Đăng ký

Tả một thắng cảnh mà em có dịp tham quan: Đảo Cát Bà

2,120 từ

Tả một thắng cảnh mà em có dịp tham quan: Đảo Cát Bà

Hè năm ngoái, em được theo bố mẹ đến tham quần đảo Cát Bà. Lần đầu tiên trong đời, em mới được nhìn thấy biển và đảo. Từ bến Bính ra đảo bằng tàu cao tốc. 9 giờ sáng khởi hành, con tàu nhẹ lướt băng băng như bay trên mặt biển, để lại phía sau những luồng sóng cuồn cuộn. Chưa đầy hai giờ sau, tàu đã cập bến đảo.

Quần đảo Cát Bà có trên 360 hòn đảo lớn nhỏ nhấp nhô, diệp trùng trên sóng biển. Mỗi đảo có một hình dáng riêng, mang một cái tên riêng: hòn Xôi, hòn Ché, hòn Trao, hòn Guốc, v.v... Cô hướng dẫn viên du lịch cho biết: “Hòn Guốc gắn liền với cổ tích chàng trai đánh cá bắt được chiếc guốc bằng ngọc của nàng tiên xuống chơi đảo bỏ quên trước khi bay về trời...”. Đảo con Gà, con Lợn, con Dơi, đảo Cánh buồm,... mỗi đảo một sự tích, một hình dáng riêng, ngắm lúc rạng đông hay lúc chiều tà, mới thấy đẹp. Đảo Cát Bà là hòn đảo lớn nhất trong quần đảo này. Đảo dài 20km, cao 200 mét so với mặt biển, diện tích 188 km. Đảo cách thành phố Cửa biển gần 30 hải lí.
 
Đảo phố có nhiều nhà cao tầng, nhiều nhà hàng, nhiều khách sạn. Mùa hè nên khách du lịch đến thăm đảo rất đông; các nhà hàng lúc nào cũng nhiều người ra vào ồn ào, tấp nập.
 
Cả buổi chiều, em theo bố mẹ đi ngắm bãi biển, xem bến cá. Hàng trăm con tàu phấp phới cờ đuôi nheo, hàng trăm con thuyền với cánh buồm nâu bạc phếch, hoặc rẽ sóng ra khơi, hoặc chuyển cá lên bến, hoặc ăn hàng lấy hàng tíu tít. Tiếng cười nói lao xao của ngư phủ. Cát Hải phát triển nghề nuôi cá lồng. Mỗi lồng cá được đầu tư ba, bốn trăm triệu đồng. Mỗi lồng cá trải dài trải rộng trên một vùng biển. Chủ lồng vừa ném mồi xuống, tức thì hàng nghìn con cá nổi lên đớp mồi, cuồn cuộn quẩy đuôi như những lưỡi kiếm bạc lấp lánh trong làn nước biển xanh trong. Nước mắm Vạn Vân, tôm he, cá thu, cá nục, rượu cá ngựa, rượu sao biển, v.v... có biết bao đặc sản chất đầy trong các cửa hàng. Em say mê ngắm nhìn và nhẩm đọc tên các loài hải sản mà lần đầu tiên em mới nghe thấy, nhìn thấy: tu hài, sò huyết, tôm hùm, bào ngư, cá vược, cá ngừ, chim, thu, nhụ, đé... Gió biển mặn mòi, không khí quyện mùi tôm cá.

Em tỉnh giấc hai, ba lần giữa đêm khuya. Tiếng sóng vỗ vào vách đảo, tiếng thuỷ triều ì ầm nghe mơ hồ xa xăm. Một đêm hè êm đềm, mát mẻ không bao giờ có thể quên. Mờ sáng hôm sau, cả nhà đi thăm Ao Ếch, xem rừng ngập mặn xanh biếc bao la, thăm di chỉ Cái Bèo, thăm động Người Xưa. Mặt trời đỏ ối từ từ nhô lên. Biển như xanh hơn, mênh mông hơn. Hàng nghìn con chim biển kêu “chéc. chéc...” xoè cánh chao liệng như hộ tống đoàn thuyền ra khơi đánh cá.
 
