Đăng ký

Hãy vào vai một người khách đến mua cá, em hãy kể lại truyện ngụ ngôn “Treo biển”

1,418 từ

Hãy vào vai một người khách đến mua cá, em hãy kể lại truyện ngụ ngôn “Treo biển”.

A. Hướng dẫn làm bài
- Đề bài yêu cầu kể lại truyện ngụ ngôn Treo biển trong hoàn cảnh cụ thể mang tính tưởng tượng: em là một người khách đến mua cá, chứng kiến việc thay biển của chủ cửa hàng và kể lại những chuyện đó.
- Kể lại chuyện dựa vào truyện ngụ ngôn Treo biển.

- Truyện được kể bằng ngôi thứ nhất, nhân vật người kể chuyện là người đến cửa hàng mua cá xưng “tôi”.
- Bài làm cần đủ những ý chính sau:
Mở bài:
+ Giới thiệu bản thân.
+ Giới thiệu chuyện nhà hàng thay biển và khái quát chung những nhận xét của bản thân (đó là chuyện đáng cười).
Thân bài:
+ Chuyện nhà hàng treo biển Ở đây có bán cá tươi.
+ Những lời “góp ý” của khách dẫn đến việc nhà hàng lần lượt thay biển thành:
- “Ở đây có bán cá”;
- “Có bán cá”;
- “Cá”;
- Cuối cùng, nhà hàng cất nốt cả tấm biển.
Kết bài:
Những suy nghĩ và học mà người kể chuyện tự rút ra: khi làm việc gì cũng phải suy nghĩ trước sau; có thể lắng nghe góp ý của người khác nhưng phải cẩn trọng suy xét đúng sai, phải có chủ kiến.

B. Bài văn mẫu
Tuần trước, tôi đi qua ngã ba đầu phố, thấy một cửa hàng bán cá treo một tấm biển lớn: “ở đây có bán cá tươi”. Thấy có “cá tươi”, tôi vui mừng bước vào định mua một ít. Đang chờ người bán hàng gói cá thì tôi nghe thấy một người khách cười nói:

– Nhà ông này có bán cá ươn hay sao mà biển phải đề là “cá tươi”?!

Không hiểu có phải chủ hàng nghe thấy câu nói ấy hay không mà hôm sau, đi qua, tôi đã thấy chữ“tươi” bị bỏ mất. Biển hiệu chỉ còn: “Ở đây có bán cá”! Tôi thấy rất thú vị bèn lân la đến gần quầy hàng định bụng hỏi chuyện ông chủ. Lúc ấy, có người đi qua lại bảo:

– Chẳng bán cá ở đây thì bán ở đâu!

Người chủ lập tức hạ biển, bớt chữ. Thế là cái biển chỉ còn ba chữ: “Có bán cá”. Tôi định góp ý với ông chủ nhưng thấy tình hình ấy thì không nén được cười thầm trong bụng. Được rồi! Cứ chờ xem số phận cái biển sẽ ra sao!

Ít ngày sau tôi lại qua đó. Thật kinh ngạc! Cái biển chỉ còn một chữ: “Cá”. Nghe người qua đường kể thì hoá ra, có một người khách đến mua hàng, ông ta nói với chủ hàng rằng:

– Bày cá ra chẳng để bán thì để làm gì mà còn phải viết “có bán”!

Vậy là ông chủ lại hạ biển, bớt chữ! Tôi bật cười, cố tình nói một câu rõ to để trêu đùa ông chủ quán ba phải này:

– Chưa đến đầu phố đã ngửi thấy mùi tanh, đến gần thì thấy cá. Vậy phải để biển làm gì!

Nói rồi, tôi chờ phản ứng của ông chủ quán. Quả nhiên, lựa lúc vắng khách, ông ta cho hạ cái biển xuống rồi cất nó đi luôn!

Ông chủ hàng cá thật là người thụ động, ba phải – “con tám cũng ừ, con tư cũng gật”. Treo biển lên để quảng cáo là một công việc rất có ý nghĩa: nhưng chính ông ta cũng không nhận thức được ý nghĩa đó, không có chủ kiến của mình, rốt cuộc treo lên rồi lại cất đi chỉ vì những ý kiến vô thưởng vô phạt. Việc làm khi đó vừa tôn công, phí sức lại vừa đáng chê cười.

Từ việc làm kì quặc của người bán hàng này, tôi hiểu rằng khi làm việc gì cũng phải suy nghĩ trước sau. Cũng có thể lắng nghe góp ý của người khác nhưng phải cẩn trọng suy xét đúng sai, phải có chủ kiến khi làm việc kẻo phí công vô ích mà lại mang tiếng “Đẽo cày giữa đường”, bị thiên hạ cười chê mà vẫn không mang lại kết quả việc làm như mong muốn.

shoppe