Đăng ký

Cảm nhận của anh (chị) về số phận người phụ nữ qua các câu ca dao than thân,yêu thương,tình nghĩa

3,112 từ Cảm nhận

Bài 1 và 2.

   1.  Chú ý đến cách mở đầu của cả hai bài ca dao: cùng một mô típ khá phổ biến trong ca dao: “thân em như...’’. Lắng nghe giọng điệu của nhân vật trữ tình: có chút khiêm nhường, nhưng vẫn lắng đọng cái xót xa ngậm ngùi. “Lời chung” của những cô gái xưa tự ý thức về mình.

    2.  Hình ảnh so ánh ẩn dụ ở những bài ca dao có nét riêng - phù hợp với hệ thống hình ảnh cũng như giọng điệu, phù hợp với cảm xúc riêng của từng văn bản.

     a. “Tấm lụa đào” là hình ảnh quen thuộc của bao người dân lao động. Là hình ảnh rất cụ thể nhưng cũng rất gợi cảm. Gợi nét đẹp về hình thể, nhan sắc, và đặc biệt là vẻ đẹp tâm hồn sáng trong, hiền dịu, vẻ đẹp nguyên trinh của phẩm chất, tâm hồn... Tấm lụa đào cũng chính là tấm thân!

      b. Hình ảnh “củ ấu gai” càng cụ thể hơn, thô mộc, giản dị và rất bình thường. Biện pháp nghệ thuật đối lập giữa “bên ngoài” và “bên trong” nhằm nhấn mạnh và khẳng định vẻ đẹp của “bên trong” và vẻ đẹp giá trị của con người, ở đạo đức và tâm hồn...

Cả hai hình ảnh đều chính xác và giàu sức gợi cảm. Đều thể hiện một sự tự ý thức về chính mình, về giá trị của mình. Nhưng xót xa và cay đắng là ở chỗ, đồng thời với sự tự ý thức về chính mình ấy, nhân vật trữ tình cũng được nhận ra: giá trị của mình đang đứng trước nguy cơ trở nên vô giá trị!

        c. “Tấm lụa đào” thì trong hoàn cảnh “giữa chợ”. Dù là “chợ trời” hay “chợ đời”, có mua có bán, có thật giả có may rủi có tất cả “biết vào tay ai”, không chỉ là một câu hỏi “than thân” mà còn là lời oán trách vì bất lực bởi nỗi lo không có lối giải thoát.

        d. “Củ ấu gai” phải cất lời mời mọc, dẫu da diết, táo bạo thì vẫn ẩn chứa một sự đắng cay. Tại sao phải mời mọc và tự bộc bạch “dạn dĩ” nhường ấy? Nào phải ai cũng nhận ra được giá trị của mình. Phải tự khẳng định cũng là bất đắc dĩ mà thôi!

      Cả hai bài ca dao đều là tiếng hát than thân. Vừa tự khẳng định giá trị của mình, vừa xót xa bởi giá trị ấy rất dễ bị bỏ quên trong xã hội cũ.

Bài 3

   1.  Ta bắt gặp một mô thức mới trong cách mở đầu. Lời kể lể, tâm sự. Từ việc, từ cảnh mà liên tưởng, so sánh, để bộc lộ nỗi lòng mình. Tiếng than, lời trách ai oán và uất hận. Tìm thấy sự đồng cảm chia sẻ giữa “khẻ” và nhân vật trữ tình, ấy thế mà giọng điệu bên trong vẫn là cô độc, cần giãi bày, cần bộc lộ!

    2.  Hình ảnh ẩn dụ vừa sóng đôi: “Mặt trăng - Mặt trời”, “Sao hôm - Sao mai” vừa gợi vẻ đẹp trong sáng bất tử bởi nó gắn liền với sự bất tử của thiên nhiên, vũ trụ. Hình ảnh lớn lao và kì ảo ấy mới nói hết được tình cảm thủy chung, tình nghĩa mặn nồng của đôi lứa ngay trong cảnh ngộ lỡ duyên. Hay cũng chính cảnh ngộ éo le ấy mà tình nghĩa lại càng sáng tỏ vẫn đợi chờ, trông ngóng, vẫn nhớ nhung, hi vọng. Có nỗi đau bởi hi vọng mong manh, nhưng vẫn sáng lên nét đẹp vì nghĩa tình thủy chung sáng trong và sâu nặng được khẳng định là bất tử!

     Biện pháp nghệ thuật ẩn dụ cùng với hệ thống hình ảnh quen thuộc là cách sử dụng ta vẫn thường gặp trong ca dao.

