Đăng ký

Phân tích 14 câu đầu bài Trao duyên- bài văn mẫu lớp 10 hay, chi tiết

3,476 từ Phân tích Văn mẫu

Phân tích 14 câu đầu bài Trao duyên truyện Kiều

     Cùng tham khảo bài phân tích 14 câu đầu bài Trao Duyên trong truyện Kiều của Nguyễn Du để thấy phần nào sự đấu tranh, buồn bã của Thúy Kiều khi phải trao duyên cho em gái mình là Thúy Vân. Đồng thời qua đó thấy được sự tài hoa của tác giả trong việc khắc họa tâm lý nhân vật.

Phân tích 14 câu đầu bài trao duyên- CungHocVui

Phân tích 14 câu đầu bài trao duyên

Mở bài phân tích 14 câu đầu bài trao duyên

    Một niềm tự hào trong lịch sử văn học Việt Nam chính là đại thi hào Nguyễn Du . Một trong số những tác phẩm để đời, mang tên tuổi của Nguyễn Du lên tầm cao phải kể đến tác phẩm "Truyện Kiều". Được phổ thơ dựa trên cốt truyện của "Kim Vân Kiều truyện", "Truyện Kiều" thông qua câu chuyện cuộc đời thăng trầm của nhân vật chính Thúy Kiều phản ảnh một xã hội mục nát bất công, nhẫn tâm dồn ép con người vào bước đường cùng. Đoạn trích “Trao duyên” là lời Thúy Kiều nói cùng em gái vào đêm trước khi bán mình, lấy tiền cứu cha. Nội dung cuộc nói chuyện là những lời Thúy Kiều gửi cho em mối tình dang dở với Kim Trọng, nhờ em giúp hoàn thành trọn nghĩa tình với người yêu. Lý lẽ thông minh nhưng đầy chua xót được khắc họa rõ nét nhất qua mười bốn câu đầu của đoạn trích:

                "Cậy em em có chịu lời,

                   …

            Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây."

Xem thêm:

Bài cảm nhận 14 câu giữa bài trao duyên

Phân tích 4 câu miêu tả Thúy Vân

Thân bài phân tích 14 câu đầu bài trao duyên

    Nhan đề đoạn trích là Trao duyên nhưng không mang một màu lãng mạn, thơ mộng như bài thơ tình. Cảm nhận 14 câu đầu đoạn trích Trao duyên t thấy Thúy Kiều chỉ biết nén đau thương, cho vuông tròn hiếu - tình. Đành phải nhờ cậy em là Thúy Vân thay mình kết duyên với Kim Trọng.

Phân tích trao duyên

    Mở đầu đoạn trích trao duyên là những câu ngỏ lời chân thành, tha thiết của Kiều:

                        "Cậy em em có chịu lời,

                    Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa."

    Tuy "cậy" và "nhờ" đều có nghĩa là nhờ vả, xin sự giúp đỡ của một ai đó, nhưng cách Nguyễn Du đã khéo léo chọn từ "cậy" đã bộc lộ được thái độ của Kiều nhờ với tất cả sự hy vọng và tin tưởng. Cũng như vậy, từ "chịu" được tác giả sử dụng thay vì từ “nhận” dù chúng đồng nghĩa. Bởi vì khác với từ "nhận", từ "chịu" còn thêm một tầng ý bắt buộc, khiến cho người được nhờ vả khó nói lời từ chối.

    Trong hoàn cảnh nhờ vả một việc hết sức quan trọng đối với cuộc đời hai chị em thì cách tác giả dùng từ rất chính xác. Thời gian cấp bách cùng sự hệ trọng của chuyện nên Kiều hy vọng Thúy Vân không từ chối, do đó lời van nài cũng có chút ép buộc. Tuy Kiều cũng hiểu việc nhờ Thúy Vân kết duyên với Kim Trọng có sức ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời của 3 người. Nàng vẫn quyết tâm muốn sống trọn nghĩa cho người yêu. Bỏ qua lẽ thường cùng những cảm xúc cá nhân, nàng "lạy" và "thưa" đối với em mình. Kiều bất chấp dùng chính lễ nghi lạy trước thưa sau, thay bậc đổi ngôi này để ràng buộc Vân.

    Sau khi lạy xong, Kiều mới mở lời giãi bày hoàn cảnh với em, nói ra ý định muốn em thay mình kết duyên với Kim Trọng:

                        "Giữa đường đứt gánh tương tư,

                    Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em."

    Thúy Kiều dùng thành ngữ "đứt gánh tương tư" ám chỉ đoạn tình yêu dang dở với chàng Kim Trong. Tình cảm của Kiều với Trọng đang say đắm chưa kịp tới hồi viên mãn thì sóng gió đã ập tới gia đình, đành phải dở dang. Người con gái si tình là Kiều đau khổ biết mấy, nhưng vẫn nghĩ cho đại cục hi sinh cứu cha, trao mối duyên lại cho em. Nàng dùng điển tích về "keo loan" để thể hiện ý định muốn Thúy Vân hàn gắn câu chuyện tình giang dở của chị, kết duyên với Kim Trọng. Nàng cũng bày tỏ sự ray rứt đối với em, đem mối tình sâu đậm bản thân gìn giữ lâu biến thành một mối "tơ thừa" giao phó cho Thúy Vân, "mặc" cho Thúy Vân  định liệu.

Xem thêm:

Phân tích 18 câu đầu bài trao duyên

    Lúc này đây bao nhiêu kỉ niệm ngày xưa của mối tình đầu, kỉ niệm đẹp đẽ của một thời ào ạt trở về khiến nàng đau đớn khôn nguôi, không dằn được lòng mình, tâm sự với em:

                        "Kể từ khi gặp chàng Kim,

                    Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề."

