Tập làm văn: Miêu tả đồ vật trang 18 SGK Tiếng Việt 4 tập 2
1. Tả chiếc cặp sách của em
Trả lời:
Bài làm tham khảo
Năm học lớp Một, em dùng túi sách. Năm lên học lớp Hai, bố mua cho em cái cặp sách ba màu rất đẹp.
Cái cặp sách vừa có quai để xách tay, vừa có hai dây quai rất mềm để khoác vào vai, rất tiện lợi. Sang học kì hai, sách vở nhiều, lại còn thước kẻ, giấy bút, cặp sách rất nặng, nên em phải luôn luôn cõng cái cặp sách lên đôi vai.
Cặp sách của em phía ngoài rất đẹp, nổi bật hình hai thiếu nữ tóc vàng, môi son, cặp mắt trong veo lấp lánh, một tay cầm sách vở, một tay cầm bông hoa hồng đỏ tươi. Cặp có hai ngăn chính để sách vở, giấy làm bài kiểm tra. Một ngăn phụ có khoá phéc-mơ-tuya, em để hộp bút và vài thứ lặt vặt khác.
Cõng cặp sách lên vai khi đi học, em cứ ngỡ là mình cõng em đi chơi. Em vừa đi vừa nhún nhảy. Lúc đi học về , hôm nào được điểm mười, được nhiều điểm tốt, em thấy cái cặp sách nhẹ tênh. Hôm ấy, cái cặp toả ra mùi thơm và như có tiếng nói thì thầm, yêu thương, trìu mến.
2. Tả cái thước kẻ của em
Trả lời:
Bài làm tham khảo
Nhân dịp sinh nhật lần thứ 10 của em, bạn Lý đã tặng em một chiếc bút máy Hồng Hà và một cái thước kẻ. Lý là bạn thân của em, học cùng lớp cùng tổ.
Chiếc bút máy Hồng Hà trông đã đẹp, nhưng cái thước kẻ lại đẹp hơn. Bạn Lý khi đưa tặng phẩm cho em đã nói: "Đây là chiếc đũa thần bằng bạch ngọc: nó sẽ gọi điểm 10 về cho Hoa, đếm không xuể...".
Cái thước kẻ dài 20cm, mỗi cạnh 0,7cm, được chế tạo bằng một thứ nhựa cứng trong suốt. Đúng là vuông thành sắc cạnh, không bao giờ có thể bị biến dạng, bị uốn cong. Hai mặt trên dưới đều có in chìm mầu đen các chữ số 1, 2, 3...18, 19, 20 và các vạch ngắn, dài để phân biệt độ dài mi-li-mét và xăng-ti-mét.
Em vẫn dùng thước kẻ để kẻ lề, để gạch chân các tiểu mục, để gạch ngang trang ở phần cuối mỗi bài học về Tập đọc, về Từ ngữ, về Chính tả, về Toán. Trong những giờ học vẽ, cùng với hộp mầu, cái bút chì, chiếc tẩy thì cái thước kẻ đúng là "chiếc đũa thần" như bạn Lý đã nói. Nhờ nó, mà em kẻ được những đường thẳng tăm tắp trên mỗi trang vở. Nhờ nó mà các hình vẽ trong vở được chính xác hơn, đẹp hơn. Cô giáo bảo vẽ mỗi cánh bướm trang trí dài 3cm, nhờ thước kẻ, em vẽ được ngay. Cô bảo vẽ hình chữ nhật chiều dài 5cm, chiều rộng 3cm, em đã dùng thước kẻ vẽ vừa đúng vừa đẹp.
Cái thước làm em hiểu rõ hơn nghĩa hai chữ "mực thước" là gì, đồng thời nó giúp em hình thành đức tính cẩn thận, chu đáo. Nhờ có cái thước mà em không dùng bút để gạch những đường cong queo vào vở, vào sách nữa.
Cái thước dài 20cm nên không để vào hộp bút như bút chì, bút máy. Nhưng nó vẫn nằm cạnh hộp bút để trong ngăn phụ của chiếc cặp. Ngày ngày nó vẫn đến trường cùng em. Nó là công cụ đắc lực để giúp em học tập tốt.
Mỗi một dụng cụ học tập như một ngón tay trên đôi bàn tay của người học sinh. Ngắm cái thước kẻ xinh đẹp, em càng thêm quý thêm yêu nó. Em nâng niu và giữ gìn nó. Cái thước kẻ đã giúp em tính chính xác, tính cẩn thận. Nó đã gọi về cho em nhiều điểm 10 rồi đấy!
Nguyễn Thế Anh
(Lớp 4A - Trường Tiểu học Tô Hoàng - Hà Nội)
3. Tả cây bút chì của em.
Trả lời:
Bài làm tham khảo
Vào đầu năm học mới, mẹ chuẩn bị cho em đầy đủ các dồ dùng học tập, một trong các đồ dùng đó là cây bút chì đen mà em rất thích.
