Đăng ký

Soạn bài Bánh chưng, bánh giầy- Soạn văn lớp 6

1,090 từ Soạn bài

   Câu 1: Vua Hùng chọn người nối ngôi trong hoàn cảnh nào, với ý định ra sao và bằng hình thức gì?

   Vua Hùng chọn người nối ngôi trong hoàn cảnh nhà vua đã già yếu và nhà vua có tới hai mươi người con trai mà chưa biết chọn ai.

   Ý định của nhà vua là phải chọn được người con tài đức nhất có thể nối được chí vua cha, đánh đuổi được giặc xâm lăng, giữ gìn được đất nước thái bình, thịnh vượng.

   Hình thức lựa chọn của nhà vua là đặt ra một cuộc thi thố tài năng, xem ai là người vừa ý nhà vua nhất thì sẽ được truyền ngôi báu.

    Câu 2: Vì sao trong các con vua, chỉ có Lang Liêu được thần giúp đỡ?

   Trong các con vua, chỉ có Lang Liêu được thần giúp đỡ vì chàng là người thiệt thòi nhất, lại là người cần mẫn lao động, tự mình làm ra nhiều lúa, nhiều khoai là những thứ cần thiết nhất cho đời sống con người. Có. thể nói thêm: trong hoàn cảnh một nước nông nghiệp như nước ta thời vua Hùng thì khoai, lúa cũng là những sản vật rất quý giá.

    Thần giúp Lang Liêu vì chàng là một người lao động chân chính và khi lên làm vua, chàng sẽ giúp ích cho đất nước, nối được chí lớn của cha ông

   Câu 3: Vì sao hai thứ bánh của Lang Liêu được vua cha chọn để tế trời, dất, Tiên vương và Lang Liêu được chọn nối ngôi vua?

      Hai thứ bánh có ý nghĩa thực tế: quý trọng nghề nông, quý trọng hạt gạo nuôi sống con người và là sản phẩm do chính con người làm ra.

-  Hai thứ bánh có ý tưởng sâu xa: tượng trưng cho trời, đất và muôn loài.

-  Hai thứ bánh, do vậy hợp với ý vua, chứng tỏ dược tài đức của người con có thể nối chí vua. Đem cái quý nhất trong trời đất, của đồng ruộng, do chính tay mình làm ra mà tiến cúng Tiên vương, dâng lên cha thì đúng là người con tài năng, thông minh, hiếu thảo, trân trọng những người sinh thành ra mình.

   Câu 4: Hãy nêu ý nghĩa của truyền thuyết Bánh chưng, bánh giầy?

   Truyền thuyết này có ý nghĩa vừa giải thích nguồn gốc của hai loại bánh chưng, bánh giầy vừa đề cao nghề nông, đề cao người làm nông nghiệp giỏi, đồng thời thể hiện sự thờ kính Trời, Đất, Tổ tiên của nhân dân ta.

                                                             LUYỆN TẬP

      Khi trao đổi ý kiến lớp cần chú ý phát biểu về ý nghĩa của truyện:

   Truyền thuyết Bánh chưng, bánh giầy có ý nghĩa giải thích vì sao có sự xuất hiện của bánh chưng, bánh giầy và ngày Tết dân ta có phong tục làm bánh chưng, bánh giầy để nhớ về Tổ tiên, để tỏ lòng thờ kính Đất, Trời, đề cao công việc nhà nông.

   Học thuộc phần Ghi nhớ trong SGK. Đọc thêm Truyền thuyết nàng Út làm bánh lót.

   Và liên hệ xem truyền thuyết này có những chi tiết nào tương tự như những chi tiết đã có trong truyền thuyết Bánh chưng, bánh giầy.

Tags