Điểm thi THPT Quốc gia 2019 vừa được Bộ GD-ĐT công bố ngày 14/7 vừa qua. Dưới đây là số liệu công bố top 10 tỉnh thành có điểm trung bình các môn thi cao nhất cả nước.
Nam Định là tỉnh dẫn đầu với điểm trung bình chúng tất cả các môn cao nhất cả nước là 5,91. Các tỉnh Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La xếp ở cuối danh sách.
1. Nam Định dẫn đầu môn Toán
Đối với môn toán, Nam Định là tỉnh có điểm trung bình môn toán cao nhất với 6,52 điểm (trong khi mức trung bình chung cả nước là 5,64). Các địa phương tiếp theo là TP.HCM, Hà Nam, Bình Dương, Thái Bình, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hải Phòng, Bắc Ninh và Ninh Bình.
2. Hà Nam dẫn đầu môn Ngữ Văn
Đối với môn Ngữ văn, Hà Nam là tỉnh xếp số 1 với mức điểm trung bình là 6,31. Tiếp theo là Cần Thơ (5,78) và Nam Định (6,52), Bạc Liêu (6,02), Ninh Bình (5,98), TP.HCM (5,97)... Ở môn tự luận duy nhất này, các tỉnh Hòa Bình, Lai Châu, Sơn La tiếp tục xếp ở vị trí cuối bảng.
3. Bắc Ninh dẫn đầu môn Vật lý
So với năm ngoái, Bắc Ninh tăng một bậc, vươn lên dẫn đầu cả nước với điểm trung bình Vật lý 6,31. Số lượng thí sinh dự thi chỉ hơn 5.000, nhưng Bắc Ninh có 630 điểm giỏi từ 8 trở lên - vượt trội so với các tỉnh thành có lượng thí sinh dự thi tương đương. Cả nước có hai điểm 10 môn Lý thì Bắc Ninh có một.
Tăng hai bậc so với năm ngoái, Nam Định xếp thứ hai với điểm trung bình 6,195. Với 9.400 thí sinh dự thi, tỉnh có 925 em đạt điểm giỏi.
Hà Nam từ vị trí dẫn đầu môn Vật lý năm ngoái tụt hai bậc trong năm nay với điểm trung bình 6,17. Mặc dù vậy, tỷ lệ đạt điểm giỏi của tỉnh ở mức cao với 278 em từ 8 trở lên trong tổng số 2.800 thí sinh.
Ở top 10 tỉnh có điểm trung bình Vật lý cao nhất năm nay còn có hai tỉnh từng xuất hiện trong danh sách năm ngoái: Ninh Bình (xếp thứ tư, tụt một bậc); Vĩnh Phúc (giữ nguyên hạng năm); Hải Phòng (giữ nguyên hạng sáu); Thái Bình (hạng bảy, tăng ba bậc).
4. Nam Định dẫn đầu môn Hóa học
Môn Hóa có tổng số 338.739 thí sinh dự thi với điểm trung bình 5,35. Top 10 điểm trung bình cao nhất dao động 5,6-5,9, trong khi năm 2018 là 5,1-5,5.
Tăng một hạng so với năm ngoái, Nam Định đứng đầu với mức trung bình 5,935. Sở dĩ có thứ hạng cao bởi tỉnh này có 624 điểm giỏi (trong tổng số hơn 9.400 thí sinh dự thi), cao gấp 3-4 lần so với phần lớn tỉnh thành còn lại.
Số lượng điểm giỏi của Nam Định chỉ sau Hà Nội, TP HCM và tương đương với Thanh Hóa, Nghệ An - những địa phương có đông thí sinh hơn Nam Định.
Hà Tĩnh xếp thứ hai sau một năm vắng mặt ở top 10 môn Hóa với điểm trung bình 5,843. Tỉnh có tỷ lệ điểm giỏi Hóa khá cao với 309 em trong tổng số 4.000 thí sinh.
Top 10 vẫn xuất hiện Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế và có thêm một số tỉnh thành mới như Cần Thơ, Bình Dương.
Tin liên quan:
- Top địa phương có điểm thi trung bình THPT 2019 thấp nhất cả nước
- Phổ điểm môn Tiếng Anh THTP 2019 gây thất vọng
5. Vĩnh Long dẫn đầu môn Sinh học
Vĩnh Long dẫn đầu top 10 điểm trung bình môn Sinh học với 5,224, cao hơn nửa điểm so với mức trung bình cả nước 4,68. Với 3.900 thí sinh dự thi, tỉnh có 70 điểm giỏi, một điểm liệt. Đây là năm thứ hai liên tiếp tỉnh dẫn đầu môn Sinh kỳ thi THPT quốc gia.
