Hãy làm rõ sự khác biệt của cụm từ ta với ta trong hai bài thơ Bạn đến chơi nhà và Qua Đèo Ngang
Trong hai bài thơ Bạn đến chơi nhà và Qua Đèo Ngang đều có cụm từ ta với ta trong câu thơ cuối mỗi bài
Hãy làm rõ sự khác biệt của cụm từ ta với ta trong mỗi bài thơ.
A. Hướng dẫn làm bài
- Đề bài yêu cầu phân tích hai bài thơ “Bạn đến chơi nhà” của Nguyễn Khuyến và “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan đế thấy được sự khác biệt của “ta với ta” trong câu thơ cuối mỗi bài.
- Lấy dẫn chứng từ hai bài thơ “Bạn đến chơi nhà” của Nguyễn Khuyến và “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan.
- Bài làm cần đủ những ý chính sau:
Mở bài:
+ Giới thiệu hai bài thơ “Bạn đến chơi nhà” của Nguyễn Khuyến và “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan.
+ Cả hai bài thơ đều kết thúc bằng cụm từ “ta với ta” đầy ý nghĩa nhưng ở mỗi bài lại mang một ý nghĩa khác nhau.
Thân bài:
+ Phân tích bài thơ “Bạn đến chơi nhà” của Nguyễn Khuyến:
• Hoàn cảnh của nhà thơ: đã về ở ẩn, rời chốn quan trường nay đón bạn đến thăm -> tình bạn chân thành, không bị danh lợi chi phối.
• Điều kiện tiếp bạn: khó khăn đủ điều về vật chất, đến miếng trầu tiếp bạn cũng không có.
• Tiếng “ta với ta” vang lên cuối bài là tiếng cười ấm áp, vui vẻ mừng cho tình bạn chân thành, gắn bó; tiếng cười của sự hội tụ những tâm hồn thanh cao.
+ Phân tích bài thơ “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan:
• Hoàn cảnh của nhà thơ: rời quê nhà Thăng Long đến một nơi xa xôi cách biệt.
• Thời gian, không gian, cảnh vật: xế chiều; Đèo Ngang - một di tích của sự chia lìa đất nước, thiên nhiên hoang vắng, heo hút; đời sống con người lam lũ, vất vả…
-> Tất cả gợi nỗi buồn thương da diết.
• Tiếng “ta với ta” vang lên trước cái rộng lớn của vũ trụ “trời, non, nước”, đó là tiếng nói ngậm ngùi của nồi cô đơn “một mảnh tình riêng” không thể sẻ chia.
+ Sự khác nhau về ý nghĩa, sắc thái của cụm từ “ta với ta” trong hai bài thơ. Chỉ ra nguyên nhân sự khác nhau đó.
Kết bài:
+ Khẳng định giá trị của hai bài thơ.
B. Bài văn mẫu
Hai bài thơ “Qua đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan và “Bạn đến chơi nhà” của Nguyễn Khuyến tuy cùng kết thúc bằng cụm từ “ta với ta” nhưng mang màu sắc ý nghĩa khác nhau. Điều này được thấy rất rõ qua tâm trạng của hai nhân vật trữ tình trong hai bài thơ.
Trước hết ta thấy, hoàn cảnh sáng tác hai bài thơ rất khác nhau. Bà huyện Thanh Quan trên đường vào kinh đô Huế nhận chức, đi qua Đèo Ngang tức cảnh sinh tình sáng tác bài thơ. Còn Nguyễn Khuyến nhân dịp có người bạn lâu mới đến chơi nhà và thông qua những lời tâm sự chân thành của bài thơ, tác giả bày tỏ tình cảm với bạn. Sự khác nhau này dẫn đến sự khác nhau của tâm trạng, một tâm trạng buồn, cô đơn của người xa quê, một tâm trạng mừng vui khi tiếp đãi bạn.
