Đăng ký

Cảm nhận khổ 2 bài Sang Thu của Hữu Thỉnh chi tiết, hay- CungHocVui

2,293 từ Cảm nhận

Cảm nhận khổ 2 bài Sang thu của Hữu Thỉnh

     Cùng CungHocVui tham khảo dàn ý cảm nhận khổ 2 bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh để thấy cảnh trời đất thay đổi sang thu, hình ảnh qua tác giả trở nên thú vị và tươi vui hơn rất nhiều. 

Cảm nhận khổ 2 bài Sang thu- CungHocVui

Cảm nhận khổ 2 bài Sang thu của Hữu Thỉnh

 

Mở bài cảm nhận khổ 2 bài Sang Thu

     Mùa thu đã bao lần đi vào thơ ca, nhạc họa, đã bao lần khiến trái tim người nghệ sĩ thổn thức. Đến với “Sang thu” của Hữu Thỉnh người ta phải thốt lên khi chưa bao giờ nhận ra cái đẹp lại hiện hữu gần đến vậy. “Nhà thơ viết nhiều, viết hay về những con người ở nông thôn, về mùa thu” ấy sau một lần được cảm thức cái không khí giao mùa trong ngày tháng đất nước hòa bình, ba miền trở về một mối đã sáng tác nên bài thơ “Sang thu”.

     Tác phẩm ghi lại mạch cảm xúc từ bỡ ngỡ, băn khoăn khi phát hiện tín hiệu của mùa thu cho đến khi sắc thu thực sự đã ngập tràn trên vùng quê nhỏ. Khổ 2 bài thơ là bức tranh miêu tả chuyến biến tinh tế của đất trời lúc sang thu.

Xem thêm:

Bài nghị luận sang thu của Hữu Thỉnh

Giải thích ý nghĩa nhan đề sang thu

Thân bài cảm nhận khổ 2 bài Sang thu

     Mùa thu chạm qua ngõ với những tín hiệu riêng biệt:

                              “Bỗng nhận ra hương ổi

                              Phả vào trong gió se

                              Sương chùng chình qua ngõ

                              Dường như thu đã về”

     Mùa thu ấy không đến với lá vàng, hoa cỏ may mà là hương ổi thân quen của mảnh đất quê hương. Đó là một hương sắc ấm áp, bình dị, thân thương. Phải tinh tế và nhạy cảm đến đâu nhà thơ mới cảm nhận được hương vị ngọt ngào ấy tựa như đang hiện hữu ngay đầu lưỡi. Thu còn đến với “sương chùng chình”, cũng là để diễn tả sự xuất hiện chầm chậm, nhẹ nhàng.       Những tín hiệu ấy chỉ mới chớm nở, chưa rõ nét nên tác giả còn ngơ ngác “Bỗng”, băn khoăn “hình như” đã đến mùa thu rồi.

     Chỉ khi nhìn nhận được sự chuyển biến rõ nét của cảnh quan đất trời, Hữu Thỉnh mới chắc chắn xác nhận rằng, thu thực sự đã về:

                              “Sông được lúc dềnh dàng

                              ​​​​​​​Chim bắt đầu vội vã”

     Sức thu bao trùm lên mọi cảnh vật, thiên nhiên, đất trời tạo nên một bức tranh thu rộng lớn, trong sáng và bình yên vô cùng. Dòng sông thì “dềnh dàng”, một trạng thái lười biếng, nhẹ nhàng, chậm rãi. Dường như dòng sông ấy đã quá mỏi mệt sau khi ồn ã những trận lũ trong mùa hạ đỏ lửa, từng cơn mưa tựa thác đổ thì nay đã có dịp nghỉ ngơi “được lúc” nên nó cố ý chậm lại.

     Trái ngược với dòng sông thong thả, êm đềm ấy, đàn chim lại “vội vã”. Hình ảnh nhân hóa, tả thực cảnh những cánh chim phải vội vã tìm thức ăn và di cư về phía Nam để tránh mùa đông giá rét sắp tới.