Men theo những phù kiều (cầu nối bắt theo vách đảo) ôm sát vách đảo Cát Tiên, gió thổi mát rượi, sóng vỗ “thùng thùng” như trống trận thời xưa. Cát Cò, Cát Dứa là hai bãi tắm tuyệt đẹp của Cát Hải: bãi phẳng, cát trắng mịn, nước xanh trong, phẳng lặng. Chín mười giờ sáng, nắng chan hoà, mặt biển lấp lánh, có hàng mấy nghìn người kéo tới tắm biển trên bãi Cát Cò. Em vẫy vùng mãi mà không biết chán.
 
Một bữa cơm trưa ngon lành có cá chim, mực ống, tôm he,... Mẹ nói với bố: “Ngon thật, nhưng quá đắt …!” Bố chỉ cười.
 
Cát Bà có thảm rừng nhiệt đới xanh tươi quanh năm, nay đã trở thành khu vườn Quốc gia được Nhà nước công nhận. Cả buổi chiều, em được bố mẹ dẫn đi xem. Săng lẻ, lát hoa, lát chùn, kim giao, táu... gỗ quý bạt ngàn, thân cây to, cao vút. Có biết bao loài thú, loài chim lạ và quý. Chim khướu líu lo; sơn tiêu, có giọng trầm; đại bàng đất (ca ca) bật hơi dùng đục như tiếng mõ đều đều từ xa đưa lại. Nhiều loại chim, lông cánh rực rỡ, hót ríu ran tưng bừng. Chú kiểm lâm, chân đi ủng, tay cầm gậy dẫn cả nhà đến thăm giang sơn khỉ mặt đỏ, khỉ mặt vàng. Chúng hái trái xanh ném em một cách tinh nghịch. Những con voọc đầu trắng vừa bế con vừa du cành cây bên vách núi đá cheo leo. Chú cho biết voọc đầu trắng là loài thú quý hiếm được ghi vào sách đỏ, chỉ Cát Bà mới có. Bầy sơn dương vểnh tai nghe ngóng rồi co chân vừa chạy vừa leo núi. Sao mà ở Cát Bà có nhiều sóc thế, loại đuôi cờ, bụng đỏ leo cây, chuyền cành nhanh như chớp. Tiếng gà rừng gáy te te từ cuối phía rừng xa. Tiếng tắc kè điểm hồi cầm canh gợi buồn man mác.
 
Trên núi đá vôi có nhiều ao hồ, suối ngầm nước ngọt, nước khoáng có tác dụng chữa bệnh. Du khách rời những cánh rừng xanh, đi dần vào sâu “thám hiểm”, những vòm hang thời tiền sử Gia Luân, Tiền Đức, động Trung Trang, động Thiên Long,... Trong ánh đuốc chập chờn, vách hang hiện lên bao sắc màu lung linh, bao hình thù kì ảo. Nước từ những vú đá nhỏ tí tách. Hơi lạnh từ hang động toả ra.
 
Em đã từng được đến tham quan Sa Pa, đi tắm mát Cửa Lò,... nhưng lần này đến với đảo Cát Bà, cảnh đẹp và cuộc sống nơi hải đảo sao để lại cho em nhiều ấn tượng sâu sắc kì lạ. Bến cảng, bến cá, lóng cá, bãi tắm, rừng nguyên sinh, chim thú nơi rừng cấm quốc gia, hang động của người xưa,... cảnh vật nào cũng như mời gọi thân tình và lưu luyến.
 
Một túi nhỏ đựng vài chục vỏ ốc biển lấp lánh sắc màu, một cành san hô xinh đẹp là hai món quà lưu niệm em mang về quê.
 
Xin chào nhé, Cát Bà ơi ! Hẹn gặp lại nhé.

shoppe