Đăng ký

Soạn bài Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê (Hồi hương ngẫu thư)

1,067 từ Soạn bài

1. Qua tiêu đề bài thơ, có thế thấy sự biểu hiện tình quê hương ở bài thơ này có gì độc đáo?

Trả lời:

Tình cảm quê hương thể hiện ở tên bài thơ

Tên bài thơ là Hồi hương ngẫu thư nghĩa là ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê. Hạ Tri Chương tác giả bài thơ thi đậu tiến sĩ làm quan trên 50 năm ở Trường An mới về quê. Điều này đáng trân trọng đúng như hai câu thơ nổi tiếng của Khuất Nguyên: “Hồ tử tất thủ khâu. Quyện điểu quy cựu lâm. (Cáo chết tất quay đầu về phía núi gò. Chim mỏi tất bay về rừng cũ.) Ngẫu thư là ngẫu nhiên viết chứ không phải là tình cảm phát sinh bộc lộ một cách ngẫu nhiên. Nói ngẫu nhiên viết vì nhà thơ không chủ định viết. Nhưng do tình huống bị gọi là “khách” ở cuối bài làm tác giả xót xa là duyên cớ ngẫu nhiên ông phải chấp bút đề thơ.

Đằng sau duyên cớ ngẫu nhiên đó là một điều kiện tất yếu đó là tình yêu sâu nặng, luôn luôn canh cánh trong lòng bất cứ lúc nào cũng có thể thổ lộ ra của nhà thơ. Có thể so sánh tình cảm đó như một sợi dây đàn căng thẳng và chỉ cần chi tiết chân thực nhưng vô lí ở cuối bài va đập vào là ngân lên, ngân mãi.

2. Chứng minh hai câu đầu đã dùng phép đối trong câu (còn gọi là tiểu đối, tự đối). Nêu tác dụng của việc dùng phép đối ấy.

Trả lời:

Hai câu đầu của bài thơ này có hình thức tiểu đối: Thiếu tiểu li gia / lão đại hồi, Hương âm vô cải / mấn mao tồi. Hai câu đối, mỗi câu hai vế, mỗi vế có hai bộ phận đối nhau rất chỉnh. Lí gia đối với đại hồi, hương âm đối với mấn mao là chỉnh cả ý lẫn lời ; thiếu tiểu đối với lãovô cải đối với tồi. Tuy có hơi chênh về lời song về ý rất chỉnh (thiếu tiểu: còn nhỏ ; lão: về già ; vô cải: không thay đổi ; tồi: chỉ sự thay đổi). Xét về ý nghĩa ngữ pháp, thiếu tiểu và lão đều là chủ ngữ cũng như vô cải và tồi đều là vị ngữ, hai câu đối đọc lên nghe rất hài hoà.

Hình thức tiểu đối trong hai câu này đã giúp nhà thơ thể hiện những ý nghĩa rất khái quát trong một lượng câu chữ ít ỏi. Câu thơ đầu nói về quãng thời gian gần suốt cả cuộc đời xa quê đồng thời hé lộ tình cảm quê hương của nhà thơ. Câu thơ thứ hai dùng một yếu tố thay đổi (mái tóc) để làm nổi bật yếu tố không thay đổi (tiếng nói quê hương). Nói hương âm vô cải là đã động đến phần tinh tế trong sâu thẳm tâm hồn (người thấy tiếng nói quê hương không thay đổi qua mấy chục năm trời hẳn là người luôn nghĩ về quê hương).

3. Câu thơ 1 và 2 sử dụng các phương thức biểu đạt nào?

Trả lời:

Như trên đã nói, câu 1 là câu kể, câu 2 là câu tả. Phương thức diễn đạt toàn bài là biểu cảm nhưng là biểu cảm gián tiếp vì trong bài nói chung là có nhiều yếu tố miêu tả đặc biệt là rất nhiều yếu tố tự sự!

4. Sự biểu hiện tình quê hương ở hai câu trên và hai câu dưới có gì khác nhau về giọng điệu?

Trả lời:

- Hai câu trên: Giọng điệu miêu tả, tự sự và thoáng chút ngậm ngùi, tâm sự của người con xa quê lâu ngày nay mới được trở về.

- Hai câu dưới: Giọng điệu hóm hỉnh, bi hài:

    + Sự ngây thơ, hồn nhiên của trẻ thơ.

    + Hoàn cảnh trớ trêu, bị gọi là khách ngay trên quê nhà.

    + Cảm giác bơ vơ, lạc lọng khi trở về quê không còn người thân thích, quen biết, nỗi ngậm ngùi đau xót.

    + Câu hỏi hồn nhiên của các em nhỏ làm cho tác giả vừa vui, vừa buồn.