Phân tích đặc trưng của truyện cổ tích thần kì qua truyện Tấm Cám
Thuộc nhóm truyện cổ tích thần kì, Tấm Cám mang những đặc trưng cơ bản của nhóm truyện này.
1. Đó là một loại truyện mà nhân vật trung tâm là người lao động lương thiện vốn đã chịu nhiều thiệt thòi, lại liên tiếp bị đọa đày qua rất nhiều hoạn nạn, nhưng cuối cùng luôn được đổi đời và hưởng hạnh phúc trọn vẹn. Tấm mồ côi, phải sống cảnh dì ghẻ con chồng, chết đi sống lại qua bao kiếp nhưng cuối cùng vẫn trở lại làm người, bước lên đinh cao của hạnh phúc. Đó là hành trình số phận quen thuộc của những nhân vặt trung tâm trong truyện cổ tích. Hành trình đó vừa phản ánh hiện thực vừa thể hiện cho những ước mơ khát vọng của nhân dân lao động.
2. Có sự tham gia của các yếu tố thần kì. Trong Tấm Cám yếu tố thần kì trước hết gắn liền với nhân vật Bụt. Mỗi lần gặp thử thách là Bụt lại xuất hiện đem đến cho Tấm rất nhiều những điều kì diệu, ở phần sau, nhân vật Bụt không xuất hiện nữa, yếu tố thần kì lúc này gắn liền với các hình thức hóa thân của Tấm. Hóa thành chim vàng anh, cây xoan đào, khung cửi, cây thị, quả thị, trở lại làm người. Ớ phần này, yếu tố thần kì không thay Tấm trong cuộc chiến đấu với kẻ thù. Nó biểu trưng cho sự bất diệt của cái Thiện.
Như vậy yếu tố thần kì có vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt cốt truyện, giúp phát triển tình tiết, giải quyết xung đột. Không có yếu tố này cốt truyện sẽ không phát triển được hoặc phát triển theo cách khác, theo chiều hướng khác và tác phẩm sẽ không còn là một cảu chuyện cổ tích. Đồng thời nó sẽ giúp nhân dân lao động thực hiện những giấc mơ đẹp, biến những khát vọng, mơ ước của mình thành hiện thực trong tác phẩm. Yếu tố thần kì chính là nét đặc trưng không thể thiếu của truyện cổ tích thần kì, góp phần quan trọng tạo nên một thế giới cổ tích lấp lánh, mang vẻ đẹp kì diệu và sức hấp dẫn kì lạ đối với con người.