Phân tích bài Phò giá về kinh
Đề bài
Đề bài: Phân tích bài Phò giá về kinh
Hướng dẫn giải
Phò giá về kinh là một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của Trần Quang Khải, đứng trong hàng ngũ những bài thơ yêu nước xuất sắc nhất của văn học Việt Nam. Bài thơ vừa thể hiện âm hưởng chiến thắng hào hùng vừa cho thấy tầm nhìn xa trông rộng về đường hướng phát triển đất nước của tác giả.
Bài thơ làm ngay sau khi quân ta giành chiến thắng, lúc đó Trần Quang Khải đi đón và hộ giá Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông trở về kinh thành Thăng Long. Bởi vậy bài thơ ra đời trong âm vang chiến thắng hào hùng của chiến thắng Chương Dương, Hàm Tử do đích thân Trần Quang Khải chỉ huy chiến đấu.
Hai câu thơ đầu là cảm hứng tự hào trước những chiến công của thời đại, mang tính thời sự nóng hổi: Chương Dương cướp giáo giặc/ Hàm Tử bắt quân thù. Câu thơ ngắn gọn, chỉ có năm chữ mà chắc nịch ý tứ và niềm vui. Câu thơ như dồn nén sức mạnh và sự thần tốc, chớp nhoáng của các chiến công. Các động từ mạnh mẽ, dứt khoát: đoạt, cầm mang phong cách của một vị tướng. Đồng thời còn diễn tả được không khí sục sôi của những sự kiện lịch sử có ý nghĩa xoay chuyển cục diện chiến trường. Chương Dương là trận đấu mở màn nhưng lại có ý nghĩa quyết định đến chiến thắng của cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên lần thứ hai. Câu thơ vang lên thật hào sảng, hân hoan niềm vui. Đầu mỗi câu thơ gắn với hai địa danh: Chương Dương, Hàm Tử đây là những địa danh chói lọi gắn liền với những chiến công lịch sử của dân tộc, nó cũng trở thành biểu tượng cho thắng lợi huy hoàng. Nhắc lại hai địa danh đó càng làm niềm vui, niềm tự hào được nhân lên hơn nữa. Ngoài ra tác giả còn sử dụng từ ngữ mang sắc thái biểu cảm: chữ Hồ thường được người phương Bắc dùng để gọi các dân tộc thiểu số phía Tây và Tây Bắc Trung Quốc. Bởi vậy khi dùng chữ này với quân xâm lược Mông – Nguyên tác giả thể hiện sự khinh bỉ.
Vui với niềm vui chiến thắng, nhưng đằng sau đó ta vẫn thấy một Trần Quang Khải có tầm nhìn xa trông rộng, hết sức quan tâm đến vận mệnh đất nước. Hai câu thơ trên lướt nhanh qua những dòng sự kiện để rồi đọng lại những suy tư, chiêm nghiệm sâu sắc: Thái bình nên gắng sức/ Non nước ấy ngàn thu. Hai câu thơ cho thấy cho thấy suy nghĩ, tầm nhìn của một vị thủ lĩnh, trong niềm vui chung của đất nước, ông không bị cuốn đi, không an lạc trong chiến thắng mà vẫn nêu lên nhiệm vụ sau khi giành được độc lập. Ông nêu lên trách nhiệm dẫu thái bình vẫn phải dốc hết sức lực để xây dựng, phát triển đất nước, có như vậy sông núi nước Nam mới bền vững muôn thuở. Hai câu thơ cuối vừa là chân lí vừa là kinh nghiệm được đúc rút từ thực tiễn chiến đấu lâu dài của dân tộc. Cũng chính bởi lời dặn dò ấy, mà nhân dân ta đã tiếp tục đánh thắng sự xâm lược của quân Mông - Nguyên lần tiếp theo, cũng bởi thế mà vận mệnh đất nước lâu bền, thịnh trị, nhân dân được sống trong cảnh yên ấm, hạnh phúc. Câu thơ đã thể hiện tầm nhìn của một con người có hiểu biết sâu rộng, cái nhìn sáng suốt, chiến lược trong tương lai.
Bài thơ sử dụng thể thơ ngũ ngôn với số câu chữ ít ỏi, nhưng vô cùng hàm súc. Số câu chữ ít ỏi những đã khái quát đầy đủ sự kiện lớn của dân tộc và nêu lên chân lí lớn của thời đại. Kết cấu thơ chặt chẽ, ngôn từ chọn lọc, nhịp thơ ngắn gọn, kết hợp giữa biểu ý và biểu cảm. Vừa đưa ra những sự kiện lịch sử chính vừa thể hiện niềm vui, sự hân hoan trước chiến thắng và những suy tư, chiêm nghiêm sau khi đất nước đánh bại quân xâm lược.
Bài thơ với ngôn ngữ chọn lọc, cô đọng giàu sức biểu cảm đã cho thấy hào khí chiến thắng và khát vọng thái bình thịnh trịnh của nhân dân đời Trần. Đồng thời khẳng định chân lí vừa mang ý nghĩa thời sự vừa mang ý nghĩa lịch sử: “Thái bình nên gắng sức/ Non nước ấy ngàn thu”.