Đăng ký

Đánh giá cuối học kì 2

A. ĐỌC THÀNH TIẾNG TRUYỆN SAU

Người thiếu niên anh hùng

Giặc Nguyên cho người sang giả vờ mượn đường để xâm chiếm nước ta. Biết vua họp bàn việc nước dưới thuyền rồng, Trần Quốc Toản muốn gặp vua để xin đi đánh giặc. Bị mấy người lính gác chặn lại, Quốc Toản mặt đỏ bừng, nói lớn:

- Ta xuống thuyền rồng xin yết kiến vua!

Vừa lúc ấy, cuộc họp dưới thuyền rồng tạm nghỉ.

Gặp vua, Quốc Toản quỳ xuống, tâu:

- Cho giặc mượn đường là mất nước. Xin Bệ hạ cho đánh!

Vua truyền cho Quốc Toản đứng dậy và bảo:

- Quốc Toản làm trái phép nước, lẽ ra phải trị tội. Nhưng xét thấy khanh còn trẻ đã biết lo việc nước, ta có lời khen.

Nói rồi, vua ban cho Quốc Toản một quả cam quý.

Quốc Toản tạ ơn vua mà vẫn ấm ức: “Vua ban cho cam quý những xem ta như trẻ con, không cho dự bàn việc nước”. Nghĩ đến quân giặc, chàng nghiến răng, tay bóp chặt quả cam.

Thầy Quốc Toản trở ra, mọi người ùa tới xem cam quý vua ban. Nhưng quả cam đã nát tự bao giờ.

Về nhà, Quốc Toản tập hợp người nhà và trai tráng trong vùng, lập đội quân hơn một nghìn người. Chàng cho dựng lá cờ lớn thêu sáu chữ vàng: “Phá giặc mạnh, báo ơn vua”.

Đội quân của Trần Quốc Toản lập được nhiều chiến công. Trần Quốc Toản được tôn vinh là người thiếu niên anh hùng của dân tộc Việt Nam.

Theo Nguyễn Huy Tưởng

- Yết kiến: đến gặp vua.

- Khanh: từ mà vua và hoàng hậu dùng để gọi người thân cận.

- Thuyền rồng: thuyền của vua, có chạm hình con rồng

B. ĐỌC BÀI SAU

Một chuyến đi

Một ngày cuối thu, tôi và Trũi lên đường. Hôm ấy, nước đầm trong xanh. Những áng cỏ mượt rời rợi. Trời đầy mây trắng. Gió hiu hiu thổi.

Chúng tôi, ngày đi đêm nghỉ, cùng nhau say ngắm dọc đường. Non sông và phong tục, mỗi nơi mỗi lạ, mỗi bước dời chân mỗi thấy tuyệt vời. Nhìn không biết chán. Mỏi chẳng muốn dừng.

Bè chúng tôi theo dòng nước trôi băng băng.

Mùa thu mới chớm nhưng nước đã trong vắt. Trông thấy cả hòn cuội trắng tinh nằm dưới đáy. Nhìn hai bên ven sông, phong cảnh đổi thay đủ điều ngoạn mục. Cỏ cây và những làng gần, núi xa luôn luôn mới. Những anh gọng vó đen xạm, gầy và cao, nghênh cặp chân đứng trên bãi lầy nhìn theo chúng tôi, ra lối bái phục. Những ả cua kềnh cũng giương đôi mắt lồi âu yếm ngó theo. Đàn săn sắt và thầu dầu thoáng gặp đâu cũng lăng xăng cố bơi theo bè, hoan nghênh chúng tôi váng cả mặt nước. 

Theo Tô Hoài

* Tôi: nhân vật Dế Mèn tự xưng

* Trũi: tên nhân vật Dế Trũi, bạn của nhân vật Dế Mèn

* Rời rợi: xanh mát, dễ chịu

* Ngoạn mục: đẹp, trông thích mắt

* Bái phục: đặc biệt kính trọng

Câu hỏi 1: Trả lời các câu hỏi dưới đây:

a. Ngày hai bạn lên đường, cảnh vật thế nào?

b. Vì sao hai bạn “nhìn không biết chán”, “mỏi chẳng muốn dừng”?

c. Mỗi con vật trong đoạn văn cuối được tả bằng những từ ngữ nào?

d. Em thích điều gì trong chuyến đi của hai bạn? Vì sao?

Trả lời:

a. Ngày hai bạn lên đường, nước đầm trong xanh, những áng cỏ mượt rời rợi, trời đầy mây trắng, gió thổi hiu hiu.

b. Hai bạn nhìn không biết chán, mỏi chẳng biết dừng vì non sống thật tuyệt vời.

c. Mỗi con vật trong đoạn văn cuối được tả bằng những từ ngữ:

- Gọng vó: đen xạm, gầy, cao, nghênh cặp chân.

- Cua: giương đôi mắt, âu yếm

- Đàn săn sắt và thầu dầu: lăng xăng, hoan nghênh

d. Em thích cảnh vật mùa thu trong chuyến đi của hai bạn. Vì qua lời kể của hai bạn, cảnh vật mùa thu vô củng sinh động và thú vị.

