Đăng ký

Phân tích nhân vật Nhĩ trong truyện ngắn Bến quê (Bài 2)

2,273 từ Phân tích
Đề bài

Đề bài: Phân tích nhân vật Nhĩ trong truyện ngắn Bến quê

Hướng dẫn giải

      Nguyễn Minh Châu là một trong những tác giả xuất sắc nhất của văn học Việt Nam hiện đại. Những tác phẩm của ông thiên về chiêm nghiệm, triết lí về cuộc đời. Bến quê thể hiện rất rõ đặc trưng phong cách đó của ông. Với tình huống truyện nhận thức đã giúp tác giả thể hiện những suy nghĩ, trải nghiệm sâu sắc của nhà văn về con người và cuộc đời, thức tỉnh ở mọi người cần trân trọng những vẻ đẹp và giá trị bình dị, gần gũi của gia đình của quê hương. Những suy tư, trải nghiệm đó được thể hiện rõ nét qua nhân vật Nhĩ, cũng là nhân vật chính trong tác phẩm.

      Trước hết về hoàn cảnh sống của Nhĩ, cuộc sống hiện tại của anh hết sức đáng thương. Anh ở trong một căn hộ tập thể chật hẹp trên tầng hai. Cuộc sống có phần nghèo túng vất vả thể hiện rõ nhất qua chiếc áo vá, đôi tay gầy guộc của người vợ. Càng đáng thương hơn khi anh vốn là người không bỏ sót “một xó xỉnh nào trên trái đất” nay lại phải nằm liệt giường, bất cứ hoạt động nào cũng cần có sự trợ giúp của những người xung quanh. Ốm yếu bệnh tật bủa vây lấy anh: những mảng da sau lưng lở loét, da mặt đỏ dựng lên, ngồi dậy một chút đã thấy nhọc,… Dường như trong chính bản thân anh cũng cảm nhận được sức khỏe của mình ngày một đi xuống. Tuy thuốc thang ngày nào cũng uống nhưng anh thấy bệnh tình vẫn không thuyên giảm, nhấc mình ra khỏi chỗ ngồi anh có cảm tưởng như vừa bay được nửa vòng trái đất; rồi cả đêm qua những tiếng đất lở của bên kia sông “cùng với con lũ nguồn đã bắt đầu dồn về, những tảng đất đổ òa vào giấc ngủ” khiến anh hoảng hốt hỏi vợ “hôm nay đã là ngày mấy rồi em nhỉ”. Sức khỏe ngày một đi xuống nhưng tinh thần anh lại tỉnh táo hơn bao giờ hết, bởi vậy, dù những lời động viên của vợ “sang tháng mười, nhất định anh đi lại được” cũng chẳng thể làm anh an lòng, bởi anh hiểu rõ nhất cơ thể mình ra sao.

      Nhĩ là người có tâm hồn nhạy cảm, giàu trải nghiệm nên suy nghĩ thâm trầm, sâu xa và triết lí. Trái tim nhạy cảm được thể hiện trong chính những cảm nhận của anh về vẻ đẹp quê hương, về bãi bồi bên kia sông. Những bông hoa bằng lăng đã nhạt màu vì vào cuối mùa, nhưng những cánh hoa còn sót lại dường như lại sẫm màu hơn, thứ ánh nắng chói lóa của mùa hè đã biến mất; con sông Hồng màu đỏ nhạt, “lòng sông như rộng thêm ra”, di chuyển điểm nhìn lên cao Nhĩ nhận thấy bầu trời cũng cao và rộng ra hơn. Trong những giờ phút cuối cùng của cuộc đời, anh đem tất cả các giác quan để cảm nhận đầy đủ, trọn vẹn vẻ đẹp của quê hương. Và để hoàn chỉnh bức tranh quê hương anh còn nhận thấy vẻ đẹp của bãi bồi bên kia sông, tưởng gần mà hóa ra đến cuối cuộc đời anh mới nhận ra vẻ đẹp bình dị ấy: “sông Hồng lúc này đang phô ra trước khuôn cửa sổ của gian gác nhà Nhĩ một thứ màu vàng thau xen với màu xanh non – những màu sắc thân thuộc quá như da thịt, hơi thở của màu đất mỡ”. Thiên nhiên dưới con mắt tinh tế của Nhĩ hiện lên thật đầy đủ, thật rõ nét mà cũng hết sức đẹp đẽ, nên thơ. Cảnh vừa có bề rộng, vừa có bề sâu. Đó là những hình ảnh vốn quen thuộc, gần gũi nhưng giờ đây bỗng trở nên đặc biệt bởi lần đầu tiên Nhĩ cảm nhận được vẻ đẹp của nó. Nó nhắc nhở Nhĩ về những điều quý giá mà anh đã bỏ qua bấy lâu nay.

