gì? Khả năng đã giúp bạn kiếm được nhiều tiền nhất? Khả năng làm tốt hơn nhiều người khác? Lĩnh vực nào người ta sẽ nhớ tới bạn? Bằng cấp nào bạn có mà người cùng trang lứa ít khi có? Điểm tính cách khiến cho người khác yêu thích bạn? Mối quan hệ ưu thế nào mà bạn đang sở hữu? Đặc điểm bên ngoài nào khiến người ta ấn tượng về bạn? Hoàn cảnh khiến bạn rất tự tin? Người ta hay cảm ơn bạn vì điều gì nhất?

b) Điểm yếu (W)

Bạn từng nhục nhã là vì điều gì? Khả năng đã khiến bạn mất nhiều tiền nhất? Khả năng nào khiến bạn hay hỏng việc? Lĩnh vực nào người ta sẽ không bao giờ nhờ tới bạn? Bằng cấp nào bạn thua kém người khác? Điểm tính cách khiến cho người khác ghét bạn? Mối quan hệ ưu thế nào mà bạn không thể có như người khác? Đặc điểm bên ngoài nào khiến người ta ác cảm về bạn? Hoàn cảnh nào mà bạn rất mất tự tin? Người ta hay than phiền bạn vì điều gì nhất?

c) Cơ hội (O)

Công ty hoặc thị trường đang cần gì mà chưa ai đáp ứng được? Kỷ nguyên công nghệ mới giúp gì được cho bạn? Ngành của bạn có đang tăng trưởng? Nếu có, bạn có thể tận dụng được điều gì? Sắp tới có sự kiện gì quan trọng? Sự kiện đó sẽ mang đến cơ hội nào? Bạn nhận thấy các công ty đang có xu hướng ra sao? Làm sao để tận dụng cơ hội đó? Khách hàng hay phàn nàn gì về lĩnh vực của bạn? Nếu có, liệu bạn có giải pháp không?

d) Nguy cơ (T)

Yếu điểm nào có thể dẫn bạn tới nguy cơ? Bạn đang phải đối mặt với khó khăn gì trong công việc? Bạn có đang bị cạnh tranh? Liệu công việc (hoặc yêu cầu công việc) của bạn sắp tới có bị thay đổi không? Công nghệ thay đổi có đe dọa tới vị trí của bạn?

Ngoài ra so sánh với người khác cũng sẽ giúp bạn nhận ra ưu thế của chính mình. So sánh giữa các khả năng của bản thân với nhau sẽ giúp bạn nhận ra khả năng mạnh nhất.

Hi vọng rằng, các phương pháp trên sẽ giúp học sinh chọn lựa đúng ngành học phù hợp nhất với mình. 

 

 

Có thể bạn quan tâm