Soạn bài Luật tục xưa của người Ê - đê trang 56 SGK Tiếng Việt 5 tập 2
Nội dung:
Người Ê-đê từ xưa đã có luật tục quy định, xử phạt rất nghiêm minh, công bằng để bảo vệ cuộc sống yên lành của buôn làng. Từ luật tục của người Ê-Đê, chúng ta hiểu rằng: xã hội nào cũng có luật pháp và mọi người phải sống và làm việc theo pháp luật.
Lời giải chi tiết
1. Người xưa đặt ra luật tục để làm gì ?
Trả lời:
Người xưa đặt ra luật tục nhằm để bảo vệ cuộc sống bình yên cho buôn làng.
2. Kể những việc mà người Ê-đê xem là có tội.
Trả lời:
Những việc mà người Ê-đê xem là có tội là: tội không hỏi cha mẹ, tội ăn cắp, tội giúp kẻ có tội, tội dẫn đường cho địch đến đánh làng mình.
3. Tìm những chi tiết trong bài cho thấy đồng bào Ê-đê quy định xử phạt rất công bằng.
Trả lời:
Những chi tiết trong bài cho thấy đồng bào Ê-đê quy định xử phạt rất công bằng là:
- Tội nhỏ thì xử nhẹ (phạt tiền một song), chuyện lớn thì xử nặng (phạt tiền một co). Người phạm tội là người bà con, anh em cũng xử vậy.
- Tang chứng phải chắc chắn (phải nhìn tận mặt, bắt tận tay, lấy và giữ được gùi, khăn, áo, dao... của kẻ phạm tội; đánh dấu nơi xảy ra sự việc) mới được kết tội; phải có vài ba người làm chứng, tai nghe mắt thấy thì đối chứng mới có giá trị.
4. Hãy kể tên một số luật của nước ta hiện nay mà em biết.
Trả lời:
Một số luật của nước ta mà em biết là: Luật giáo dục, luật phổ cập tiểu học, luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, luật bảo vệ môi trường, luật giao thông đường bộ...