      Trong những ngày trên giường bệnh anh còn hiểu ra và trân trọng người vợ luôn bên cạnh mình; anh thêm yêu những người hàng xóm thân thiện, luôn bên hỏi han, giúp đỡ anh. Chị Liên là người vợ tảo tần, luôn yêu thương và quan tâm đến anh. Những ngày anh bị bệnh chị luôn tìm cách động viên “sang tháng mười, nhất định anh đi lại được”; chị tinh tế tránh những câu hỏi của anh để làm Nhĩ bớt lo lắng. Anh còn nhận thấy sự khổ cực vất vả trên người phụ nữ của mình: chiếc áo vá, đôi bàn tay gầy guộc, anh càng thương và cảm thấy có lỗi: “suốt đời anh chỉ làm em khổ tâm … mà em vẫn nín thinh”. Tất cả những điều ấy càng làm anh thêm hiểu yêu và trân trọng hơn người vợ của mình. Không chỉ vậy, anh còn nhận ra vẻ đẹp của tình làng nghĩa xóm, mùi mồ hôi chua lòm của lũ trẻ, sự quan tâm hỏi han của bác hàng xóm không khỏi làm anh xúc động. Cái bến quê bình dị, đẹp đẽ ấy chính là nơi mà con người ta phải đến cuối đời mới hiểu, mới thấu hết giá trị và ý nghĩa của nó.

      Sự sâu sắc, thâm trầm trong anh còn được thể hiện trong ước nguyện giản dị mà có phần kì cục theo ý nghĩ của người con trai đó là sang được cái bờ bên kia của một khúc sông Hồng. Dưới mắt Nhĩ đó là bến quê, hay rộng ra đó chính là chân trời mà cả cuộc đời anh chưa một lần khám phá. Nhưng mơ ước của anh lại vấp phải nghịch lí, anh không thể di chuyển đi đâu khỏi chiếc giường này, anh đặt hết hi vọng vào đứa con trai của mình: “Bây giờ con sang bên kia sông hộ bố…” “Chẳng để làm gì cả. Con hãy qua đò đặt chân lên bờ bên kia, đi chơi loanh quanh rồi ngồi xuống nghỉ chân ở đâu đó một lát, rồi về …”. Người con làm sao có thể hiểu được những ước mong, suy nghĩ của anh, bởi vậy đáp lại cậu con trai miễn cưỡng cầm mấy đồng tiền lẻ rồi đi. Phát hiện ra vẻ đẹp ở bên kia sông nhưng lại không thể đặt chân sang, anh đặt hết hi vọng vào con nhưng Tuấn lại làm chẳng mấy hào hứng, thấm chí lơ đễnh, sa vào ván cờ thế ven đường, để lỡ chuyến đò duy nhất trong ngày. Trong nỗi tuyệt vọng xen lẫn xót xa, Nhĩ đâm ra hoang tưởng, nghĩ chính bản thân mình trên con đò sang sông với “tấm áo màu xanh trứng sáo và chiếc mũ nan rộng vành, như một nhà thám hiểm đang chậm rãi đặt từng bước chân lên cái mặt đất dấp dính phù sa”. Đó là miền đất anh mơ ước, miền đất ấy cũng gợi ra trong Nhĩ biết bao suy nghĩ về cuộc đời. Nơi đẹp đẽ nhất trên thế giới này chính là bến quê thân thuộc, vẻ đẹp không lung linh, rực rỡ, thậm chí có nét tiêu điều, nhưng ấy là nơi đẹp nhất mà người ta phải đi qua rất nhiều nơi mới nhận ra vẻ đẹp khuất lấp ấy. Trên đường đời có rất nhiều biến cố, chùng chình, vòng vèo chúng ta phải tính tảo để nhận ra và tránh khỏi những vòng vèo đó để đến với những giá trị bền vững, đích thực trong cuộc sống.

      Nghệ thuật xây dựng nhật vật đặc sắc, đi sâu vào diễn biến tâm lí, nội tâm nhân vật từ đó đưa ra những suy tư, chiêm nghiệm về cuộc đời. Nhân vật Nhĩ chính là hóa thân của tác giả nên giọng điệu của văn bản như những lời tự thoại, nhờ đó mà tác phẩm trở nên chân thực và có chiều sâu hơn. Ngoài ra cũng cần nói đến nghệ thuật xây dựng tình huống truyện độc đáo, chứa nhiều nghịch lí giúp nhân vật thể hiện được những suy nghĩ, chiêm nghiệm của mình.

      Nguyễn Minh Châu đã xây dựng thành công nhân vật Nhĩ, một nhân vật tư tưởng để gửi gắm những chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời. Nhân vật này đã trở thành một lời cảnh tính đối với mỗi chúng ta, đó là không được sa vào những cái vòng vèo, chùng chình mà phải biết tìm về với bến quê, trân trọng và nâng niu những vẻ đẹp giản dị, gần gũi đó.

shoppe