Câu hỏi 2: Tìm từ ngữ phù hợp trả lời cho từng câu hỏi dưới đây:

a. Khi nào bầu trời trong xanh?

b. Ở đâu mây trắng bồng bềnh trôi?

Trả lời:

a. Mùa thu bầu trời trong xanh.

b. Trên trời mây trắng trôi bồng bềnh.

Câu hỏi 3: Viết 1 – 2 câu nêu điều em thích sau khi đọc xong bài Một chuyến đi.

Trả lời:

Em rất thích cảnh vật mùa thu trong bài đọc Một chuyến đi. Qua lời kể của tác giả, cảnh vật mùa thu hiện lên vô cùng thú vị và hấp dẫn.

C. VIẾT

Câu hỏi 1: Nghe – viết: Một chuyến đi (từ đầu đến chẳng muốn dừng)

Một chuyến đi

Một ngày cuối thu, tôi và Trũi lên đường. Hôm ấy, nước đầm trong xanh. Những áng cỏ mượt rời rợi. Trời đầy mây trắng. Gió hiu hiu thổi.

Chúng tôi, ngày đi đêm nghỉ, cùng nhau say ngắm dọc đường. Non sông và phong tục, mỗi nơi mỗi lạ, mỗi bước dời chân mỗi thấy tuyệt vời. Nhìn không biết chán. Mỏi chẳng muốn dừng.

Câu hỏi 2: Đặt câu để phân biệt cặp từ sau: dàn – giàn

Trả lời:

- Tiếng ve kêu giống như một dàn đồng ca.

- Nhà bà ngoại có giàn mướp sai trĩu quả.

Câu hỏi 3: Thay .... bằng dấu câu phù hợp và chép lại đoạn văn cho đúng.

Ôi, tôi sắp được gặp các bạn hoa cỏ dưới gốc cây kia .....  bạn hãy rong ruổi một mình nhé..... còn tôi, tôi sẽ ở lại với mẹ cây của tôi..... 

Theo Trần bắc Quỳ

Trả lời:

Ôi, tôi sắp được gặp các bạn hoa cỏ dưới gốc cây kia. Bạn hãy rong ruổi một mình nhé! Còn tôi, tôi sẽ ở lại với mẹ cây của tôi.

Câu hỏi 4: Viết 4 – 5 câu thuật lại một việc làm góp phần giữ gìn trường lớp xanh, sạch, đẹp.

Gợi ý:

- Em đã tham gia làm việc gì?

- Em tham gia làm công việc đó như thế nào?

- Em cảm thấy như thế nào khi làm công việc đó?

Trả lời:

Tuần trước, em cùng cả lớp tham gia nhặt rác ở sân trường. Cô giáo phân công mỗi bạn trong lớp em chuẩn bị một dụng cụ khác nhau để thực hiện việc nhặt rác. Bạn Nam thì mang túi nilon, bạn Hoa chuẩn bị găng tay, em chuẩn bị kéo gắp,… Em cảm thấy rất vui khi làm được một việc góp phần giữ gìn trường lớp xanh, sạch, đẹp.

D. NGHE ĐỌC TRUYỆN SAU:

Kiến và ve

Cuối hè, bầu trời trong xanh vời vợi, nắng vàng rực rỡ. Ve vừa đàn vừa hát. Thấy kiến đang tìm thức ăn, ve bảo:

  • Đến hát cùng tôi bạn ơi.

Kiến đáp:

  • Tôi cần kiếm thức ăn để dành khi mùa đông đến.

Ve nói:

  • Từ từ rồi làm cũng chưa muộn mà!

Mặc cho ve rủ, kiến vẫn đi tìm thức ăn. Còn ve vẫn ca hát.

Mùa đông đến, kiến ở trong nhà không lo đói rét. Ve thì không có gì để ăn. Vừa đói vừa rét, nó phải đến nhà kiến xin ăn, xin ở nhờ. Lúc này, ve rất hối hận vì suốt mùa hè chỉ rong chơi.

Theo La Phông-ten (Jean De La Fontaine), Nguyễn Văn Vĩnh dịch

Câu hỏi 1: Dựa vào truyện vừa nghe, chọn ý đúng.

a. Ve rủ kiến làm gì?

b. Kiến không làm theo lời rủ của ve vì kiến:

c. Vì sao ve ân hận?

Trả lời:

a. Ve rủ kiến ca hát.

b. Kiến không làm theo lời rủ của ve vì kiến phải tìm thức ăn.

c. Ve ân hận vì mải rong chơi suốt mùa hè.

Câu hỏi 2: Nói về điều em học được từ câu chuyện Kiến và ve.

Trả lời:

Điều em học được từ câu chuyện là không nên mải chơi, phải chăm chỉ làm việc.

Trên đây là cách soạn Tiếng Việt lớp 2, Tuần 35 - Bài “Đánh giá cuối học kì 2” trong chương trình sách mới Chân trời sáng tạo mà các bạn học sinh có thể tham khảo. Mong rằng bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bài học này!

Có thể bạn quan tâm

Không có bài viết nào
shoppe