Bài 4

1. Xác định lời nhân vật trữ tình: Cô gái đang yêu.

2. Tâm trạng cụ thể là nỗi nhớ. Có nhiều nỗi nhớ khác nhau trong đời sổng tình cảm của con người quan hệ với con người: con người quan hệ với thiên nhiên, quê hương, đất nước. Nhưng nỗi nhớ trong tình yêu là nỗi nhớ đặc biệt nhất trong thế giới tâm trạng vô cùng phong phú và tế nhị. Song, nếu không thể hiện được nỗi nhớ đặc biệt này, thì ca dao (hay bất cứ văn bản nghệ thuật nào) cũng chưa hề đi đến được bản chất của tình yêu.

3. Nhận xét về việc sử dụng những hình ảnh ẩn dụ - nhân hóa mang nghĩa biểu tượng.

  a. “Khăn” được nhắc đến đầu tiên. Đây là một vật dụng gần gũi, quen thuộc và cụ thể đối với người con gái. Nó còn có ý nghĩa hơn vì mang giá trị tinh thần, là nơi gửi gắm bao ý tứ, suy nghĩ thầm kín và tế nhị, là vật nói hộ tiếng lòng của người con gái trước những gì khó nói. Và vì thế, mà nó đã nói lên được tất cả.

b.  Những động từ “rơi”, “vắt” như gợi cụ thể hơn nét “động” của khăn về thiên hướng, nhiều chiều. Cái cụ thể ấy nhằm thể hiện cái trừu tượng là tâm trạng ngổn ngang trăm bề, trăm mối, là sự trằn trọc băn khoăn, là sự khắc khoải thao thức. Nó cũng là tâm trạng kì lạ “bổi hổi bồi hồi” của ai đó, một lần nhớ được thể hiện trong ca dao. Đúng là nỗi nhớ khó tả đã được tả.

c.   hình ảnh “ngọn đèn” trong suốt thời gian đằng đẵng. Ngọn đèn thức             cùng con người với chiếc bóng của mình! Một nỗi cô độc. Vì cô độc nên nỗi                 nhớ càng da diết và cháy bỏng, chảy bỏng đến nhức nhối. Cạ thể hóa nỗi nhớ           đến thế tác giả dân gian đã thực sự nắm được hồn cốt tình yêu, như đang bị             tình yêu ấy giày vò trăm mối.

          Có nỗi nhớ được cụ thể hóa bằng hình ảnh trong không gian lẫn thời gian.               Hình ảnh “động”, phù hợp với tâm trạng và cụ thể hóa tâm trạng, một thứ               tâm trạng cũng rất “động".

d.  Hình ảnh hoán dụ là “mắt”, “Mắt ngủ không yên”. Nỗi nhớ càng dâng trào, không kìm nén nổi. Từ hình ảnh ẩn dụ đi đến hoán dụ, để cuối cùng: nhân vật trữ tình buộc phải xuất hiện. Phải xuất hiện mới nói hết được lòng mình. Phải xuất hiện mới đúng là nỗi nhớ trong tình yêu cháy bỏng. Sự chân thành! Không còn là nghệ thuật nữa, mà là tình người. Đúng hơn là tình người, hồn người đã là nghệ thuật cao cả nhất và chân chính nhất:

Đêm qua em những lo phiền

 Lo vì một nỗi không yên một bề...

    Nỗi “nhớ” gắn liền với “nỗi lo phiền” mới thực sự là nỗi nhớ trong tình yêu. Nhất là đổi với người con gái (trong xã hội xưa cũng như nay). Tại sao? Nỗi nhớ mới chỉ là tâm trạng, nỗi lo phiền mới là những suy tính, phấp phỏng, lo âu, suy tính (không phải toan tính bình thường). Vì tình yêu bao giờ cũng xuất phát từ cả hai phía, “chủ quan” sao được! Ngay cả khi tình yêu được hẹn thề trước đất trời, trước mọi người, trước cả lòng mình, thì vẫn lo phiền ngổn ngang. Tình yêu không đứng yên. Với người con gái trong bài ca dao này lại càng ở trong hoàn cảnh mọi bề không yên. Nói ra được nỗi lo phiền này, tình yêu và tâm trạng nhớ mới thực sự là đi đến bản chất thực của nó! Hạnh phúc là khát vọng, lo sợ vì không yên một bề, và chẳng bao giờ yên một bề cả! Đó mới là tình yêu và nỗi nhớ. Đây là bài ca dao hay nhất, trong tất cả những bài ca dao về đề tài tình yêu đôi lứa.

