Đăng ký

Giải thích câu tục ngữ: "Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau"

2,039 từ Văn mẫu

Đề bài: Giải thích câu tục ngữ: "Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau"

Bài làm

Nếu là con chim chiếc lá

Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh

Lẽ nào vay mà không có trả

Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình.

(Tố Hữu)

Với những câu thơ trên nhà thơ Tố Hữu nêu lên quan niệm của mình, sống là cống hiến. Đông đảo thanh niên ta lâu nay, đặc biệt là trong thời kì chống Mỹ cứu nước cũng đã dấy lên phong trào thi đua đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần. Các anh đã xung phong gương mẫu sẵn sàng lao đến những điểm nóng, điểm gian khố nhất, những công việc nặng nề khó khăn nhất và cùng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.

Lẽ sống cao đẹp này hoàn toàn trái ngược với câu tục ngữ quen thuộc Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau.

Câu tục ngữ đó có giá trị như một lời khuyên nhủ răn dạy hay một lời phê phán thói khôn ranh thủ lợi.

Chúng ta hiểu và tiếp nhận câu tục ngữ này như thế nào?

Nghĩa đen của câu này là khi được mời đi ăn cỗ thì đi trước mọi người để giành lấy miếng ngon. Đến trước sẽ được ăn trước các món ăn nóng sốt và đầy đủ không lo ai tranh giành. Nhưng khi nào lội nước thì phải đi sau, nhường cái khó khăn nguy hiểm lại cho người khác. Đi sau chắc chắn sẽ biết rõ chỗ cạn chỗ sâu, không khi nào phải sa xuống hố cả.

Ai cũng biết câu tục ngữ không bao giờ dừng lại ở nghĩa đen cả. Bởi vậy, ta dễ dàng nắm bắt ngay nghĩa bóng. Câu này ý nói khi hưởng quyền lợi thì tranh thủ để đến nhanh nhất, trước nhất để khỏi mất phần nhưng trước khó khăn, gian khổ, nguy hiểm thì tụt lại sau nhường cho người khác làm trước.

Như thế câu tục ngữ này nói về vấn đề hương thụ và cống hiến. Cụ thể hơn, câu này phản ánh và phê phán một cách sống khôn ranh, thực dụng xưa nay trong xã hội.

Điều đó chúng ta cần phải khẳng định là câu này chỉ đúng khi dùng với mục đích phê phán nhằm chê bai chí trích thói khôn vặt láu cá, một lối sống thực dụng chi chăm lo vào việc thủ lợi riêng cho mình.

Xem thêm Giải thích câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm”

Dàn ý Giải thích câu ca dao "Công cha như núi Thái Sơn ..."

Nhưng nếu được dùng làm một lời khuyên bảo, răn dạy về một cách sống thì câu này hoàn toàn sai trái. Chúng ta không sao chấp nhận được ý nghĩa đó. Vì sao? Ai cũng biết tục ngữ là túi khôn của cha ông ta, là lời hay, ý đẹp, cỏ lạ, hoa thơm tư tưởng từ ngàn xưa lắng đọng, đúc kết lại nhằm nêu ra những bài học có ý nghĩa sâu sắc về lẽ sống ở đời, về đạo lí làm người, nhất định là không thể cổ vũ cho lối sống thấp hèn như thế. Do đó mà câu tục ngữ chỉ có mục đích phê phán.

Ai lại không tán thành thái độ phê phán cách sống Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau. Đó chính là lối xử thế của những người chỉ biết có quyền lợi cá nhân của mình nên sẵn sàng lấy đó làm xuất phát điểm để hành động. Không bao giờ họ chịu mở mắt ra, nới tầm suy nghĩ ra để nghĩ đến người khác, mở rộng lòng ra để quan tâm đến người khác. Họ là hạng người tự tư tự lợi, vị kỉ, hèn kém chỉ biết có hưởng thụ không hề nghĩ đến cống hiến, chỉ biết nhận chứ không biết cho. Trước một nhiệm vụ khó khăn họ sẵn sàng lẩn tránh, không chút ý thức trách nhiệm nào cả. Đó là nhừng kẻ Ăn thì ăn những miếng ngon, Làm thì chọn việc cỏn con mà làm vì tôn thờ chủ nghĩa cá nhân nên họ cố vun vén, giành giật quyền lợi, bổng lộc về riêng cho mình. Số người ấy thời nào cũng có nhưng không nhiều bởi lẽ nếu xưa nay ai cũng Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau cả thì chúng ta làm sao có được một cuộc sống như ngày hôm nay.

Lối sống ranh ma, khôn vặt vừa phân tích trên hoàn toàn đối lập với đạo đức xã hội chủ nghĩa của chúng ta ngày nay. Sống trong xã hội mới này chúng ta mỗi người đều là thành viên nghĩa là đều có trách nhiệm phải đóng góp công sức để xây dựng cuộc sống xã hội mới ngày càng một tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Với lẽ sống cao đẹp “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người’ khi đời sống của xã hội được nâng cao lên thì đời sông mỗi cá nhân cũng được nâng cao.

Hiểu được ý nghĩa sâu sắc của câu tục ngữ này, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta phải ra sức rèn luyện phấn đấu để có được một lối sống vị tha, cao đẹp, biết nhận nhưng cũng biết cho, biết hưởng thụ nhưng cũng sẵn sàng cống hiến. Là cán bộ, là đảng viên, là đoàn viên, hơn ai hết, chúng ta phải tâm niệm lời dạy của người xưa lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ và sẵn sàng làm theo lời Bác dạy: Đảng viên đi trước làng nước đi sau.

Tóm lại, hai quan niệm sống Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau và lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ đối lập nhau hoàn toàn. Chúng ta không thế nào chấp nhận thái độ sống ích kỉ, cá nhân vụ lợi. Nói theo nhà thơ Thanh Hải, mỗi con người chúng ta phải làm một mùa xuân nho nhỏ cống hiến sức lực và cuộc đời của mình đế góp phần làm nên mùa xuân chung của đất nước và của toàn dân tộc.

shoppe