Đăng ký

Dựa vào văn bản "Bài ca nhà tranh bị gió thu phá", phát biểu cảm nghĩ của em về người già neo đơn, bất hạnh

1,952 từ

Dựa vào văn bản "Bài ca nhà tranh bị gió thu phá", phát biểu cảm nghĩ của em về người già neo đơn, bất hạnh

A. Hướng dẫn làm bài
- Đề bài yêu cầu: phát biểu cảm nghĩ của em về những người già neo đơn có hoàn cảnh bất hạnh.
- Biểu cảm dựa trên ý tứ bài thơ “Bài ca nhà tranh bị gió thu phá” của Đổ Phủ; từ những tình cảm, cảm xúc chân thật của bản thân về những người già neo đơn có hoàn cảnh bất hạnh.
- Bài làm cần đủ các ý chính sau:

Mở bài:
+ Cảm nghĩ chung về những người già neo đơn có hoàn cảnh bất hạnh.
Thân bài:
+ Cảm nghĩ về hình ảnh nhà thơ qua bài thơ “Bài ca nhà tranh bị gió thu phá”.
+ Sự xót xa, thương cám cho những người già neo đơn có hoàn cảnh bất hạnh.
+ Cảm nghĩ về tấm lòng của những người già neo đơn có hoàn cảnh bất hạnh.
Kết bài:
+ Mong muốn điều tốt đẹp đến với tất cả những người già.

B. Bài văn mẫu
“Bài ca nhà tranh bị gió thu phá” là một văn bản thơ gợi ra trong lòng người đọc nhiều cảm xúc và suy nghĩ về những người già neo đơn có hoàn cảnh bất hạnh. Nhưng sáng lên trong hoàn cảnh khó khăn đó là tấm lòng nhân hậu, vị tha....

Trong bài thơ của Đổ Phủ, hình ảnh của một ông già neo đơn, khổ cực dường như đã đến đỉnh điểm. Có một mái nhà tranh bị gió tốc mái, những tấm cỏ tranh bay sang bờ bên kia sông, tan tác mỗi nơi một thứ... Cảnh tượng ấy thật kinh hoàng. Những câu thơ miêu tả, nỗi xót xa, đau đớn được thốt lên cùng hình ảnh một ông già chống gậy, miệng thét gào thảm thiết mà cuối cùng đành quay lại tay không đã khắc sâu trong tâm trí bao người... Nỗi khốn cùng đâu dừng lại ở đó, ông lão còn bị trận mưa phũ phàng hành hạ. Cuộc đời nhiều sóng gió đó đúc kết lại trong hai câu thơ:

“Từ trải cơn loạn ít ngủ nghê
Đêm dài ướt át sao cho trót?”

Từ số phận của một con người tác giả đã khái quát số phận của biết bao người già khác. Họ vừa phải chịu cảnh neo đơn mà vừa phải chịu sự bất hạnh. Là thế hệ con cháu, nhìn những cảnh đó tôi không khỏi xao lòng.

Dân gian vẫn có câu “Trẻ cậy cha, già cậy con”, nhỏ thì sống nhờ cha mẹ, già cả nương tựa vào con cháu, con cháu mà mình đã vất vả một đời nuôi nấng, chăm sóc. Đó cũng là lí lẽ, là đạo hiếu thường tình của dân tộc Việt Nam. Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng có những điều tốt đẹp, nhiều người già phải chịu cảnh neo đơn. Họ có gia đình mà không biết đi đâu về đâu. Có đứa con bất hiếu không chịu nuôi dưỡng cha mẹ, các cụ đã phải gạt nước mắt bước chân vào viện dưỡng lão, vào các trung tâm tình thương mà trong lòng chứa chan chua xót. Có cụ con cái đều đi xa vì kế sinh nhai, một mình lẻ bóng trong ngôi nhà, ốm đau khỏe mạnh chẳng ai hay. Ai cũng sợ sự cô đơn nhưng với người già thì điều đó thật khủng khiếp. Sự cô đơn khiến đôi mắt các cụ chất đầy nỗi buồn, đôi mắt đã mờ theo thời gian cũng không còn ép nổi hàng nước mắt. Đôi mắt ấy cứ nhìn xa xăm như chờ đợi, ngóng tìm. Sự cô đơn còn làm cho lòng người lạnh lẽo, cái miệng móm mém cũng không cất nổi nụ cười. Sự cô đơn dường như còn đè nặng trên cái lưng còng khiến bóng dáng các cụ thêm u sầu, ảo não....Cái bóng dưới ánh nắng đổ rạp trên mặt đường thật tội nghiệp. Có cụ chống mòn cả chân gậy mà vẫn chỉ một mình neo đơn. Không chỉ có thế, cuộc sống của những người già neo đơn còn rất bất hạnh. Họ rơi vào hoàn cảnh trớ trêu vào những tình thế bế tắc mà tuổi già không cho phép họ còn sức chống đỡ nữa. Tuổi tác ngày một nhiều cùng với sức khỏe ngày càng yếu, ngày càng thêm bệnh tật. Cuộc sống của họ dường như chỉ để chống đỡ qua ngày. Họ chẳng còn biết nên dựa vào đâu. Nghĩ tới đó lòng tôi lại nghẹn ngào Không biết những đứa con vô tâm của họ lúc này đây có nhớ đến những người đã sinh ra mình hay không. Có biết đến những năm tháng cuối đời các cụ phải gặm nhấm nỗi buồn tủi, có độc hay không...?

Những người khốn khó nhất là những người biết yêu thương và trân trọng tình yêu nhất. Các cụ già neo đơn luôn mở rộng tấm lòng mình, lúc nào cũng nhân ái. Trải nghiệm cả cuộc đời, những bài học luân lí các cụ đã thấu hiểu. Ở những người già neo đơn bất hạnh ấy ta có thể học được rất nhiều. Các cụ mong muốn những người già trên thế giới này sẽ không phải neo đơn, bất hạnh, mong cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn và ngập tràn hạnh phúc. Từ điều đó, tôi ngẫm thấy rằng, những ai còn cha mẹ thì hãy biết trân trọng, đừng biến mình thành những người con bất hiếu. Có câu hát mà tôi nhớ mãi:

“Một bông hồng cho em
Một bông hồng cho anh
Và một bông hồng cho những ai...
Cho những ai đang còn Mẹ”

Tình cảm con người là đáng quý, tình cảm gia đình là thiêng liêng. Mong sao những người già trên thế gian này sẽ không bao giờ phải cô đơn bất hạnh nữa và những người con sẽ không bao giờ mắc sai lầm.

shoppe