Trong xã hội loài người, cái đáng quý nhất là lao động, người đáng quý nhất là người lao động
Đề bài: Trong xã hội loài người, cái đáng quý nhất là lao động, người đáng quý nhất là người lao động. Em hiểu thế nào về câu nói trên của đồng chí Phạm Văn Đồng
Bài làm
Khẳng định ý nghĩa và giá trị chung của lao động và người lao động, đồng chí Phạm Văn Đồng nói: “Trong xã hội loài người, cái đáng quý nhất là lao động, người đáng quý nhất là người lao động”.
Vậy lao động là gì? Lao động là hình thức hoạt động bằng chân tay hay tinh thần, tạo ra những sản phẩm có ích cho xã hội. Ví dụ như các cô các chú công nhân làm việc trong nhà máy, hầm mỏ... để sản xuất ra các mặt hàng công nghiệp như vải vóc, bàn ghế, xe đạp hay than đá, dầu mỏ...; các bác nông dân ngày đêm miệt mài nơi đồng ruộng để làm ra hạt gạo, củ khoai; các nhà bác học, các nhà nghiên cứu say mê ở phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu tìm ra các giống lúa mới, các dây chuyền công nghệ mới... để góp phần tăng năng suất lao động. Như vậy, về cơ bản là có hai hình thức lao động: lao động chân tay và lao động trí óc. Trong chế độ cũ, chế độ người bóc lột người, có kẻ giàu và người nghèo. Kẻ giàu thì “ngồi mát ăn bát vàng”, còn người nghèo thì phải làm thuê cho người giàu. Trong chế độ mới, chế độ xã hội chủ nghĩa thì lao động là quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi người, ai làm nhiều hưởng nhiều, ai làm ít hưởng ít.
Lao động là cái đáng quý nhất bởi lao động đã sáng tạo ra xã hội loài người. Phải qua quá trình lao động lâu dài và bền bỉ mà từ loài vượn đã tiến hóa thành loài người như ngày nay. Lao động là nguồn sống, là nguồn sáng tạo ra mọi giá trị của xã hội. Nhà thơ Hoàng Trung Thông đã nói rất hay về giá trị to lớn của sức lao động:
Bàn tay ta làm nên tất cả
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm.
(Bài ca vỡ đất)
Xem thêm Ý nghĩa của câu nói “Chúng nó đã cầm súng thì mình phải cầm giáo”
Dàn ý Ý nghĩa câu ca dao "Một cây làm chẳng nên non, Ba cây ..."
Trước năm 1945, nước ta xơ xác, tiêu điều, nghèo nàn và lạc hậu. Nhưng nhờ sự lãnh đạo của Đảng, nhờ sức lao động cần cù của nhân dân ta mà biết bao công trường, nhà máy, trường học... mọc lên, người dân từ mức chưa đủ ăn nay đã no ấm. Chỉ có trong lao động, qua môi trường lao động, con người mới rèn luyện, hoàn thiện và phát triển nhân cách. Chỉ có hòa vào cuộc sống lam lũ vất vả của người nông dân, ta mới thấm thía giá trị cùa lao động, biết quý trọng, biết tiết kiệm thành quả lao động và biết yêu thương hơn nhừng con người “một nắng hai sương” trên đồng ruộng.
Người lao động là người đáng quý nhất vì người lao động là người làm ra mọi của cải nuôi sống cả xã hội. Ta có bát cơm ăn, ta có manh áo mặc, tá có sách vở để học tập..., tất cả những thứ đó đều do người lao động làm ra. Cũng chính vì thế mà người lao động là chủ nhân của mọi sáng tạo ra giá trị xã hội. Và người lao động còn đáng quý ở nhiều đức tính tốt đẹp. Ai cũng đã từng đọc tục ngữ, ca dao, qua những áng văn chương ấy ta học được ở người lao động đức tính cần cù, chăm chỉ:
Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thảnh thót như mưa ruộng cày.
Ta học được ở họ tinh thần lạc quan:
Chớ than phận khó ai ơi
Còn da: lông mọc, còn chồi: nảy cây.
Ta học được ở họ những cảm xúc thẩm mỹ tinh tế:
Hỡi cô tát nước bền đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?
Lao động là đáng quý. Người lao động là người đáng quý. Không có lao động sang hèn. Người lao động, từ chị lao công đến nhà bác học đều là những người đáng kính trọng. Người đáng chê trách là người lười lao động, không lao động, ỷ lại, ăn bám. Hiểu được như vậy nên chúng ta sẵn sàng làm bất cứ việc gì, lao động chân tay hay trí óc, đồng ruộng, nhà máy, hầm mỏ hay bệnh viện, cơ quan nghiên cứu... chúng ta lao động vì tương lai giàu mạnh của đất nước ta.
“Trong xã hội loài người, cái đáng quý nhất là lao động, người đáng quý nhất là người lao động”, câu nói của đồng chí Phạm Văn Đồng thực sự là chân lí. Nó khẳng định vai trò, đề cao, tôn vinh giá trị của lao động và người lao động.