(4,0 điểm)“Vợ nhặt”...
Câu hỏi: (4,0 điểm)“Vợ nhặt” – câu chuyện bi đát về tình cảnh túng quẫn trong nạn đói hay câu chuyện về niềm tin, niềm lạc quan vượt lên cái đói, cái chết để được sống và hạnh phúc?Bằng những hiểu biết về truyện ngắn “Vợ nhặt”. hãy bày tỏ suy nghĩ của anh/chị?
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
Giải chi tiết:
1. Giới thiệu chung:
- Kim Lân là một cây bút có sở trường truyện ngắn, có nhiều trang viết cảm động về đề tài nông thôn và người nông dân. Văn phong của ông giản dị mà thấm thía.
- "Vợ nhặt" là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của Kim Lân, viết về người nông dân Việt Nam trước bờ vực của sự sống, cái chết. Đây là truyện ngắn giàu giá trị hiện thực và nhân đạo.
- Trích dẫn ý kiến.
2. Giải thích ý kiến:
- Nói “Vợ nhặt” – câu chuyện bi đát về tình cảnh túng quẫn trong nạn đói" bởi bối cảnh của truyện là nạn đói năm 1945. Cái đói hiện hữu khắp trong tác phẩm. Ý kiến hướng vào giá trị hiện thực của tác phẩm.
- "Vợ nhặt" là "Câu chuyện về niềm tin, niềm lạc quan vượt lên cái đói, cái chết để được sống và hạnh phúc?": bởi giữa bối cảnh nghèo đói đến mực thê thảm, chúng ta bắt gặp một câu chuyện "nhặt vợ", bắt gặp những con người giàu lòng yêu thương, ham sống, khát sống và không ngừng lạc quan, tin tưởng vào tương lai. Ý kiến hướng vào giá trị nhân đạo của tác phẩm.
3. Phân tích:
a/ Tác phẩm là câu chuyện bi đát về tình cảnh túng quẫn trong nạn đói:
- Cái đói hiện hình ở khắp mọi nơi, người ta cảm nhận được nó bằng hình ảnh, âm thanh, mùi vị:
+ Hình ảnh: bóng người xanh xám như bóng ma, lũ trẻ ngồi ủ rũ dưới những xó tường không buồn nhúc nhích.
+ Âm thanh: tiếng quạ kêu cứ gào lên từng hồi thê thiết, càng khiến bức tranh ngày đói trở nên ảm đạm.
+ Bao trùm lên tất cả là mùi thối của rác rưởi và mùi gây của xác người.
=> Tất cả gợi lên bầu không khí chết choc của cõi âm, cõi địa ngục.
- Cái đói lan tràn đến từng gia đình, đe dọa từng sinh mạng khiến miếng ăn trở thành vấn đề cấp thiết. Cái đói làm cho giá trị con người trở nên rẻ rúng đến thảm hại. Nó biến người phụ nữ trở nên trơ trẽn và liều lĩnh dám theo không người đàn ông lạ. Tràng "nhặt" được vợ như nhặt bất cứ cái rơm cọng rác nào ngoài đường chỉ bằng một câu nói đùa và bốn bát bánh đúc. Họ đến với nhau thành vợ chồng trong câu chuyện bi đát, không định trước là nạn đói chứ không phải do tình yêu, do mai mối cho hai con người khốn khổ đến với nhau. Họ đến với nhau chỉ để nương tựa vào nhau, chống chọi cơn bão của nạn đói khủng khiếp.
- Cái đói trong gia đình Tràng: không có nổi mâm cơm cúng tổ tiên, mời hàng xóm; đêm tân hôn diễn ra trong tiếng khóc tỉ tê nhà hàng xóm; bữa ăn đón dâu mới chỉ có một lùm rau chuối thái rối, một đĩa muối ăn với cháo cám.
=> Nhà văn Kim Lân đã phản ánh chân thực tình trạng khốn cùng của người nông dân trong nạn đói năm 1945; qua đó, tố cáo tội ác của thực dân Pháp, phát xít Nhật đẩy nhân dân ta vào tình cảnh khốn cùng.
b/ Nhưng đằng sau đó vẫn là câu chuyện về niềm tin, niềm lạc quan vượt lên cái đói, cái chết để được sống và hạnh phúc:
Theo lời nhà văn Kim Lân : “Khi viết về cái đói, thường mọi người có ý nghĩ là khi đói người ta khổ cực và chỉ muốn chết. Tôi định viết một số truyện ngắn nhưng với ý khác là khi đói người ta không nghĩ đến con đường chết mà chỉ nghĩ đến con đường sống. Dù kề bên cái chết vẫn khao khát hạnh phúc, vẫn hướng về ánh sáng, vẫn tin vào sự sống, vẫn hi vọng ở tương lai , vẫn muốn sống, sống cho ra người”. Điều đó thể hiện rõ nét qua diễn biến tâm trạng của các nhân vật.
