Đăng ký

Chứng minh thành công của Truyện Kiều là tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du

1,737 từ Văn mẫu

Đề bài: Chứng minh thành công của Truyện Kiều là tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du

Bài làm

Ngoài việc tái dựng một bức tranh hiện thực khốc liệt và đớn đau, cảnh báo về những sô phận đang bị chà đạp, rẻ rúng của thực trạng xã hội thế kỉ XVIII, tác phẩm “Truyện Kiều” vĩ đại của Nguyễn Du còn là sự thể hiện đến mênh mông, không bờ bến một quan điểm nhân đạo sâu sắc, tha thiết với con người, cuộc đời. Đó là những con người, những cuộc đời cụ thể đến mức xót xa, căm phẫn, ở đây, trong tác phẩm này, là người phụ nữ. Ai đó đã nói rằng, nếu xã hội xưa tạo nhiều bất hạnh cho con người, thì trong lớp người đó, bất hạnh nhất vẫn là người phụ nữ. Ta hiểu vì sao Nguyễn Du chọn đối tượng này để cụ thể hóa chủ nghĩa nhân đạo của mình. Là người trong cuộc, tự trong sâu thẳm của đôi mắt nhìn thắm thiết, hơn ai hết, Nguyễn Du cho rằng:

“Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”

Đó “là lời chung”, bởi không riêng gì một Vương Thúy Kiều như một chứng nhân bi thảm. Đó còn là Đạm Tiên - một khuôn mẫu tiền kiếp của nàng Kiều - Vượt ra ngoài thuyết định mệnh tương đồng, Nguyễn Du còn muốn nói, với một quan điểm xã hội “Trọng nam khinh nữ” như vậy, thì không chỉ một đời tài hoa mệnh bạc... Trên tất cả những sô phận đắng cay ấy, Nguyễn Du đã nhỏ những giọt nước mắt đồng cảm.

Ít nhiều, khi kể lại sự gặp gỡ của Kim - Kiều, Nguyễn Du đã muốn ngợi ca một tình cảm tự nguyện:

“Hai bên cùng liếc, hai lòng cùng ưa”

Sự tự nguyện, không ép uổng là tiền đề của hôn nhân hạnh phúc.

Ca ngợi mối tình ấy, tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du càng đau xót và nung nấu lòng căm phẫn khi chính cái xã hội ấy là căn nguyên tạo nên sự đổ vỡ. Qua là, xã hội cũ - một xã hội nói như Nguyên Du: “Máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê”- đã chà đạp lên hạnh phúc riêng tư, cá nhân của con người. Trong đêm sâu, giữa tiếng khóc của Kiều:

“Ôi Kim Lang! Hỡi Kim Lang!"                                                              

ta nghe như đồng vọng tiếng khóc của Nguyễn Du, tiếng khóc của một trái tim lớn vì con người.

Một biểu hiện nhân văn khác của Nguyễn Du khi tái hiện số phận nàng Kiều, đó là mặc dù số phận, xã hội cứ liên tiếp xô đẩy nàng vào tận chốn bùn nhơ, Nguyễn Du vẫn cứ là kẻ bênh vực. Với tình cảm đó, Nguyền Du luôn khẳng định phẩm giá của Kiều, phẩm giá của một người cứ muốn vươn lên, vùng vẫy, chứng tỏ giá trị. Nguyễn Du gọi đó là giá trị:

“Hải đường mơn mởn cành tơ

Ngày xuân càng gió càng mưa càng nồng”.

Thật vậy, 15 năm đoạn trường ở vào nhiều cảnh ngộ, Kiều vẫn không ngừng vùng vẫy. Khẳng định nét đẹp đó của Thúy Kiều trước hết xuất phát từ tấm lòng yêu thương con người, quý trọng tâm hồn con người ở Nguyễn Du.

Đó cũng là cội nguồn lí giải sự xuất hiện của nhân vật Từ Hải giữa sóng gió đời Kiều. Bênh vực, chở che và ước muốn một kiểu công lí đích thực, hữu hiệu cho cuộc đời đó, Nguyễn Du với tâm lòng nhân đạo cao cả đã xây dựng nhân vật anh hùng Từ Hải. Không có công lí từ phía giai cấp thống trị, lại muốn mở ra một ánh sáng cuối đường hầm, lần đầu tiên trong trật tự của xã hội phong kiến diễn ra một phiên tòa xét xử mà người thi hành công lí là một cô gái giang hồ và một “Tướng giặc”. Cảm nhận sự hoán đổi trật tự - một điều tối kị của trật tự phong kiến - mới thấy hết bể nguồn nhân ái vĩ đại của tấm lòng Nguyễn Du.

Chính vì yêu thương đến tha thiết với con người, Nguyễn Du đã mơ ước, mơ ước về một thứ công lí đích thực, sòng phẳng và có hiệu quả cho đời Thúy Kiều. Với Kiều công lí đó, những oan khiên của cuộc đời “ Thanh lâu hai lượt,thanh y hai lần" mới có thế phần nào bớt đi những trái ngang. Với Kiều - công lí đó, cả một bọn người bất nhân mới bị vạch mặt chỉ đến và lôi ra ánh sáng. Đó chỉ là kiểu công lí của một trái tim luôn luôn thao thức khôn nguôi về số kiếp con người.

Truyện Kiều đã trải qua mấy trăm năm tồn tại. Theo với thời gian vẫn là tấm lòng luôn hướng về con người của Nguyễn Du. Tấm lòng ấy rất gần và luôn luôn trong sáng đối với thời đại hôm nay. Chính với tấm lòng đó mà tác phẩm đã vượt ra khỏi quy luật hằng thường để mãi mãi là “Tiếng mẹ ru mỗi ngày” như đánh giá của nhà thơ Tố Hữu và của thế hệ hôm nay.

Có thể bạn quan tâm

Không có bài viết nào
shoppe