Đăng ký

Nghị luận xã hội về lời chào hỏi (Bài 2)

1,693 từ Văn mẫu
Đề bài

Đề bài: Nghị luận xã hội về việc chào hỏi của học sinh hiện nay

Hướng dẫn giải

      Người ta vẫn thường nói rằng:

“Một chào, hai dạ, ba thưa

Tưởng chừng là dễ, mấy ai tận tường”

      Trong văn hóa Việt Nam lời chào hỏi là một nét truyền thống đẹp đẽ, đã được duy trì từ ngàn đời nay. Lời chào hỏi còn là biểu hiện của con người có văn hóa, biết cách ứng xử trong cuộc sống. Nhưng trong xã hội hiện nay, nét đẹp văn hóa ấy ngày càng bị mai một, đặc biệt là trong tầng lớp học sinh, làm mất đi giá trị, ý nghĩa vốn có của nó.

      Trước hết chúng ta cần hiểu thế nào là chào hỏi? Chào hỏi là quá trình giao tiếp, là sự trao đổi, gặp gỡ giữa hai hay nhiều người với nhau. Chào hỏi tạo nên sự gắn kết, thân mật giữa mọi người.

      Người ta vẫn thường nói rằng “lời chào cao hơn mâm cỗ” tức để nói về giá trị ý nghĩa của lời chào trong đời sống con người. Người biết chào hỏi là người biết cư xử đúng phép tắc lịch sự, là con người có văn hóa. Chào hỏi còn cho thấy đó là con người lịch thiệp. Chào hỏi tạo ra sự thân mật giữa những người xa lạ, xóa đi khoảng cách, khiến mọi người gần nhau hơn. Hình thức của lời chào rất đa dạng, phong phú, có thể là một phát ngôn, một lời nói, cũng có thể là nụ cười tươi tắn, hay cái gật đầu nhẹ nhàng. Nhưng tất cả các hình thức ấy cần phải thể hiện được sự gần gũi, thân thiện thì khi ấy mới trở thành một lời chào hỏi thực thụ.

      Mặc dù lời chào có rất nhiều ý nghĩa to lớn đối với con người nhưng thực trạng chào hỏi trong giới học sinh ngày càng ở mức đáng báo động. Các em ngày càng lười chào hỏi, với cha mẹ, với ông bà. Cách chào hỏi chưa đúng chuẩn mực, các em thường xuyên lạm dụng tiếng nước ngoài để chào hỏi người lớn: hello, hi,… đó là cách chào thiếu tôn trọng với những người lớn tuổi hơn mình. Đến trường nhiều bạn còn né tránh thầy cô vì sợ phải chào,… Nhưng các bạn không hề biết rằng những việc làm ấy của mình là thiếu lịch sự, đang làm mai một dần nét văn hóa ứng xử đẹp đẽ của cha ông ta.

      Có rất nhiều lí do dẫn đến thực trạng đáng buồn trên. Đầu tiên phải kể đến sự thiếu ý thức, văn hóa kém dẫn đến những suy nghĩ lệch lạc. Các bạn không hiểu rằng chỉ cần một lời chào thân thiện đem lại biết bao lợi ích: tạo sự thân mật, gần gũi; xóa tan những hiềm khích bực dọc,… Thứ hai là do môi trường sống không tốt đã ảnh hưởng đến phông văn hóa của học sinh. Gia đình là cái nôi đầu tiên để mỗi chúng ta học tập và noi theo, nếu cái nuôi ấy cũng có những ông bố, bà mẹ thiếu lễ độ, không chào hỏi người trên thì tất yếu các bạn sẽ bị ảnh hưởng theo. Ngoài ra cũng phải kể đến tác nhân từ chính môi trường xã hội, con người hiện đại giao tiếp với nhau chủ yếu qua các phương tiện như Facebook, Zalo,… bởi vậy sinh ra tâm lí ngượng ngùng, ngại giao tiếp với những người xa lạ.

      Có lẽ chúng ta đã hình dung được những hậu quả nghiêm trọng của việc không chào hỏi đối với bản thân. Trước hết, không chào hỏi cho thấy bạn là con người kém tinh tế, lịch sự, là người văn hóa nghèo nàn, ít ỏi. Những người không chào hỏi mọi người thường sẽ bị mọi người xa lánh, không yêu quý. Chúng ta là một thực thể tồn tại trong cộng đồng, không thể tách khỏi cộng đồng ấy. Bởi vậy, nếu bị mọi người xa lánh, sẽ cảm thấy lạc lõng, đơn độc, gây khó khăn cho cuộc sống của chính bản thân.

      Ý thức được tầm quan trọng của việc chào hỏi, vậy chúng ta cần làm gì để thay đổi thực trạng này và phát huy hơn nữa truyền thống của ông cha. Điều quan trọng nhất mỗi chúng ta cần hiểu rõ giá trị của lời chào, chỉ khi chúng ta ý thức được vai trò của nó đối với bản thân thì mới biết cách ứng xử sao cho đúng mực. Với mỗi đối tượng chúng ta cần có cách chào hỏi khác nhau, sao cho phù hợp: với ông bà, cha mẹ, thầy cô, những người lớn tuổi cần đứng nghiêm mỗi khi chào, với bạn bè chúng ta có thể chào một cách thoải mái hơn là câu hỏi sức khỏe, là cái đập tay hay nụ cười; với những người xa lạ hãy nở nụ cười thật tươi và chào họ bằng giọng thân thiện nhất. Làm được những điều ấy chắc chắn rằng bản thân bạn cũng thấy vui vẻ, và những người xung quanh cũng vô cùng hạnh phúc. Việc làm tuy nhỏ nhưng lại có ý nghĩa rất lớn. Vậy chẳng có lý do gì để chúng ta không thực hiện điều đó thường xuyên, lan tỏa đến tất cả mọi người phải không nào các bạn.

      Bản thân là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, tôi càng ý thức hơn nữa về tầm quan trọng của việc chào hỏi những người xung quanh. Chào hỏi không chỉ khiến cho mối quan hệ bạn bè trở nên thân thiết, lời chào với thầy cô giáo còn cho thấy bản thân là người có văn hóa, tôn sư trọng đạo.

      Giao tiếp, xứng xử không phải vấn đề mới nhưng vẫn luôn nóng bỏng trong xã hội hiện đại, đặc biệt là với những bạn học sinh, đang học tập, ngồi trên ghế nhà trường. Chào hỏi là một nét đẹp trong văn hóa ứng xử của cha ông ta, bởi vậy, thế hệ trẻ chúng ta cần ý thức rõ về điều đó, có những hành động thiết thực phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc:

Làm người chữa “Lễ” đứng đầu

Kế đến chữ “Nghĩa” ngàn sau để đời.

shoppe