(4,0 điểm)Cảm nhận của anh/chị về...
Câu hỏi: (4,0 điểm)Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ sau:Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơiSài Khao sương lấp đoàn quân mỏiMường Lát hoa về trong đêm hơi (Tây Tiến - Quang Dũng)Con sóng dưới lòng sâuCon sóng trên mặt nướcÔi con sóng nhớ bờNgày đêm không ngủ đượcLòng em nhớ đến anhCả trong mơ còn thức (Sóng – Xuân Quỳnh)
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
Giải chi tiết:
1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm:
- Quang Dũng là một người nghệ sĩ đa tài song ông được biết đến nhiều nhất với tư cách là một nhà thơ. Ông cũng là một trong những tác giả tiêu biểu cho nền thơ ca kháng chiến Việt Nam.
- “Tây Tiến” (1948) là một trong những bài thơ xuất sắc, làm nên tên tuổi của Quang Dũng.
- Xuân Quỳnh là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ thơ trẻ thời chống Mĩ cứu nước. Thơ Xuân Quỳnh in đậm vẻ đẹp nữ tính, vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ nhiều trắc ẩn, hồn nhiên, chân thành, đằm thắm, da diết trong khát vọng đời thường.
- Bài thơ “Sóng” được sáng tác năm 1967, trong chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền (Thái Bình), là bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh.
- Hai bài thơ đều có những đoạn thơ diễn tả thành công nỗi nhớ của người trong cuộc.
2. Phân tích:
a/ Cảm nhận về đoạn thơ trong bài “Tây Tiến” của Quang Dũng:
* Nội dung:
- Đoạn thơ bộc lộ nỗi nhớ da diết, vời vợi về mảnh đất miền Tây và đoàn quân Tây Tiến. Mỗi địa danh được nhắc đến "Sông Mã" "Sài Khao" "Mường Lát" - là một chặng đường hành quân, cũng là một chặng đường đời của nhà thơ nói riêng và những người lính Tây Tiến nói chung. Đó là "chứng nhân" lịch sử cho những gian khổ và hào hùng mà họ đã trải qua. Bởi thế mà tiếc nuối bâng khuâng "Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi", mà tha thiết "Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi".
- Thiên nhiên miền Tây trong nỗi nhớ vừa hoang vu, khắc nghiệt, dữ dội lại vừa thơ mộng, trữ tình:
+ Gọi tên địa danh: gợi sự xa xôi, hoang vắng. "Sương lấp": khắc nghiệt, dữ dội.
+ Cũng có khi sương lại mềm mại như những chùm hoa "hoa về trong đêm hơi"
- Qua miêu tả thiên nhiên, tác giả gián tiếp gợi lên những vất vả, gian khổ của đời lính Tây Tiến.
* Nghệ thuật:
- Hình ảnh thơ có sự hài hòa giữa nét thực và ảo, vừa mông lung vừa gợi cảm về cảnh và người (bút pháp lãng mạn).
- Nhạc điệu có sự hài hòa giữa lời cảm thán với điệu cảm xúc (câu mở đầu như một tiếng gọi vang vọng vào không gian), giữa mật độ dày những âm vần (rồi, ơi, chơi vơi, mỏi, hơi) với điệp từ nhơ và lối đối uyển chuyển (câu 3 với câu 4) đã tạo ra một âm hưởng tha thiết, ngậm ngùi.
b/ Cảm nhận về đoạn thơ trong bài "Sóng" của Xuân Quỳnh:
* Nội dung:
- Đoạn thơ thể hiện nỗi nhớ của tình yêu đôi lứa, một nỗi nhớ bao trùm cả không gian, trải dài theo thời gian, ám ảnh cả vào cõi vô thức.
- Nỗi nhớ cồn cào da diết của em được gửi gắm qua hai hình ảnh: sóng và em. Sóng nhớ bờ không ngủ được còn em nhớ anh cả trong mơ vẫn còn thao thức. Sóng hướng vào bờ, em hướng về anh: niềm khát khao gắn bó và ước nguyện thủy chung.
- Nỗi nhớ được bộc lộ trực tiếp, bạo dạn, chân thành gợi mở vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ.
* Nghệ thuật:
- Thể thơ năm chữ, với hình tượng sóng vừa ẩn dụ vừa giàu tính thẩm mĩ, hình ảnh thơ giàu sức gợi, đoạn thơ sâu sắc, nữ tính.
- Sự so sánh cộng hưởng. Khổ thơ dôi hẳn hai câu đủ sức ôm chứa những cảm xúc vô bờ trong nỗi nhớ tình yêu.
=> Đoạn trích tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh hồn hậu. chân thành, đằm thắm, luôn trăn trở, khát khao một tình yêu thủy chung, bất diệt.
c/ Đánh giá sự tương đồng, khác biệt:
- Tương đồng: Cả 2 đoạn thơ đều bộc lộ nỗi nhớ tha thiết, bồi hồi, sâu lắng của người trong cuộc. Nỗi nhớ được diễn tả bằng một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế với một bút pháp nghệ thuật điêu luyện, tài hoa.
- Khác biệt:
+ Đoạn thơ trong bài "Tây Tiến” của Quang Dũng là nỗi nhớ về thiên nhiên,con người Tây Tiến gắn với đơn vị cũ, với tình cảm cách mạng ân tình. Đoạn thơ viết theo thể thơ 7 chữ truyền thống.
+ Đoạn thơ trong bài "Sóng" của Xuân Quỳnh lại là nỗi nhớ của người con gái đang yêu gửi vào hình tượng sóng, gắn với không gian rộng lớn của biển cả. Thể thơ 5 chữ, xây dựng thành công hai hình tượng sóng và em, mang màu sắc hiện đại.
3. Đánh giá:
- Nét tương đồng thể hiện sự gặp gỡ của những tài năng, tấm lòng với con người, quê hương. Nét khác biệt cho thấy sự phong phú, đa dạng của thơ ca Việt Nam hiện đại.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2016 - Trường THPT Tiên Lữ - Hưng Yên - lần 1