Đăng ký

Bình giảng bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt

1,287 từ Văn mẫu

      Bài thơ viết ra đã được mười năm. Bằng Việt bây giờ đã là tác giả được nhiều bạn đọc yêu mến. Tôi muốn nhớ lại hồi đầu được đọc thơ anh, như đứng trước một cành tơ trĩu quả cứ muốn nhớ đến hương, đến vị của quả bói ngon ngọt đầu mùa. Năm đó là năm 1964, vào một buổi chiều tháng 4, tôi và Hoàng Hưng nằm trên sân cỏ trường Đại học Sư phạm Hà Nội đọc bài thơ Bếp lửa của anh, rồi hai đứa xuýt xoa mãi. Trong phong trào thơ trẻ hãy còn mỏng hồi đó mà nổi lên một tiếng thơ độc đáo của Nguyễn Mỹ và nổi lên một tiếng thơ tâm tình của Bằng Việt thì thật đáng quý.

Thơ của cái thuở ban đầu thường là nồng, nồng đến vụng dại. Ấy thế mà bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt thì lại đậm, đậm của thơ trẻ tạo ra một nét duyên riêng dễ thương lạ. Đứng trong dàn đồng ca thơ trẻ, thơ Bằng Việt như một giọng trầm với gam thứ (như rê thứ chẳng hạn) tha thiết và đượm buồn, cả hai đều chân thành và trong sáng. Có thể là bài thơ còn thiếu cái này cái nọ, nhưng phải thừa nhận rằng Bếp lửa là tiếng thơ của một tấm lòng có cội nguồn, chứ không chơi vơi, nửa vời, của một tâm hồn nhạy cảm và tinh tế, phong phú và mới mẻ. Nếu tôi không nhầm thì anh có chịu ảnh hưởng phong cách của một vài nhà văn tình cảm hiện đại châu Âu. Những nét tinh hoa của phong cách một vài nhà văn đó đi qua tâm hồn tình nghĩa của anh, bồi cho hồn thơ anh thêm thắm thiết, da diết. Xin nói vào thơ cho có chứng cứ. Dễ thường đã ngoài hai mươi năm, với một khoảng cách không gian hàng vạn dặm, lại giữa nơi phù hoa mà anh vẫn nhớ về một bếp lửa của tuổi thơ, nhớ rành rọt, nhớ ngọn ngành. Không dễ gì mà biết nhớ như vậy. Anh đã thổi hừng lên hết thảy những bếp lửa “ấp iu nồng đượm” trong ký ức của mỗi chúng ta. Và cả mối tình bà cháu đẹp như trong truyện cổ tích của anh cũng như riêng của tuổi nhỏ chúng mình. Trong thơ ta còn có mối tình bà cháu nào cảm động hơn? Mối tình bà cháu như một dòng sông, dòng sông êm đềm và trong vắt, một dòng sông chở đầy kỷ niệm. Một bếp lửa và một làn sương sớm. Tiếng tu hú và giọng kể chuyện của bà. Rồi những ngày cha mẹ đi công tác xa. Rồi cháu làm, cháu học với bà... Và những kỉ niệm này xin để nguyên khối, không dám lược:

Lên bốn tuổi cháu đã  quen mùi khói

Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi

Bố đi đánh xe, khô rạc ngựa gầy

Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu

Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay!

“Chỉ nhớ khói  hun nhèm mắt cháu",anh nói thế tôi cũng thấy cay nơi sống mũi.

Những kỉ niệm trôi theo một nhạc điệu tâm tình, ầm ĩ, thầm thì, triền miên như nỗi nhớ! Dòng sông êm đềm và trong vắt vẫn âm thầm chảy. Chúng ta được đi dạo trên chiếc thuyền thơ với một tay lái khoan thai, chúng ta đang say mê với những kỷ niệm thì thấy biển cả hiện ra trước mặt! Dòng sông của tình bà cháu đã đổ vào biển cả của tình yêu nước. Biển yên sóng lặng thôi, nhưng cũng bát ngát và sâu thẳm:

Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi

Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi

Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh

Vẫn vững lòng, bà dặn cháu đinh ninh:

"Bố ở chiến khu. bố còn việc bố,

Mày có viết thư chớ kể này, kể nọ,

Cứ báo nhà vẫn được bình yên!"

Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen...

Mấy câu thơ chẳng có gì là hình là nhạc cả, kỹ xảo cũng không, như lời nói thường thôi. Như tôi được nghe chính lời bà ngoại của mình mà như có một thứ gió lạ kỳ lay động tâm hồn ta mãi. Và chính ánh sáng của bếp lửa đã từng rọi vào tâm hồn thơ bé của đứa cháu, nhóm dậy, “nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ'. Nhịp thơ trở nên xôn xao như sự sống sinh sôi, như cây con xòe lá, như chim non chớp cánh. Rồi đứa cháu lớn vụt lên, bay bổng:

                                            Giờ cháu đã đi xa.

Có ngọn khói trăm tàu

                   Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả

                             Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:

                              -     Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?...

shoppe