Cây bút chì thon và dài bằng một gang tay người lớn. Đây là loại bút chì của hãng Ilanson. Cây bút chì thơm thơm mùi gỗ mới. Hai đầu bằng phẳng. Nhìn vào hai đầu, em thấy lộ ra lõi chì đen nhánh, đó là một bút chì. Nhờ có lớp gỗ bao bọc nên ruột bút chì ít bị gãy. Bên ngoài của lớp gỗ ấy là lớp sơn màu vàng sẫm. Lớp sơn bóng loáng trông thật đẹp. Và cũng thật thích thú mỗi khi em dùng cái vỏ nhựa để gọt một đầu. Cái vo khẽ xoay, từng lớp vỏ gỗ xoắn tròn tuôn ra theo lưỡi gọt, vỏ gỗ tựa gỗ bào của bác thợ mộc. Mỗi khi gọt bút, ngòi chì nhô ra, em thử vẽ những nét bút đầu tiên. Ngòi bút in đậm những đường nét sắc sảo trên trang giấy. Thân bút cầm rất vừa tay, vẽ nhiều cũng không hề mỏi. Ruột chì không mềm quá mà cũng không cứng quá. Nét vẽ mảnh mai, thật vừa ý em.
Cây bút chì như người bạn đồng hành với em. Mỗi khi chữa lỗi chính tả hay học vẽ, em lại dùng đến nó. Không chỉ thế, em còn dùng bút chì để phác họa chân dung bố, mẹ hoặc em gái của em. Có lúc em vẽ búp bê với những bộ quần áo thời trang, ngộ nghĩnh. Cũng có lúc em vẽ chú bộ đội canh giữ vùng trời của Tổ quốc. Khi nghĩ về quê hương, em vẽ ruộng đồng, sông máng, vẽ “cánh cò bay lả bay la”, vẽ lũy tre làng ôm ấp xóm thôn,... Bút chì đã giúp ích cho em nhiều lắm. Nếu một mai em trở thành kiến trúc sư, bút chì cũng sẽ gắn bó với em.
Em thầm cảm ơn mẹ đã cho em một vật dụng thật quí. Nó gắn bó với em, giúp tâm hồn em thêm phong phú. Em luôn nâng niu cây bút chì như nâng niu một “tài sản nhỏ” trong bộ đồ dùng học tập của mình.
4. Tả cái bàn học ở lớp hoặc ở nhà của em
Trả lời:
Bài làm tham khảo
Đầu năm học mới, ba mua cho em chiếc bàn học cá nhân ở cửa hàng đồ gỗ đường Ngô Gia Tự. Ba bảo rằng em đã lên Lớp 4, cần phải có chỗ ngồi học cho thuận tiện. Chiếc bàn được kê sát ngay cửa sổ phía trái, hướng đông nên suốt ngày có đủ ánh sáng.
Hình dáng chiếc bàn này giống hệt những chiếc bàn ở lớp, chỉ khác là kích thước của nó nhỏ bằng một nửa. Bàn được đóng bằng gỗ tốt bào nhẵn, đánh véc-ni màu nâu bóng. Các đường vân gỗ nổi lên trông rất đẹp. Mặt bàn dài một mét, rộng khoảng hơn bốn tấc, hơi dốc nên em ngồi viết rất thoải mái.
Dưới mặt bàn là hai chiếc hộc rất rộng rãi, đủ để đựng sách vở. Một hộc em để sách giáo khoa, một hộc để tập, thứ tự theo từng môn học. Ba mua cho em một cây đèn nê-ông nhỏ, bệ đèn là chiếc giá cắm bút bằng nhựa màu hồng. Ba gắn chặt cây đèn vào mặt bàn để buổi tối em có đủ ánh sáng học bài.
Chiếc bàn có bốn chân, có thanh ngang để đặt chân. Bàn được đóng liền với ghế. Ghế dài bằng chiều dài của bàn, có lưng dựa là một tấm ván ngang.
Buổi sáng, em ngồi học bài, nắng sớm chiếu qua song cửa, rọi lên mặt bàn những vệt sáng lung linh. Làn gió tinh nghịch lật lật từng trang sách thơm mùi giấy mới. Ngày ngày, em ngồi vào vị trí quen, thuộc của mình làm bài, học bài và vẽ những bức tranh màu sặc sỡ vẽ thầy cô. bạn bè, cây cối, chim muông. Chiếc bàn học đã trở thành người bạn thân thiết của em.
Em luôn giữ cho bàn sạch sẽ, không viết bậy, vẽ bậy lên bàn.
(Theo 151 Bài văn hay lớp 4)