    Từ "khi" được lặp lại ba lần gợi cho người đọc nghĩ đến tình cảm sâu nặng giữa Kiều với chàng Kim, nhớ đến từng khoảnh khắc họ bên nhau, quá trình mà cuộc tình này nảy mầm nở hoa đẹp biết bao. Với nghệ thuật liệt kê "ngày quạt ước", "đêm chén thề" những kỉ niệm đẹp đẽ ấy như sống lại một lần nữa trong lòng Kiều. 

    Phân tích 18 câu đầu trao duyên ta thấy những kí ức ấy tưởng chừng vô cùng ngọt ngào, giờ đây khi nhớ đến lại mang một nỗi đau không thể nào nguôi trong lòng nàng. Đặc biệt là khi nghĩ đến nguyên nhân của nỗi đau này:

                        "Sự đâu sóng gió bất kì,

                    Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai."

    "Sóng gió bất kì" liên tục ập đến khi Kim Trọng phải về quê chịu tang chú, gia đình Kiều lại bị mắc oan, cha và em Kiều bị bắt, chỉ khi Kiều bán thân dùng tiền ấy hối lộ, chuộc cha thì mới mong qua cơn hoạn nạn. Việc đó cũng đồng nghĩa, Kiều phản bội lời thề khi xưa cùng người yêu. Hoàn cảnh trái ngang quá, buộc phải chọn một giữa hai lẽ "hiếu" và "tình".Cuối cùng chữ “hiếu” nặng ngàn cân, vì ơn sinh thành dưỡng dục, Kiều chỉ có thể hy sinh tình yêu của mình. Nàng tỏ nỗi lòng với Vân, dùng nỗi đau của mình để thuyết phục Vân, hy vọng em mình có thể đồng cảm, thấu hiểu cho và chấp nhận lời cậy nhờ của mình.

Bài phân tích 14 câu đầu trong đoạn trích trao duyên- CungHocVui

Cảm nhận 14 câu đầu đoạn trích trao duyên

    Dù những lời tỏ bày nỗi lòng cũng đã nói xong nhưng vẫn sợ Vân không đồng ý, Kiều lại dùng những thứ khác để thuyết phục em:

                        "Ngày xuân em hãy còn dài,

                    Xót tình máu mủ thay lời nước non.

                        Chị dù thịt nát xương mòn,

                    Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây."

    Để thuyết phục em, Kiều không ngại dùng đến tình máu mủ, cùng cái chết. Các thành ngữ "tình máu mủ", "lời nước non", "thịt nát xương mòn" , "ngậm cười chín suối" được lần lượt dùng đến trong bốn câu thơ trên thể hiện sự quyết tâm của Kiều thuyết phục em cho bằng được. Đối với nàng, việc trả nghĩa cho Kim Trọng như di nguyện cuối đời nhất định phải thực hiện, chỉ cần Vân kết duyên với Kim Trọng, thì cho dù có chết đi thì Kiều cũng thấy an lòng, mãn nguyện. Tình máu mủ và cái chết ấy đã thành công trói buộc khiến cho Vân chẳng thể nào từ chối lời khẩn cầu của nàng.

    Thuyết phục cùng tâm sự chuyện tình xưa đã xong. Giờ Kiều chỉ còn việc trao lại tín vật định tình thì mối duyên này sẽ thành công trao lại cho em:

                       “Chiếc vành với bức tờ mây,

                    Duyên này thì giữ vật này của chung.”

    Những vật chứa kỷ niệm “chiếc vành - tờ mây” như bằng chứng về một cuộc tình đẹp đẽ. Nhưng rồi hôm nay đây, trao chúng cho Vân mong em giữ lấy cũng như duyên chị đã trao cho. Từ nay, cắt đứt đoạn tình này không còn là của Kiều, chỉ có kỉ vật còn vương chút hơi ấm của Kiều thì hãy xem là “của chung”.

    Sử dụng thể thơ lục bát một cách nhuần nhuyễn, đầy sáng tạo kết hợp với nhiều biện pháp tu từ, sử dụng sáng tạo thành ngữ và kết hợp tinh tế ngôn ngữ bác học với ngôn ngữ bình dân , Nguyễn Du đã khắc họa thành công nỗi dằn vặt, đau đớn khi phải hi sinh chữ tình để làm tròn chữ hiếu của Kiều. Đồng thời, qua tác phẩm ta còn có thể thấy được sự yêu thương, cảm thông sâu sắc của Nguyễn Du dành cho người tài hoa bạc mệnh.

Kết bài phân tích trao duyên 14 câu đầu

    Thông qua việc thể hiện nỗi đau của Kiều khi phải trao duyên tình dang dở của mình cho em, "Trao duyên" hay “Truyện Kiều” đã  mang đến độc giả cái nhìn chân thực về thời đại của tác giả, một thời đại mà con người bị đồng tiền chi phối, bị chính đồng tiền dung tục dồn ép tới đường cùng, không còn lối thoát. Chính giá trị nhân đạo và hiện thực sâu sắc ấy mà đoạn trích, cũng như "Truyện Kiều" đã để lại trong lòng nhiều thế hệ độc giả ấn tượng sâu sắc.

    Trên đây là hướng dẫn Phân tích 14 câu đầu bài Trao duyên (trích “Truyện Kiều”) chi tiết, có dàn ý chi tiết, bài mẫu cơ bản đủ ý. Chúc các bạn ngày càng yêu thích và học tốt môn Văn.