Đăng ký

[Cánh diều] Soạn văn lớp 6 bài Bức tranh của em gái tôi

Bức tranh của em gái tôi là truyện ngắn về tình cảm gia đình, lòng yêu thương, nhân hậu giữa người với người. Mời thầy cô và các bạn học sinh tham khảo bài soạn văn lớp 6 Bức tranh của em gái tôi dưới đây.

I. Chuẩn bị 

  • Xem lại phần Kiến thức ngữ văn để vận dụng vào đọc hiểu văn bản này.

  • Khi đọc truyện ngắn, các em cần chú ý:

  • Truyện kể về việc gì? Thời gian và địa điểm xảy ra câu chuyện? 

  • Truyện có những nhân vật nào? Ai là nhân vật chính? Nhân vật chính là người thế nào?

  • Truyện kể theo ngôi thứ mấy và tác dụng của ngôi kể ấy?

  • Truyện nêu lên vấn đề gì? Vấn đề ấy có liên quan đến cuộc sống hiện nay và cá nhân em như thế nào?

  • Đọc truyện Bức tranh của em gái tôi, tìm hiểu thêm thông tin về tác giả Tạ Duy Anh.

  • Câu chuyện về hai anh em, trong đó người em có năng khiếu hội họa và tấm lòng nhân hậu, giúp người anh nhận ra sự ích kỷ của bản thân.

  • Truyện có các nhân vật: người anh (tôi), người em (Kiều Phương), bố, mẹ, chú Tiến Lê. Nhân vật chính là người anh và người em. Nhân vật chính là người tự ti và đố kỵ với tài năng của em gái mình.

  • Truyện kể theo ngôi thứ nhất. Lối kể ngôi thứ nhất giúp cho câu chuyện trở nên chân thực ngoài ra còn có thể bộc lộ rõ những tâm tư, suy nghĩ thầm kín của nhân vật chính.

  • Truyện nêu lên tình cảm gia đình, anh em. Tình cảm trong sáng nhân hậu của người em đã giúp người anh vượt qua được sự ganh tị, nhỏ nhen với tài năng của cô em gái. Truyện đem đến bài học sâu sắc về tình cảm chân thành và quý mến lẫn nhau trong gia đình.

  • Về tác giả Tạ Duy Anh:

  • Sinh năm 1959, quê ở Chương Mỹ, Hà Tây (Hà Nội). Hiện ông đang công tác tại Nhà xuất bản Hội nhà văn.

  • Ông là một cây bút trẻ trong thời kỳ đổi mới với một số tác phẩm tiêu biểu: Thiên thần sám hối, Bức tranh của em gái tôi, Dưới bàn tay vô hình, Bước qua lời nguyền…

II. Đọc hiểu

Câu hỏi 1: Từ nhan đề và hình minh họa, em có thể đoán nội dung chính của truyện này nói về việc gì?

Nội dung chính liên quan đến em gái và bức tranh của em gái “tôi”.

Câu hỏi 2: Người kể câu chuyện ở ngôi nào? Kể với ai?

Người kể câu chuyện ở ngôi thứ nhất. Kể với người đọc.

Câu hỏi 3: Tại sao nhân vật tôi lại bí mật theo dõi em gái?

Vì nhân vật tôi cảm thấy tò mò với những hành động kỳ lạ của em gái.

Câu hỏi 4: Phần 2 giúp người đọc hiểu ra điều gì?

Tài năng cũng cần được phát hiện và thấu hiểu thì mới có thể tỏa sáng được.

Câu hỏi 5: Chú ý sự thay đổi của nhân vật “tôi” qua tâm trạng, suy nghĩ và hành động ở phần 3.

Sau khi người em gái được phát hiện tài năng, người anh đã có sự thay đổi về tâm trạng, suy nghĩ và hành động là:

  • Buồn bã, ganh tị với em gái.

  • Mặc cảm, tự ti vì mình không có bất cứ năng khiếu nào.

  • Lén xem những bức tranh mà người em vẽ: tuy ghen tị nhưng thầm khâm phục tài năng của em gái.

  • Khó chịu và gắt gỏng với em gái, không thể chơi thân với em như trước.

Câu hỏi 6: Sự việc nào trong phần 4 làm cho câu chuyện tiếp tục hấp dẫn? Hấp dẫn ở chỗ nào?

  • Em gái tham gia cuộc thi vẽ tranh và được giải nhất. Em gái muốn anh đến để chia sẻ niềm vui nhưng người anh lại khó chịu gạt ra.

  • Khi nhìn thấy bức tranh của em gái, người anh đã vô cùng xúc động, ân hận vì đã cư xử thô lỗ, tồi tệ với em gái. Chính tấm lòng cao thượng của người em đã làm cho người anh nhận ra sự nhỏ nhen ích kỷ của mình.

Câu hỏi 7: Chú bé trong bức tranh được miêu tả như thế nào?

