Phân tích nhân vật Phan Bội Châu trong truyện Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu
Đề bài
Đề bài: Phân tích nhân vật Phan Bội Châu trong truyện Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu
Hướng dẫn giải
Trong thời gian hoạt động cách mạng ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã viết rất nhiều tác phẩm có tính chiến đấu mạnh mẽ, cổ vũ, động viên phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trong nước. Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu là một trong những tác phẩm như vậy. Tác phẩm đã vạch trần bộ mặt gian trá, lố bịch, đê hèn của Va-ren, hắn chính là đại diện tiêu biểu cho lũ thực dân cướp nước. Nhưng nổi bật hơn, đẹp đẽ hơn chính là Phan Bội Châu một thiên sứ, một vị anh hùng dám xả thân vì độc lập dân tộc, kiên cường, bất khuất, tiêu biểu cho khí phách của dân tộc Việt Nam.
Phan Bội Châu là lãnh tụ cách mạng theo con đường dân chủ nổi bật những năm đầu thế kỉ XX. Trong quá trình hoạt động cách mạng ông đã bị thực dân Pháp kết án tử hình vắng mặt (1913). Năm 1925 ông bị bắt cóc ở Trung Quốc, bị giải về giam ở Hỏa Lò, chờ ngày xử án. Trước sức ép của dư luận, bọn chúng đã phải thả cụ ra và giam lỏng cụ ở Huế cho đến ngày cụ qua đời. Trong khi đó, Va-ren chuẩn bị sang Đông Dương nhận chức toàn quyền và hắn hứa sẽ quan tâm, chăm sóc cụ Phan Bội Châu. Trước hoàn cảnh đó, Nguyễn Ái Quốc đã viết tác phẩm nhằm mục đích cổ động phong trào đấu tranh của nhân dân cả nước đòi thả Phan Bội Châu và vạch trần bản chất bịp bợm của toàn quyền Va-ren.
Nếu như với Va-ren tác giả sử dụng những ngôn từ mang tính mỉa mai, châm biếm như: phản bội giai cấp, kẻ phản bội nhục nhã thì với Phan Bội Châu, Nguyễn Ái Quốc sử dụng những từ ngữ hết sức đẹp đẽ, trân trọng: người đồng bào tôn kính, bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân, … những từ ngữ đó là hoàn toàn chính xác để nói về Phan Bội Châu, người sẵn sàng xả thân, hi sinh vì độc lập tự do của dân tộc.
Để làm nổi bật chân dung người anh hùng Phan Bội Châu tác giả luôn miêu tả nhân vật trong tư thế song song với tên Va-ren. Phẩm chất của cụ được bộc lộ rõ nhất trong cuộc chạm trán với Va-ren, được tác giả đánh giá là “một tấn kịch”, “một cuộc chạm trán” giữa “một kẻ phản bội nhục nhã” với “một vị thiên sứ”. Trong cuộc đụng độ đó chỉ có Va-ren nói, còn Phan Bội Châu thì hoàn toàn im lặng. Sự im lặng đó mang rất nhiều ý nghĩa khác nhau. Trước hết thể hiện thái độ dửng dưng, khinh thường của Phan Bội Châu với Va-ren. Những lời hù dọa hoặc nịnh nọt của Va-ren chẳng thể lọt vào tai cụ Phan, không phải vì cụ không hiểu, mà bởi những lời của kẻ phản bội giai cấp chỉ làm cụ cảm thấy đáng khinh thường. Những lời của Va-ren bởi vậy mà chẳng khác gì “nước đổ lá khoai”. Không chỉ vậy sự im lặng của cụ Phan còn thể hiện thái độ khinh bỉ: “đôi ngọn râu mép người tù nhếch lên một chút rồi lại hạ xuống ngay, mỉm cười một cách kín đáo, vô hình và im lặng, như cánh ruồi lướt qua vậy”. Thái độ khinh bỉ được đẩy lên một cấp độ cao hơn nữa khi ở những dòng T.B tác giả đã cho thấy phản ứng quyết liệt của cụ Phan khi nhổ vào mặt Va-ren, đến đây, sự khinh bỉ đã được đẩy lên đến tột cùng. Thái độ, cách ứng xử của cụ Phan Bội Châu cho thấy phẩm chất cao đẹp trong con người cụ: suốt một đời hi sinh, cống hiến cho dân tộc, cho đất nước, dù có những lời dụ dỗ, có những lời đe dọa nhưng tất cả chúng không thể lay chuyển ý chí sắt đá của ông với sự nghiệp cứu nước. Đây là cốt cách của bậc đại trượng phu “Uy vũ bất năng khuất, phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di”. Sự im lặng của Phan Bội Châu cũng chính là điều kiện để Va-ren bộc lộ rõ hơn nữa bản chất của mình. Chỉ mình hắn thao thao giảng giải, khuyên răn, lấy hết tấm gương này đến tấm gương khác để cho Phan Bội Châu bị thuyết phục. Hắn càng nói, lại càng lộ rõ bản chất của một kẻ bịp bợm, phản trắc, một tên thực dân cáo già.
Dù không được miêu tả nhiều trong tác phẩm nhưng với một vài nét phác họa, cùng nghệ thuật đối lập, Nguyễn Ái Quốc đã cho thấy rõ chân dung của Phan Bội Châu. Ông là người kiên cường, bất khuất, xứng đáng là vị thiên xứ, người anh hùng, tiêu biểu cho khí phách dân tộc Việt Nam.