Đăng ký

Hướng dẫn soạn bài Luyện tập sử dụng yếu tố miêu tả trong văn bản thuyết trình

2,085 từ Soạn bài

LUYỆN TẬP

SỬ DỤNG YẾU TỐ MIÊU TẢ

TRONG VĂN BẢN THUYẾT MINH

 

 

I. HƯỚNG DẪN CHUẨN BỊ

Cho đề bài sau: Con trâu ở làng quê Việt Nam

1. Tìm hiểu đề:

- Xác định đối tượng thuyết minh;

- Xác định thao tác thuyết minh: giới thiệu, trình bày, giải thích hay kết hợp các thao tác?

2. Tìm hiểu đối tượng thuyết minh: về con trâu (đặc điểm, ích lợi,…), về làng quê Việt Nam (tập quán, văn hoá, đặc thù lao động sản xuất,…).

3. Tìm ý, lập dàn ý:

- Em dự định sẽ trình bày những ý nào?

- Sắp xếp các ý theo trình tự hợp lí.

4. Tham khảo văn bản thuyết minh khoa học sau và tự rút ra những kiến thức cần thiết cho bài thuyết minh sau :

Trâu động vật thuộc họ Bò (Bovidae), phân bộ Nhai lại (Ruminantia), nhóm Sừng rỗng (Cavicornes), bộ Guốc chẵn (Actiodactyla), lớp Thú có vú (Mammalia).

Trâu Việt Nam (Bubalus bubalus) có nguồn gốc từ trâu rừng thuần hoá, thuộc nhóm trâu đầm lầy. Lông màu xám, xám đen, thân hình vạm vỡ, thấp, ngắn, bụng to, mông dốc, bầu vú nhỏ, sừng hình lưỡi liềm. Có 2 đai màu trắng: dưới cổ và chỗ đầu xương ức. Trâu cái nặng trung bình 350 - 400kg (300 - 600kg), trâu đực: 400 - 450kg (350 - 700 kg). [...]

Trâu 3, 4 tuổi có thể đẻ lứa đầu. Trâu đẻ có mùa vụ. Một đời trâu cái thường cho 5 - 6 nghé, nghé sơ sinh nặng 22 - 25kg. Đôi răng cửa giữa cố định bắt đầu mọi lúc 3 tuổi và trâu kết thúc sinh trưởng khi hết 6 tuổi (8 răng cửa).

Trâu nuôi chủ yếu để kéo cày: Lực kéo trung bình trên ruộng 70 - 75 kg bằng 0,36 - 0,40 mã lực. Trâu loại A, một ngày cày 3 - 4 sào, loại B: 2 - 3 sào và loại C: 1,5 - 2 sào Bắc Bộ; kéo xe: ở đường xấu tải trọng 400 - 500kg, đường tốt 700 - 800kg và trên đường nhựa với bánh xe hơi kéo trên 1 tấn; kéo gỗ: trên đường đồi núi, thường một trâu kéo 0,5 - 1,3 m3 với đoạn đường 3 -5km.

Khả năng cho thịt: Trâu cái có tỉ lệ thịt xẻ 42%; Trâu thiến: 45% và trâu đực 2 tuổi: 48%. Khả năng cho sữa: 400 - 500kg sữa trong một chu kì vắt. Mỡ sữa 9 - 10%. Khả năng cho phân: Trong 24 giờ, trâu 2 răng thải ra 10kg phân, trâu 4 răng: 12 - 15kg và trâu trưởng thành: 20 - 25kg...

(Theo Từ điển Bách khoa Nông nghiệp, Hà Nội, 1991)

Trả lời :

Lưu ý đặc điểm về giống loài, tập tính, ích lợi; chú ý ghi lại những số liệu để đưa vào bài thuyết minh của mình.

II. RÈN LUYỆN KĨ NĂNG

1. Sử dụng thao tác miêu tả để thuyết minh giới thiệu các nội dung sau:

- Con trâu ở làng quê Việt Nam (hình ảnh con trâu trong khung cảnh đồng ruộng, thôn xóm ở làng quê Việt Nam);

- Con trâu trong công việc đồng áng, chuyên chở (cày ruộng, kéo xe,…);

- Con trâu trong một số lễ hội (lễ hội chọi trâu, đua trâu,…);

- Con trâu với tuổi thơ ở nông thôn.

Gợi ý:

- Đối với những học sinh ở vùng nông thôn: chú ý quan sát, ghi chép để giới thiệu, miêu tả chính xác, tỉ mỉ.

- Đối với những học sinh không sống ở nông thôn: cần tìm hiểu qua tài liệu, tham khảo ý kiến của người lớn,… để có được tri thức cần thiết về đối tượng thuyết minh.

2. Chọn một trong các chủ đề ở trên để viết thành một đoạn văn thuyết minh có sử dụng yếu tố miêu tả. Vận dụng kết hợp các biện pháp nghệ thuật để tăng thêm sức hấp dẫn cho đoạn văn thuyết minh.