Bài 5

    1.  Hình ảnh được cụ thể hóa: Sông - và cầu dải yếm.

   Nét độc đáo của hình ảnh quen thuộc: dòng sông là quen thuộc, nhưng “sông rộng một gang” thì rất lạ! Thì rất lạ! Nói đến sông là nói khoảng cách giữa hai bờ, sự ngăn cách và còn nữa, hai bờ sẽ không bao giờ gặp điềm gở nếu thiếu cầu (hay thiếu con đò ngang). Chung một dòng nước, một nỗi nhớ, một tâm trạng, một khao khát! Anh và em sẽ chỉ là hai bờ cách biệt nếu không có cây cầu. Hình ảnh ẩn dụ cụ thể này được sử dụng thật chính xác và tinh tế, thật quen thuộc mà cũng rất độc đáo, bất ngờ, sáng tạo.

     2.  Ấn tượng và bất ngờ hơn nữa là “chiếc cầu dải yểm”. Trước hết, nó phù hợp với ước nguyện trên kia “sông rộng một gang”. Hình ảnh chỉ có ý nghĩa khi được đặt trong chỉnh thể của văn bản! “Cầu dải yếm” nằm trong hệ thống hàng loạt chiếc cầu trong ca dao. Nhưng nó được xếp hàng thứ nhất và là duy nhất trong ca dao. Hình ảnh giàu sức gợi: gợi vì nét đẹp trữ tình, lãng mạn, vì nó gắn bó, gắn liền với người thôn nữ xưa kia. Gợi vì nó còn là tâm tính, tấm lòng mà chàng trai nào chẳng khát khao khi bắt đầu yêu! Nỗi mong mỏi táo bạo mà cũng rất tình tứ ấy đã nói lên khát vọng mãnh liệt trong tình yêu. Đặc biệt, khát vọng này được cất lên từ trái tim của người con gái. Thì ra, trong tình yêu, từ ngàn xưa, người con trai hay người con gái, khi đã có khát vọng thì đều chủ động! Ai bảo người phụ nữ xưa bao giờ cũng bị động! Yếu tố dân chủ này chỉ có trong ca dao, chỉ có ở những người dân lao động! Đáng qúy, đáng trân trọng là ở chỗ đó.

      3.  Những hình ảnh ẩn dụ độc đáo, bất ngờ, táo bạo và cũng hết sức tinh tế, chính xác. Chính khát vọng về tình yêu cao độ giúp tác giả dân gian “tìm kiếm” được cách thể hiện tài tình như vậy, tạo ra chủ thể trữ tình là người con gái với tính chủ động và khát vọng đắm đuối. Đó là nét đáng trân trọng, cùng sức lôi cuốn người đọc ở bài ca dao này.

Bài 6

   1.  Hình ảnh được dùng trong bài ca dao này lại gắn liền với sự sống hàng ngày của người bình dân: muối và gừng. Nó bình dị nhưng mang lại ý nghĩa quan trọng cho sự sống. Con người tồn tại được chăng, nếu như thiếu muối?

    Từ đặc tính tự nhiên trong đời sống sự sống: “muối” và “gừng” đã đi vào ca dao với những ý nghĩa cao cả hơn: nó mang giá trị thể hiện đời sống tinh thần, tình, cảm của con người! Tính chất “cay” và “mặn” vốn là của gừng và muối, giờ đây, nó còn là cái cay và cái mặn của cuộc đời, nó thử thách khiến tình người càng mặn nồng hơn, nó mang hương vị của “nghĩa”, đó là mối quan hệ giữa con người với con người. Nói đến tình nghĩa, mối quan hệ này không dừng ở tình yêu đôi lứa, nó là quan hệ suốt đời người!

    2.  Cách nói “ba vạn sáu ngàn ngày” là cách nói ước lệ, nhưng vẫn mang ý nghĩa rất cụ thể: một đời người. Phải sau ba vạn sáu ngàn ngày mới xa, thực ra, đã là một lời khẳng định: Nghĩa tình gắn bó thủy chung trọn đời!

    Mỗi bài ca dao mang vẻ đẹp riêng về nghệ thuật cũng như nội dung: từ mô thức mở đầu, hình ảnh nghệ thuật, các biện pháp ẩn dụ, so sánh, nhân hóa, và đặc biệt là cách sử dụng hợp lí và độc đáo thi liệu. Tài hoa của nhân dân

-    nghệ sĩ là ở chỗ đó. Và cũng qua đấy, một thế giới tâm hồn của con người hết sức phong phú đã được thể hiện, được mở ra.