Phân tích "Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga" (Bài 2)
Đề bài
Đề bài: Phân tích Lục Văn Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga.
Hướng dẫn giải
Nguyễn Đình Chiểu sinh thời vào lúc loạn lạc, dù sớm đỗ đạt nhưng đến năm 26 tuổi đã bị mù, ông trở về làm thầy thuốc, làm một nhà thơ. Bằng tài năng và đức độ hơn người, Nguyễn Đình Chiểu đã khiến biết bao người ngưỡng mộ. Các bài văn thơ của ông dùng để khích lệ tinh thần chiến đấu và mang tính giáo huấn cao. Lục Vân Tiên là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất trong đời thơ của ông.
Lục Vân Tiên được sáng tác vào những năm 50 của thế kỉ XIX, thể hiện khát vọng hành đạo giúp đời của tác giả và khắc họa hình ảnh đẹp đẽ của hai nhân vật: Lục Vân Tiên tài ba, dũng cảm, trọng nghĩa khinh tài; Kiều Nguyệt Nga hiền hậu, ân tình. Nội dung chính của tác phẩm này là khi Lục Vân Tiên nghe tin triều đình mở khoa thi, chàng đã vội từ biệt thầy đi đua tài. Trên đường về, vô tình gặp cảnh Kiều Nguyệt Nga bị cướp chàng đã ra tay trượng nghĩa cứu giúp người bị nạn. Đoạn trích đã làm nổi bật vẻ đẹp phẩm chất của hai nhân vật chính là Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga.
Hình tượng Lục Vân Tiên được xây dựng theo mô típ quen thuộc của truyện dân gian, trượng nghĩa, anh tài, ra tay cứu giúp người bị nạn. Đây là nhân vật lí tưởng của văn học trung đại, thể hiện những khao khát mơ ước của nhân dân ta. Chàng mang lí tưởng lớn, lập thân lập danh giúp đời. Và trên đường về gặp chuyện bất bình, Lục Vân Tiên không hề ngần ngại mà ngay lập tức rat ay trượng nghĩa:
Vân Tiên ghé lại bên đàng,
Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô
Dù chỉ có một mình, trên tay chỉ có cây gậy nhưng Vân Tiên dám đương đầu với lũ cướp vừa đông vừa rất hung hãn. Hành động đó cho thấy tính cách anh hùng, tài năng và tấm lòng vị nghĩa của Vân Tiên. Trước sự dọa nạt của những tên cướp, Vân Tiên không hề nao núng: “Vân Tiên tả đột hữu xông/ Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dang” . Hình ảnh chàng trong trận chiến hiện lên thật đẹp đẽ, như một dũng tướng phá tan kẻ thù. Hành động đó cũng cho thấy bản chất, tấm lòng cao thượng của chàng,vì nghĩa quên mình, một vẻ đẹp tiêu biểu của những người anh hùng.
Không chỉ là một người có tinh thần trượng nghĩa, mà chàng còn là người hết sức khuôn phép, lịch sử với người khác giới. Sau khi đuổi hết lũ lâu la, Vân Tiên còn tiến lại hỏi han, an ủi những người bị nạn. Không chỉ vậy, khi nghe nói họ muốn được lạy tạ ơn, Vân Tiên vội gạt ngay đi:
Khoan khoan ngồi đó chớ ra
Nàng là phận gái ta là phận trai
Theo lễ giáo phong kiến giữa nam và nữ luôn phải giữ khoảng cách, “nam nữ thụ thụ bất thân”, câu nói của Lục Vân Tiên tuy có phần nặng nề lễ giáo phong kiến nhưng cho thấy chàng là người cư xử hết sức đúng mực. Đồng thời nó cũng xuất phát từ chính đức tính khiêm nhường của Vân Tiên “Làm ơn há dễ trông người trả ơn” . Việc mà chàng làm như là một việc đương nhiên, mà bất cứ ai thấy cũng sẽ hành động như vậy, bởi vậy, Vân Tiên không muốn nhận cái lạy tạ của người con gái và từ chối lời đề nghị về nhà của Kiều Nguyệt Nga.
Dường như với Lục Vân Tiên, làm việc nghĩa là một bổn phận, một lẽ tự nhiên, con người trọng nghĩa khinh tài ấy không coi đó là công trạng. Đó là cách cư xử mang tinh thần nghĩa hiệp của các bậc anh hùng hảo hán. Bởi chàng quan niệm:
Nhớ câu kiến ngãi bất vi
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng
Vân Tiên là mẫu anh hùng lí tưởng, mà qua nhân vật này nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã gửi gắm nhiều niềm tin, mơ ước, khát vọng của mình.
Bên cạnh nhân vật Lục Vân Tiên ta còn thấy một nàng Kiều Nguyệt Nga hết sức chừng mực, nết na, hiếu thảo. Nàng xưng hô rất khiêm nhường “tiện thiếp”, cùng với đó là cách nói năng hết sức nhẹ nhàng, khuôn phép: “Làm con đâu dám cãi cha/ Ví dầu ngàn dặm đàng xa cũng đành” . Lời nói của nàng hết rõ ràng, mạch lạc, vừa đẩy đủ thông tin vừa thể hiện niềm biết ơn chân thành với ân nhân đã giúp đỡ.
Đồng thời nàng cũng là con người biết cách ứng xử, có trước có sau. Việc Vân tiên cứu nàng đâu chỉ là cứu mạng sống, mà còn cứu cả một đời trinh bạch của người conn gái, bởi vậy, nàng càng biết ơn Vân Tiên hơn. Cũng bởi thế nàng áy náy không biết lấy gì đền đáp công ơn to lớn đó:
Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi
Và cuối cùng nàng đã quyết lấy thân mình, tự nguyện gắn bó cả đời với chàng trai hiệp nghĩa đó. Hàng ngày nâng khăn sửa túi để báo đáp ơn lớn của Vân Tiên đối với nàng. Những nét đẹp trong phẩm chất, trong hành xử của Kiều Nguyệt Nga đã chinh phục được tình cảm yêu mến của nhân dân.
Đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga tuy ngắn ngủi nhưng đã làm nổi bật vẻ đẹp phẩm chất của hai nhân vật: Lục Vân Tiên trượng nghĩa khinh tài, Kiều Nguyệt Nga thì nết na thùy mị. Hai nhân vật đại diện cho lý tưởng của nhân dân ta. Đồng thời qua các nhân vật này cũng gửi gắm những thông điệp sâu sắc của nhà thơ.