Cùng với nữ sĩ Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm,... Bà Huyện Thanh Quan là một trong những cây bút xuất sắc góp phần làm giàu thêm cho kho tàng văn học trung đại Việt Nan. Vốn là người thông minh lại tinh tế, nhạy cảm, bà được mời vào Đàng Trong làm chức Cung trung giáo tập. Phải xa nhà, xa mảnh đất Thăng Long, trong tâm trạng nữ sĩ đã phảng phất nỗi buồn nhưng còn buồn hơn nữa trước cảnh đất nước bị chia cắt thành hai miền. Vì thế, vừa bước tới Đèo Ngang, con đèo làm cột mốc phân chia địa giới hai Đàng, cảm xúc trong nhân vật trữ tình bỗng dâng trào. Cảnh núi rừng Đèo Ngang lần lượt hiện lên qua con mắt quan sát của nữ sĩ. Cảnh có cỏ, cày, hoa, lá, có núi, có sông, cái chợ, mấy ngôi nhà, vài chú tiều... Tất cả mọi thứ thật hoang sơ, thưa thớt, đường nét, màu sắc đều mờ nhòa, thanh đạm. Trong bức tranh núi rừng ấy cũng vang vọng lại mấy âm thanh. Đó là tiếng kêu“nhớ nước” của con chim quốc, tiếng kêu “nhớ nhà” của con chim đa đa. Ở đây, nghệ thuật đối, nghệ thuật đảo ngữ “Lom khom dưới núi tiều vài chú. Lác đác bên sông chợ mấy nhà” gợi sự vất vả, nặng nhọc, tẻ nhạt của con người, của cuộc sống; từ láy “lom khom, lác đác, quốc quốc, gia gia” có sức tác động mạnh vào vào liên tưởng người đọc. Rõ ràng, cảnh được nhìn vào lúc chiều tà lại được nhìn qua con mắt của người xa nhà nên cảnh ở đây không đẹp mà buồn, ảm đạm và hoang sơ. Mỗi một ý thơ như nặng đi vì mang trong nó nỗi u sầu của nữ sĩ. Nữ sĩ đang rất buồn, cô đơn, rợn ngợp trước cảnh thiên nhiên hùng vĩ ấy. Tiếng chim quốc nhớ nước, tiếng chim đa đa nhớ nhà hay đó là tiếng của nỗi lòng đang nhớ quê, nhớ gia đình, nhớ về quá khứ tươi đẹp của đất nước. Chính vì thế, nghe tiếng chim kêu da diết lòng người sao tránh khỏi sự đau đớn, sao có thể thờ ơ. Đối mặt với cảnh “trời, non, nước” bao la, mênh mông và rợn ngợp, nhân vật trữ tình thấy mình quá nhỏ bé, đơn côi, nỗi buồn, nỗi nhớ nhà, nhớ nước càng sâu hơn. Ấy thế mà xung quanh không một bóng người, không một ai để nữ sĩ có thể sẻ chia tâm sự để nỗi lòng được nhẹ bớt. Bút pháp đối lập càng làm rõ thêm sự cô đơn của nhân vật: “trời, non, nước” đối lập với “một mảnh tình riêng”. Từ đó, cụm từ“ta với ta” đóng vai trò kết thúc bài thơ nhưng để lại trong lòng người đọc một sức nặng ghê gớm về tâm sự cô đơn tuyệt đối. Hai chữ “ta” đều chỉ một mình nhân vật trữ tình, chỉ có mình ta đối diện với ta trong không gian rộng lớn, không ai thấu hiểu được nên nồi buồn càng xâm chiếm, nặng nề...
Khác với “Qua đèo Ngang”, bài thơ “Bạn đến chơi nhà” mang một âm điệu hoàn toàn khác, vui tươi, hóm hỉnh. Ngay từ dòng thơ đầu tiên ta thấy một niềm vui rạng rỡ của người lâu ngày mới gặp bạn “đã bây lâu nay bác tới nhà”. Đã lâu lắm rồi, từ ngày về ở tại quê nhà, hôm nay “bác” mới đến thăm, thật là quý hóa. Khách quý lại lâu mới đến chơi, hẳn nhà thơ sẽ thết đãi bạn thật nhiều thứ để thể hiện sự hiếu khách. Nhưng sáu dòng thơ tiếp theo với giọng thơ hóm hỉnh, tự nhiên và chân thành, tác giả khiến người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Nhà thơ như một ông lão hài hước, kể về hoàn cảnh của mình: mọi người đi vắng cả, có đứa nhỏ để sai bảo cũng không có nhà, chợ thì xa, ao sâu không bắt được cá, vườn rộng không đủ sức đuổi gà, cải còn chưa ra cây, cà vừa ra nụ, bầu, mướp cũng chỉ có nụ và hoa....Tất cả mọi thứ nhà thơ đều có, từ những thứ sang trọng như cá, gà đến những thứ dân dã nhưng đều trống trơn cả, chẳng có gì thết khách. Thậm chí “miếng trầu là đầu câu chuyện” cũng không có nốt. Lời thơ vui tươi, cười đùa như để bày tỏ, thanh minh với bạn, mong bạn hiểu và thông cảm. Một cách khéo léo, nhà thơ đã bày tỏ cho bạn biết gia cảnh của mình. Cũng đầy đủ lắm nhưng mà bác đến chơi chẳng đúng dịp rồi. Vui vẻ như thế nên ta chẳng thấy sự nghèo nàn bộc lộ trong lời thơ chỉ thấy sự chân thành, cởi mở mà thôi. Vì thế, đến câu kết, lời thơ trở nên rất thân thiết: “Bác đến chơi đây, ta với ta”. Tạo dựng được hoàn cảnh “ngẫu nhiên” không có gì để nhà thơ nhấn mạnh là có tất cả. Mọi của cải vật chất đâu phải thứ quan trọng. Bác đã đến đây chơi với tôi vậy thì quý giá nhất đã có rồi. Chỉ cần một thứ đó thôi là đủ, đó là tình bạn của chúng ta, tình bạn đánh đổi được mọi giá trị vật chất trên đời. Cụm từ “ta với ta”mang ý nghĩa sâu sắc là vì thế. Một chữ “ta” nhưng chỉ hai người, nhà thơ và bạn. Tuy hai nhưng là một, chỉ dùng một đại từ “ta” để khẳng định tình bạn thăng hoa. Câu thơ kết thúc như vang lên một tiếng cười xòa sảng khoái của hai người bạn. Cười vì tình bạn, tình người đã chiến thắng giá trị vật chất, vì tình bạn là mãi mãi.
Hai bài thơ với hai tâm trạng khác nhau đã mang đến cho người đọc những cảm xúc đa dạng, phong phú. Cùng khép lại bằng cụm “ta với ta” nhưng chúng có ý nghĩa khác xa nhau. Từ đó, ta càng hiểu thêm về tâm sự của con người trong thơ văn trung đại.