Phân tích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ ( Bài 2 )
1. yếu tố ngoại cảnh thể hiện tâm trạng người chinh phụ và ý nghĩa diễn tả nội tâm của các yếu tố đó.
Trong đoạn trích, tác giả dùng một số yếu tố ngoại cảnh là ngọn đèn, tiếng gà gáy và cây hòe. Các yếu tố ngoại cảnh được đưa ra không phải để miêu tả hay kể lại sự việc gì mà nhằm thể hiện tâm trạng của người chinh phụ trong hoàn cảnh một mình một bóng.
+ Hình ảnh ngọn đèn.
Trong rèm, dường đã có đèn biết chăng?
Đèn có biết dường bằng chẳng biết,
Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi.
Buồn rầu nói chẳng nên lời,
Hoa đền kia với bóng người khá thương!
Vò võ suốt năm canh trường trong ngóng đợi, khát khao, chinh phụ muốn có bạn để giải tỏa nỗi niềm. Người bạn duy nhất là ngọn đèn nhưng lại là vật vô tri vô giác. Nỗi niềm bi thiết chẳng biết san sẻ cùng ai:
Đèn có biết dường bằng chẳng biết,
Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi.
Và trớ trêu thay, ngọn đèn kia càng khơi sâu thêm nỗi niềm cô đơn của nàng:
Hoa đèn kia với bóng người khá thương!
Tác giả tả đèn là để tả sự cô đơn của con người. Biện pháp này khá phổ biến trong văn học trung đại. Có thể tìm thấy khá nhiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du.
- Một mình nàng ngọn đèn khuya,
Áo dầm giọt lệ tóc se mái đầu.
(trước khi Kiều trao duyên cho Vân).
- Bẽ bàng mây sớm đèn khuya,
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.
(Kiều ở lầu Ngưng Bích)
- Người vào chung gối loan phòng,
Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài.
(Kiều sau khi bị Hoạn Thư hành hạ cùng Thúc Sinh)
+ Tiếng gà gáy
Gà eo óc gáy sương năm trống
Âm thanh tiếng gà gáy được miêu tả: eo óc chứng tỏ không gian im lìm, vắng vẻ. Đây là nghệ thuật dùng cái động để thể hiện cái tĩnh. Tiếng gà gáy chỉ làm tăng thêm ấn tượng tịch mịch, im ắng.
+ Cây hòe.
Hòe phất phơ rủ bóng bốn bên.
Hình tượng hòe phất phơ và rủ bóng bốn bên gợi cảm giác về sự thưa thớt, hoang vắng, tô dậm thêm nỗi cô đơn của người chinh phụ. Cô đơn đến đáng sợ.
2. Những dấu hiệu cho thấy nỗi cô đơn của người chinh phụ.
Người chinh phụ cô đơn đến tuyệt đối. Nỗi cô đơn thấm đẫm trong nhiều hình ảnh thơ.
Nàng dạo hiên thì hiên vắng, một mình âm thầm gieo từng bước. Chinh phụ hết đứng (dạo hiên) lại ngồi. Mong hình bóng người mà chẳng thấy thước (chim khách) mách tin. Nàng cô đơn trong không gian và thời gian: lẻ loi khi ở trong nhà, một mình lúc dạo gót ngoài hiên; ban ngày nàng cô đơn ban đêm nàng một mình một bóng. Chỉ có ngọn đèn duy nhất có thể làm bạn nhưng lại là vật vô tri vô giác, không thể giúp nàng vơi đi nỗi cô đơn, trái lại càng khơi sâu thêm sự lẻ loi, đơn chiếc: Hoa đèn kia với bóng người khu thương. Cô đơn đến mức buồn rầu nhưng không thể nào giải tỏa được nỗi niềm nên càng cô đơn hơn Buồn rầu nói chẳng nên lời. Nỗi cô đơn đằng đẵng trong thời gian.
Khắc giờ đằng đẵng như niên.
Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa.
Những dấu hiệu trên liên tục xuất hiện trong nhiều dòng thơ nối tiếp nhau có tạc dũng tô đậm nỗi niềm cô đơn của người chinh phụ. Không ai cô đơn như nàng! Nghệ thuật miêu tả tâm trạng nhân vật của nhà thơ thật tài tình!
3. Vì sao người chinh phụ đau khổ.
Qua diễn biến tâm trạng của người chinh phụ, ta thấy nàng đau khổ vi phải sống trong cảnh chồng biền biệt nơi chiến trận, không có tin tức, không rõ ngày về. Cả đoạn trích là một thế giới nội tâm đầy khổ đau của nàng. Nàng đau khổ vì cô đơn, vì tha thiết mong muốn được sống trong tình yêu lứa đôi.
Người chinh phụ đau khổ vì cô đơn trong sự mong ngóng tin chồng mà vẫn bặt vô âm tín (xem phần trả lời ở câu 1 và câu 2).
Nàng khổ đau khiến nét mặt đượm một nỗi buồn, đôi mắt đẫm lệ. Sự đau khổ đã kết đọng thành nỗi buồn rầu, mối sầu não:
Buồn rầu nói chẳng nên lời
Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa
Nàng đau khổ đến chán chường, lòng dạ tâm trí lan man Hương gượng đốt hồn đà mê mải cô đơn, nàng càng khát khao hạnh phúc lứa đôi. Nàng gượng gảy đàn sắt cầm nhưng dây chùng hay đứt là báo điềm gở. Nghĩa là nàng lo sợ cho tính mạng người chồng ngoài chiến trường xa. Sự lo lắng, sợ hãi cũng chính là nỗi đau khổ của chinh phụ.
Nguyên nhân sâu xa dẫn đến nỗi đau khổ của người chinh phụ chính là cuộc chiến tranh, vì nó mà vợ chồng nàng phải xa nhau, người chồng có thể bỏ thây nơi chiến địa. Chiến tranh phong kiến phi nghĩa làm cho bao gia đình tan nát, bao hạnh phúc tiêu tan. Bi kịch của người chinh phụ có ý nghĩa tố cáo chiến tranh phong kiến phi nghĩa một cách mạnh mẽ và sâu sắc.
4. Nhạc điệu của thể thơ song thất lục bát trong đoạn trích.
Song thất lục bát là thể thơ do người Việt Nam sáng tạo nên. Trong tác phẩm nói chung và trong đoạn trích này nói riêng, thể thơ đã đáp ứng được yêu cầu diễn tả nội tâm nhân vật triền miên trong nhớ nhung, cô đơn, đau khổ. Nhịp ở các câu 7 chữ chủ yếu là 3/4 các câu lục bát được ngắt theo nhịp chẵn tạo nên âm điệu đều đều. Hai mươi tư câu thơ có 168 chữ thì chỉ có 59 chữ mang thanh trắc. Hai phần ba số chữ mang thanh bằng đã góp phần tạo nên giọng thơ trầm, buồn, mênh mang... Yếu tố nhạc điệu trong thơ đã phục vụ đắc lực cho việc diễn tả tâm trạng của người chinh phụ: thở than, nhớ nhung, cô đơn, đau khổ triền miên.