Em hãy thay lời cây lau kể lại câu chuyện bi thương của Vũ Nương
Cây lau chứng kiến việc Vũ Nương ngồi bên bờ Hoàng Giang than thở một rồi tự vẫn. Em hãy thay lời cây lau kể lại câu chuyện bi thương đó
Tôi là họ nhà lau. Tôi đã sinh sống bên bờ Hoàng Giang mấy chục năm trời, đã chứng kiến biết bao cảnh đông vui tấp nập của con người, lúc ồn ào xuống đò sang sông đi chợ tỉnh, khi quăng chài đánh cá, giặt giũ bên sông, và nhất là lũ trẻ con, chiều chiều ùa xuống tắm táp, vùng vẫy thỏa thích trong dòng nước mát. Nào có ngờ đâu, đêm nay, cái đêm đáng ghi nhớ ấy, tôi lại phải chứng kiến một cảnh thương tâm đau lòng đến thế...
Lúc ấy đêm đã khuya. Sương xuống ướt lạnh cả người tôi. Mọi vật đã ngủ say sau một ngày hoạt động căng thẳng. Con sông Hoàng Giang lặng lẽ trôi, dòng nước đen thẫm loang loáng ánh trăng mờ. Gió thôi nhẹ tạo nên khúc nhạc thầm thì của cây lá bên sông...
Có tiếng động khẽ làm tôi giật mình lắng nghe. Không phải tiếng con vật mà là tiếng bước chân người. Tiếng bước chân nhẹ nhàng như không chạm vào đất mà lướt đi trên không. Tiếng bước chân của một người con gái. Người hay ma mà lại hiện ra trong đêm khuya khoắt vắng vẻ này? Nàng đã đến bên tôi, váy áo lụa dài óng ả, tóc xòa ngang lưng còn thơm mùi lá sả gội đầu. Một người con gái thon thả, mảnh mai, gương mặt đẹp, buồn mờ trắng dưới ánh trăng. Nàng ngồi xuống bên tôi, khẽ nâng vạt áo thấm nước mắt. Rồi nhìn dòng nước đen thầm, nàng thì thầm kể với Hoàng Giang:
- Sông ơi! Thế là đời ta, đời một người con gái trắng trong, tiết hạnh, thủy chung giờ đây đã hết. Chồng ta, không biết nghe ai, đã nghi ngờ ta, sinh lòng ghen ghét, chửi mắng ta thậm tệ rồi đánh đuổi ta phũ phàng... Tình nghĩa vợ chồng đã tan tành như mây khói. Ta đã phải xấu hổ, phải chịu tiếng nhục với muôn đời. Ta còn thiết gì sống trên cõi trần này nữa... Sông ơi! Hãy cho ta về với sông, hãy mở lòng ra đón người con gái xấu số này...
Nàng nghẹn ngào không nói được và lại tấm tức khóc. Bờ vai rung lên, làn tóc xõa trên lưng vẫn thơm mùi lá sả. Tôi chợt hiểu: nàng đã tắm gội để đi về với kiếp khác! Hồi lâu, trấn tĩnh lại, nàng quỳ trên cát, chắp tay khấn những lời cuối cùng trước khi từ biệt cõi dương thế. Nàng thì thầm nói với chồng:
- Trương Sinh! Chàng đã phụ thiếp, thiếp đành phải ra đi. Bây giờ chàng còn nghi ngờ thiếp, nhưng kiếp sau chàng sẽ hiểu tấm lòng của thiếp đối với chàng và giải oan cho thiếp...
Rồi nàng gọi con đau xót:
- Đản ơi! mẹ phải đi đây. Mẹ phải xa con, không được bế bồng, chăm sóc con nữa. Con còn nhỏ quá, chưa hiểu được nỗi oan trái của mẹ. Lớn lên rồi con sẽ hiểu... Nhưng lúc bấy giờ...
Nàng nghẹn lại, không nói tiếp được cái điều đau xót ấy. Chỉ có tiếng nấc và những dòng nước mắt may ra mới có thể giải tỏa được nỗi đau này. Tôi cũng lặng người đi bên người con gái bất hạnh mà những tiếng nấc của nàng như những mũi kim đau nhói lòng tôi.
Có một tiếng vạc đi ăn đêm. Vầng trăng ra khỏi mây bỗng sáng lên khắp bầu trời. Bóng người con gái quỳ trên cát hằn rõ trên bờ sông Hoàng Giang như một bức tượng màu trắng bất động. Lẽ nào nàng lại hóa đá như Tô Thị thuở xưa - tôi thì thầm tự hỏi. Nhưng không, nàng lại ngẩng mặt ra sông và gọi con sông quê hương tha thiết như gọn một người bạn tâm tình:
- Sông ơi! Đã đến giờ rồi đấy ! Hãy cho ta về với sông, hãy cho ta được sống kiếp khác với sông, trong dòng sông mà một thời thơ ấu và một thời con gái ta đã có bao kỉ niệm êm đẹp với sông. Hãy đón ta về như một người bạn, một người em gái của sông. Ta nguyện sẽ đời đời kiếp kiếp ở với sông, dòng sông Hoàng Giang mà ta yêu quý. Sông ơi!...
Bóng áo trắng cựa mình, làn tóc đen bay tung, vút một cái, nàng đã lao mình xuống Hoàng Giang. Dòng nước đen thẫm loang loáng ánh trăng đã cuốn người con gái bất hạnh và xấu số ấy đi về một kiếp khác nhưng cái bóng nàng quỳ trên bờ sông trong đêm trăng ấy thì mãi mãi tôi không thể nào quên.