Đăng ký

Chứng minh câu tục ngữ uống nước nhớ nguồn

2,057 từ

     Kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam đa dạng, phong phú với nhiều câu tục ngữ hay nói về những truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của nhân dân, dân tộc ta. Trong đó, câu tục ngữ "uống nước nhớ nguồn" là câu tục ngữ mà mẹ hay nhắc nhở em về đạo lý sâu sắc ở đời, đó là nhớ về nguồn cội. Mời bạn tham khảo bài viết Chứng minh câu tục ngữ uống nước nhớ nguồn của Cunghocvui.com để có thêm ý nghĩa của câu tục ngữ này.

 

Bài viết Chứng minh câu tục ngữ uống nước nhớ nguồn

 

       Kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam đa dạng, phong phú với nhiều câu tục ngữ hay nói về những truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của nhân dân, dân tộc ta. Một trong những truyền thống tốt đẹp được thể hiện qua câu tục ngữ "Uống nước nhớ nguồn", câu tục ngữ nhắc nhở mỗi người phải biết ơn thế hệ cha ông đi trước, những người đã giúp đỡ mình. Lòng biết ơn là một đức tính cao quý, tốt đẹp, là một phẩm chất cần có trong mỗi con người, từ bao đời nay truyền thống đó luôn được dân tộc ta giữ gìn và phát huy.

      Để nêu lên một kinh nghiệm, một bài học trong cuộc sống, ông cha ta thường mượn những hình ảnh gần gũi để so sánh, ví von nhằm thể hiện ý của mình. "Uống nước" ở đây chính là thừa hưởng thành quả của cha ông đi trước, thừa hưởng những mồ hôi, nước mắt, công sức mà những người trước đã tạo ra. "Nguồn" chính là nơi xuất phát, nơi bắt nguồn của dòng nước, hàm ý từ "Nguồn" trong câu chính là nói thế hệ trước, những con người đã tạo nên "dòng nước" hay chính là người tạo ra thành quả để thế hệ sau thừa hưởng và sử dụng ngày hôm nay. Câu tục ngữ là lời nhắc nhở, lời răn dạy những thế hệ con cháu sau phải ghi nhớ công ơn những gì mà người đi trước để lại. 

uống nước nhớ nguồn

 

Chuỗi hoạt động "Uống nước nhớ nguồn"

     Câu tục ngữ có ý nghĩa nhấn mạnh lòng biết ơn, ghi nhớ công ơn những thế hệ đi trước. Đó như lời nhắn nhủ mà ông cha ta muốn gửi gắm con cháu sau này, những gì mà chúng ta được tận hưởng và sử dụng đều nhờ công lao to lớn của thế hệ cha ông gây dựng nên từ việc được sống trong nền độc lập, dân chủ đến hạt gạo, nguồn nước cũng là nhờ thế hệ trước tìm tòi và sáng tạo nên. Được thừa hưởng những gì tinh túy nhất thì chúng ta phải khắc tạc công ơn và phải cố gắng hơn nữa để đáp lại sự hy sinh, sự cống hiến đó. Để có những hạt gạo thơm ngon thì phải biết quý trọng, biết ơn công sức, mồ hôi của những người nông dân chân chất, hiền lành. Để có những kiến thức như ngày hôm nay thì không thể quên được công dạy dỗ, chỉ bảo của thầy cô giáo, những người lái đò tận tâm, tận tuy chèo lái những thế hệ tương lai của đất nước cập bến bờ tri thức. Để có một con người khôn lớn thì cha mẹ là người chúng ta phải biết ơn, ghi nhớ đến suốt cuộc đời, những năm tháng mang nặng đẻ đau, những đêm chăm con mất ngủ, những tối ngồi dạy con đánh vần bảng chữ cái. Tất cả chúng ta đểu phải mang ơn sâu nặng, khắc cốt ghi tâm để lấy đó làm động lực để ta luôn nhắc nhở mình phải cố gắng hơn nữa để xứng đáng với những niềm trông mong của cha mẹ, thầy cô, thế hệ cha ông đi trước. 

     Mà sâu xa hơn, đó chính là lời nhắn nhủ của ông cha ta muốn gửi gắm đến con cháu thế hệ sau: Phải biết ghi nhớ công ơn, những tình cảm, những hành động hay việc làm mà người khác đã giúp đỡ mình, đã hi sinh cống hiến để mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho mình. Đấy mới là giá trị lâu bền, là nền tảng xây dựng tốt các mối quan hệ xã hội. Dù ở bất cứ thời đại nào, tầng lớp nào, xã hội nào thì "Uống nước nhớ nguồn" luôn là truyền thống tốt đẹp, một đức tính cao quý mà con người nên có, giữ gìn và phát huy. Hằng ngày, nước ta có rất nhiều ngày lễ để mọi người thể hiện lòng biết ơn nguồn cội, tạ ơn những đấng sinh thành, những người dìu dắt, những người giúp đỡ, bên cạnh ta như ngày 10-3 là ngày giỗ tổ Hùng Vương; ngày 27-7 là ngày thương binh liệt sĩ, ngày 20-11 là ngày nhà giáo Việt Nam, ngày 2-9 là ngày quốc khánh Việt Nam,.....

     Để thể hiện lòng biết ơn, chúng ta cần tự hào với lịch sử anh hùng và truyền thống vẻ vang của dân tộc. Mỗi chúng ta cần ra sức học tập, chăm ngoan, học giỏi để sau này góp sức mình vào xây dựng đất nước. Cùng nhau gìn giữ những giá trị văn hóa, những nét đẹp tinh thần của ông cha ta để lại đồng thời có ý thức tiếp nhận, chọn lọc những nền văn hóa mới của nước ngoài để đưa Việt Nam ngày càng hội nhập theo xu thế toàn cầu hóa, hiện đại hóa. Có ý thức tiết kiệm, chống lãng phí khi sử dụng thành quả của mọi người. "Uống nước nhớ nguồn" là đạo lý tốt đẹp nên trong kho tàng tục ngữ Việt Nam còn có những câu nói hay nhắc nhở con người về lòng biết ơn như "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây", "Không thầy đố mày làm nên".

     Câu tục ngữ "Uống nước nhớ nguồn" là một đạo lý dạy bảo con người đức tính về lòng biết ơn được đúc kết từ bao đời nay. Đó cũng là "nguồn nước" trong trẻo mà cha ông ta đã khơi trong, giữ gìn để truyền lại cho chúng ta hôm nay. Đối với học sinh chúng ta, phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, ngoan ngoãn để đền đáp công lao của cha mẹ, thầy cô và xã hội. 

 

 

 

Mong rằng bài viết chứng minh câu tục ngữ uống nước nhớ nguồn sẽ giúp ích cho các bạn trong bài kiểm tra sắp tới!

shoppe