Trả lời :

- Kết hợp sử dụng các phương pháp thuyết minh: định nghĩa, liệt kê, nêu số liệu,…

- Kết hợp yếu tố miêu tả;

- Vận dụng các biện pháp nghệ thuật: ẩn dụ, so sánh, nhân hoá,…; có thể dẫn những câu tục ngữ, ca dao về con trâu để đoạn văn thêm sinh động, hấp dẫn.

3. Đọc văn bản sau và nhận xét về sự kết hợp giữa thuyết minh với miêu tả (kết hợp ở nội dung nào, tác dụng ra sao):

 

DỪA SÁP

 

Giồng cây xanh - một vùng ven thị trấn cầu kè, tỉnh Trà Vinh là nơi duy nhất trên nước ta trồng loại dừa độc nhất vô nhị có cái tên nghe ngồ ngộ là dừa sáp. Và loại dừa này dùng để ăn chứ không để uống...

Từ lâu dừa sáp là đặc sản nổi tiếng của huyện Cầu Kè. Theo những người cao niên trong làng thì dừa sáp được trồng vào giữa thế kỷ XX do sư cả Chùa Chợ đến Cam-pu-chia mua về trồng. Nhìn bề ngoài thì cây dừa sáp cũng giống như cây dừa ta. Sở dĩ dừa được gắn với tên sáp là vì cơm của nó vừa mềm, vừa xốp lại dẻo như bột đã được nhào sệt, đồng thời lại có màu đùng đục của sáp. Đặc biệt là cơm dừa chiếm trọn gần cả gáo. Các bạn nhiều nơi thiệt thòi vì còn ít, hoặc chưa bao giờ được nếm, thậm chí chỉ chiêm ngưỡng thôi, loại dừa có một không hai này.

Thời gian trước người ta thưởng thức dừa bằng cách nạo cơm dừa rồi bỏ vào ly sẵn đá rồi sau đó cho sữa bò vào. Ngày nay người ta bỏ cơm dừa vào máy say sinh tố có chứa sữa và đá ở trong đó. Vị lạnh của đá đã được say nhuyễn làm cho vị thơm ngon của dừa trộn sữa toát ra hết rồi lan toả khắp miệng để lại dư vị tuyệt vời trên đầu lưỡi. Có lẽ nhờ hương vị của ly dừa tuyệt hảo mà mỗi trái dừa sáp có giá cao hơn dừa thường gấp 10 lần.

Bình thường thì mỗi trái dừa là 10 000 đồng. Vào những dịp lễ hội lớn như lễ thanh minh, lễ cúng chùa ông Bổn vào ngày rằm tháng bảy âm lịch, lễ Vu Lan là khách từ các nơi nườm nượp đổ về, ai cũng muốn thưởng thức đặc sản của quê hương Cầu Kè và đồng thời mua về làm quà cho người thân, khiến cho dừa sáp vọt lên với giá 25 000 đồng.

Hiện tại, cả Giồng Cây Xanh cũng chỉ có được khoảng 700 cây dừa sáp. Cặp dừa giống mà vị sư cả đem về trồng ở trong sân chùa hơn 50 năm qua giờ đã trở thành thuỷ tổ của loại dừa sáp. Người dân ở nơi đây đã cố nhân giống loại dừa siêu ngon này khắp nơi nhưng lạ thay nó chỉ chịu cho sáp ở các nơi như: Tam Ngãi, Phong Phú, Phong Thạnh... có nghĩa là nó chỉ "mến" vùng đất quanh thị trấn Cầu Kè còn nếu trồng chệch qua phần đất khác thì dừa sẽ không cho sáp. Trước đây thường mỗi buồng dừa có khoảng 12 trái thì có đến hơn phân nửa là dừa sáp nhưng hiện thì chỉ có được 3 -  4 trái có sáp, có khi còn không có trái nào.

Lí giải hiện tượng này, chi cục bảo vệ thực vật tỉnh Trà Vinh cho biết, do dừa sáp trồng cùng vùng với dừa thường nên dẫn đến tình trạng hoa của dừa sáp thụ phấn của dừa thường. Để khắc phục, cần phải có vùng đất riêng để trồng nó. Nhưng muốn có một "giang sơn" cho dừa sáp là điều mà các nhà khoa học còn phải "đau đầu"

                             (Thanh Thuý, Báo Thiếu niên tiền phong, số 80 - 2004)

Trả lời :

Trước hết, phải xác định được chủ đề thuyết minh của văn bản; chủ đề ấy được triển khai ở những nội dung nào? Người viết đã sử dụng miêu tả như thế nào để giới thiệu về cây dừa sáp? (miêu tả những gì? tác dụng của yếu tố miêu tả ra sao?).

Tự rút ra kết luận về việc sử dụng yếu tố miêu tả trong văn bản thuyết minh, cách thức cũng như tác dụng của việc kết hợp này.