Cảm nhận khổ 2 bài Sang thu- CungHocVui

Cảm nhận khổ 2 bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh

     Với nghệ thuật đối lập, nhân hóa và sử dụng từ láy, nhà thơ đã làm nổi bật một bức tranh mùa thu sống động trên quê hương mình, không giống với sắc thu ở bất cứ một nơi nào khác.

                              ​​​​​​​“Có đám mây mùa hạ

                              ​​​​​​​Vắt nửa mình sang thu.”

     “Đám mây mùa hạ” giúp khán giả liên tưởng tới một đám mây trắng xốp, bồng bềnh đang trôi trên nền trời xanh thẳm. Không giống với bầu trời mây "xanh ngắt mấy tầng cao" như Nguyễn Khuyến hay “lớp lớp mây cao đùn núi bạc” trong “Tràng Giang” của Huy Cận. Nó có cá tính riêng, khác biệt và không giống với một đám mây nào khác. Đây thực sự là một hình ảnh thơ cực kỳ độc đáo, bầu trời mùa thu cũng đang cùng đi vào cuộc chuyển mình. Đám mây mùa hạ còn đó trên nền trời, đã “vắt nửa mình”.

     Hình ảnh thơ nhân hóa đặc sắc, sử dụng động từ “vắt”, đẩy lên đầu câu. Tại sao lại chỉ vắt nửa mình? Hình như đám mây ấy còn luyến lưu chút hương vị của mùa hạ, lại hớn hở, bồi hồi muốn đón nhận mùa thu, nó cứ thế lưỡng lự, băn khoăn nên tinh nghịch “vắt nửa mình sang thu”. 

     Khổ thơ 2 là cái nhìn phóng khoáng, từng rung cảm mãnh liệt trước không gian nghệ thuật rộng lớn, diệu vợi. Tâm hồn thi sĩ ngọt ngào của Hữu Thỉnh đã khéo léo nắm bắt lấy bước đi của mùa thu, những bước đi được cảm nhận và diễn tả lại bằng tâm hồn tinh tế của người thi sĩ.

     Thật không quá khen trước hồn thơ rất tình, lãng mạn của Hữu Thỉnh. Chỉ với bốn câu thơ thôi, nhà thơ đã dùng câu chữ, họa vào những vần thơ bức tranh tuyệt diệu của mùa thu mang nét riêng của chính ông. Bởi đó là mùa thu thân thuộc, yêu thương, bình dị ngay trên quê hương của ông, mùa thu đó cũng mang trong mình sự hạnh phúc khi đất nước đã giải phóng, bình yên, nhẹ nhàng.

     Hình ảnh đối lập, biện pháp nhân hóa, so sánh được sử dụng khéo léo, tinh tế điểm xuyến vào những từ láy có sức gợi cao càng làm nổi bật hơn nữa phong cảnh đất trời, núi non cùng nhau chào mừng mùa thu sang.

Kết bài cảm nhận khổ 2 bài Sang thu

     Pautopxki đã từng nói: “Niềm vui của nhà thơ chân chính là niềm vui của người mở đường đến với cái đẹp.” Phải chăng Hữu Thỉnh đã có được niềm vui ấy, niềm vui sướng khi phát hiện ra vẻ đẹp đầy tinh tế, hài hòa giữa màu sắc, âm thanh của bức tranh mang tên “Sang thu” và mở đường cho người đọc cùng thưởng thức “bữa ăn” mà đất trời ban tặng. 
     Đến với “Sang thu”, chính tôi mới giật mình thì ra có những vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt mỹ vẫn luôn hiện hữu mà con người đã hững hờ bỏ lỡ. Cảm nhận khổ 2 bài “Sang Thu” tựa hồ như đang chìm đắm vào một bức tranh nhẹ nhàng, ấm áp tình người chốn thôn quê.

shoppe