Cùng nằm trong khu vực Tây Nam Bộ, Bạc Liêu xếp thứ hai (giảm một bậc so với năm ngoái) với mức trung bình 5,219. Với hơn 2.100 thí sinh dự thi, Bạc Liêu có 61 điểm giỏi, không có điểm liệt.
Cần Thơ tăng một bậc, xếp thứ ba với điểm trung bình 5,218. Gần 4.400 thí sinh dự thi Sinh, thành phố này có hơn 200 điểm giỏi, không có điểm liệt.
Hai tỉnh miền Tây khác là An Giang, Bến Tre; các tỉnh Kon Tum, Lào Cai, Tuyên Qang vẫn giữ được vị trí trong top 10 như năm ngoái.
6. Hà Nam dẫn đầu môn Sử
Tăng một bậc so với năm 2018, Hà Nam dẫn đầu cả nước điểm trung bình môn Sử với 4,899. Với hơn 5.700 thí sinh thi Sử, tỉnh có 249 em đạt điểm giỏi (từ 8 trở lên), trong đó một em giành điểm tuyệt đối.
Tăng ba bậc so với năm ngoái, Ninh Bình đứng thứ nhì điểm trung bình môn Sử với 4,867. Trong 5.800 bài thi môn này, tỉnh có 268 điểm giỏi, trong đó hai em đạt điểm tuyệt đối.
Giữ nguyên vị trí thứ ba, An Giang với gần 8.900 thí sinh thi Sử có điểm trung bình 4,838, số điểm giỏi là 337.
Top 10 địa phương có điểm trung bình môn Sử cao nhất còn có Nam Định (xếp thứ tư, tăng năm bậc); Bạc Liêu (xếp thứ năm, tụt bốn bậc); Vĩnh Phúc (xếp thứ sáu, tụt hai bậc) và hai tỉnh mới Bình Dương, Lâm Đồng.
7. Hà Nam tiếp tục dẫn đầu môn Địa
Là môn học tương đối nhẹ nhàng với nhiều thí sinh, Địa lý có mặt bằng điểm tốt so với nhiều môn thi khác, điểm trung bình là 6. Hà Nam đứng đầu với điểm trung bình môn Địa lý 6,486 - cao hơn gần nửa điểm so với mức trung bình cả nước. So với năm ngoái, thứ hạng của tỉnh tăng một bậc.
Sở dĩ có vị trí này bởi với hơn 5.500 thí sinh thi Địa, Hà Nam có 677 bài điểm giỏi, một em đạt điểm tuyệt đối và chỉ một em bị điểm liệt. Số lượng điểm giỏi của tỉnh gấp 2-3 lần so với các tỉnh có số thí sinh thi Địa tương đương.
Nhiều năm liền có thứ hạng cao môn Địa lý, An Giang xếp thứ hai với mức trung bình 6,444. Trong hơn 6.400 thí sinh dự thi môn này, có 800 em đạt điểm giỏi, không em nào đạt 10.
Danh sách top 10 môn Địa tiếp tục có tên Ninh Bình (xếp thứ ba, tụt hai bậc), Vĩnh Phúc (xếp thứ sáu, tụt ba bậc); Lâm Đồng (xếp thứ chín, tụt một bậc); Bạc Liêu (xếp thứ tám, tụt hai bậc).
8. Ninh Bình dẫn đầu môn GDCD
Giáo dục công dân có điểm trung bình cao nhất trong 9 môn thi THPT quốc gia - 7,37. Chỉ 11 thí sinh bị điểm liệt môn này, trong khi số thí sinh đạt điểm 10 là 784.
Nếu như năm ngoái, top 10 có điểm trung bình dao động 7,5-7,8 thì năm nay cao hơn với mức 7,8-8. Chỉ gần 5.000 thí sinh dự thi nhưng Ninh Bình có trên 3.100 em đạt điểm giỏi, 34 em giành điểm tuyệt đối, không ai bị điểm liệt.
Kế tiếp là Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nam Định, Bình Dương với mức điểm trung bình trên 8. Đây cũng là các địa phương xếp thứ hạng cao môn Giáo dục công dân năm 2018.
Nửa sau của top 10 là các tỉnh thành có điểm trung bình dao động 7,8 đến dưới 8 gồm Phú Thọ, Vĩnh Long, An Giang, Hải Phòng, Bạc Liêu. Các tỉnh này đều có đặc điểm chung là số thí sinh đạt điểm giỏi chiếm một nửa tổng số thí sinh dự thi.