* Nhân vật Tràng:
- Là dân nghèo, xóm ngụ cư, đói và xấu khiến anh không lấy được vợ. Thế mà bỗng chốc lại có người theo không về. Lúc đầu cũng “chợn” nghĩ nhưng sau thì “chậc, kệ!”, đó chính là khát vọng hạnh phúc vẫn âm ỉ trong con người bất hạnh này.
- Mua cho vợ cái thúng con, hai hào dầu để thắp sáng=> thể hiện sự trân trọng, đồng cảm với người vợ mới.
- Gặp mẹ, niềm hạnh phúc dâng trào, giới thiệu với mẹ về con dâu, niềm khao khát hạnh phúc biến anh chàng vụng về có những cảm xúc hết sức tinh tế.
- Sáng hôm sau, anh thấy êm ái, lửng lơ như đi từ giấc mơ đi ra, những cảnh vật ngày nào cũng thấy bỗng trở nên thân thiết lạ và thấm thía cảm động. Anh cũng có thêm ý thức trách nhiệm lo cho gia đình.
- Trong bữa cơm ngày đói, giữa miếng cháo cám đắng chát nghẹn bứ ở cổ, Tràng nghĩ đến hình ảnh đoàn người đi phá kho thóc trên đê Sộp.
=> Dù bị đẩy đến hoàn cảnh tận cùng, Tràng vẫn khao khát hướng tới tương lai, khao khát hạnh phúc.
* Nhân vật bà cụ Tứ:
- Ngỡ ngàng khi có nàng dâu mới, song ngay lập tức, bà hiểu ra cơ sự và chấp nhận, mừng cho mối duyên của các con mình: “Người ta có gặp bước khó khăn đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được", "chúng mày đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng".
- An ủi, động viên các con, vun vén cho đôi trẻ, hướng các con vào tương lai tươi sáng: "ai giàu ba họ, ai khó ba đời, " này Tràng ạ.... chả mấy chốc mà có cả đàn gà cho mà xem".
- Buổi sáng hôm sau, ba dậy sớm, cùng con dâu dọn dẹp cửa nhà cho sạch sẽ, khang trang; cùng các con quây quần bên bữa sáng nghèo nàn, ảm đạm, háo hức khoe nồi "chè khoán" mặn chát...
=> Đó là một người mẹ thấu hiểu lẽ đời, giàu tình yêu thương, lòng bao dung và lạc quan trong cuộc sống.
- Nhân vật Thị - người vợ nhặt:
+ Thị là nạn nhân của cái đói. Cái đói làm thị xấu đi cả về nhân hình và nhân tính (dẫn chứng: khi gặp Tràng, ăn bánh đúc), chấp nhận liều lĩnh về làm vợ một người còn chưa biết gì về anh ta -> Hành động chạy trốn cái đói, đồng thời đi tìm sự sống, đi tìm hạnh phúc cho mình.
+ Khi đứng trước ngôi nhà rúm ró của mẹ con Tràng, thị "nén tiếng thở dài" chấp nhận hiện thực, nương nhờ vào nhau để tìm kiếm hạnh phúc. Lúc này, thị lại trở nên hiền lành, e thẹn, nữ tính.
+ Ngày hôm sau, thị dậy sớm dọn dẹp cửa nhà, kể chuyện Việt Minh phá kho thóc Nhật chia cho người nghèo,... ->khao khát hạnh phúc kín đáo.
=> Tóm lại, Tràng, bà cụ Tứ, người vợ nhặt là những con người dù bị đẩy xuống đáy cùng của cuộc sống thì vẫn giữ được những phẩm chất rất "người", vẫn khao khát hạnh phúc, biết yêu thương, sẻ chia và không ngừng hi vọng vào ngày mai tươi sáng.
* Kết thúc tác phẩm, hình ảnh “ lá cờ đỏ bay phấp phới”… như dự báo một tương lai lạc quan hơn: cách mạng về, cuộc sống mới sẽ mở ra; những thân phận khốn khổ sẽ tìm thấy lối thoát cho cuộc đời mình.
c/ Nghệ thuật truyện:
- Xây dựng tình huống éo le, bất ngờ, cảm động.
- Miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật tinh tế, chân thực.
- Ngôn ngữ giản dị.
4. Đánh giá chung:
- Ý kiến trên đã khái quát rất đúng, toàn diện, sâu sắc về giá trị tác phẩm: cả giá trị hiện thực và nhân đạo .
- Khẳng định sức hấp dẫn của ngòi bút Kim Lân và tấm lòng yêu thương, trân trọng con người sâu sắc của nhà văn.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2016 Trường THPT Lương Đắc Bằng - Thanh Hóa - lần 2