Một chú bé đang ngồi nhìn ra ngoài cửa sổ, nơi bầu trời trong xanh. Gương mặt và đôi mắt chú không chỉ suy tư mà còn rất thơ mộng.

Câu hỏi 8: Chú ý sự thay đổi tâm trạng của nhân vật “tôi”.

Người anh đầu tiên là vô cùng ngạc nhiên, sau đó là xúc động và cảm thấy xấu hổ, ân hận.

III. Trả lời câu hỏi

Câu hỏi 1: Truyện kể về việc gì? Hãy tóm tắt nội dung câu chuyện trong khoảng 8- 10 dòng.

Truyện kể về hai anh em Kiều Phương hay còn gọi Mèo. Mèo là cô bé nghịch ngợm và thường bí mật tự pha màu để vẽ tranh. Một ngày chú Tiến Lê - bạn của bố đến nhà chơi và phát hiện ra năng khiếu đặc biệt của cô bé. Từ đó cuộc sống của Mèo dường như thay đổi, tài năng của bé được chú ý và phát triển hơn. Nhưng điều này vô tình làm người anh ghen tỵ và cảm giác tự ti do không có bất kỳ năng khiếu gì. Người anh đối xử xấu tính và thô lỗ với Mèo nhưng cô bé vẫn yêu quý anh mình. Mèo tham gia cuộc thi vẽ, cô bé giành giải nhất và muốn người anh cùng tham gia nhưng người anh lại tỏ ra khó chịu. Khi thấy bức tranh của Mèo là chính anh trai mình, người anh vừa cảm thấy bất ngờ vừa cảm động và xấu hổ về hành động thô lỗ của mình.

Câu hỏi 2: Hãy nêu ra một số chi tiết trong văn bản để thấy sự khác nhau giữa tính cách của nhân vật người anh và nhân vật người em (Kiều Phương).

Người anh tự ti, ghen tỵ với chính em gái mình:

  • Khi bố mẹ vui mừng vì năng khiếu em gái, người anh lại cảm thấy buồn bã, ganh tỵ, cảm thấy mình như “kẻ thừa”.

  • Tự ti, buồn bã vì không có được tài năng như em.

  • Hay cáu gắt, khó chịu và không thể thân thiết với em gái như trước.

Người em lại hồn nhiên và vô cùng yêu thương anh của mình

  • Vui vẻ khi được anh đặt biệt cho và còn dùng tên đó để xưng hô với bạn bè.

  • Vẫn thân thiết với anh cho dù được phát hiện tài năng của mình.

  • Mặc cho anh có thái độ đối xử khó chịu với mình, em vẫn luôn yêu quý người anh: Tham gia cuộc thi trại hè vẽ tranh quốc tế và được giải Nhất với bức “Anh trai tôi”.

Câu hỏi 3: Nhân vật người em thường được tái hiện qua hành động, còn nhân vật người anh thường được tác giả chú ý miêu tả tâm trạng. Hãy chỉ ra các chi tiết cụ thể để làm sáng tỏ điều đó. Ngôi kể có liên quan gì đến cách miêu tả hai nhân vật đó?

Nhân vật người em được tái hiện qua hành động:

  • Cô bé hay lục lọi đồ đạc trong nhà.

  • Vừa làm những công việc bố mẹ giao vừa hát một cách vui vẻ.

  • Cô bé thường lén lút tự chế màu vẽ.

Nhân vật người anh được chú ý miêu tả tâm trạng:

  • Hay khó chịu vì em gái hay lục lọi đồ vật.

  • Mặc cảm vì bản thân không giỏi bằng em gái.

  • Khi đứng trước bức tranh giải Nhất của em gái, người anh có diễn biến tâm trạng: từ bất ngờ, sửng sốt đến cảm động rồi ân hận. 

Ngôi kể thứ nhất bằng lời người anh nên người anh dễ dàng thể hiện được những cảm xúc, tâm tư của mình. Trong khi đó, người em là ngôi thứ ba nên thường được tập trung miêu tả hành động nhiều hơn.

Câu hỏi 4: Đọc phần 5 và trả lời các câu hỏi:

a. Tại sao người anh “muốn khóc quá”?

Người anh cảm động trước tấm lòng nhân hậu của em gái.

b. Câu nói “Không phải con đâu. Đấy là tâm hồn và lòng nhân hậu của em con đấy!” cho em hiểu gì về người anh?

Người anh vô cùng tôn trọng và yêu quý em gái mình.

c. Điều gì đã tạo nên sự bất ngờ cho kết thúc truyện?

Bức tranh đạt giải Nhất lại là bức tranh về người anh trai - người luôn khó chịu và có thái độ không tốt với em gái.

Câu hỏi 5: Cuối truyện, tác giả viết: “Tôi nhìn như thôi miễn vào dòng chữ đề trên bức tranh: “Anh trai tôi”. Vậy mà dưới mắt tôi thì…”. Em hiểu nội dung chưa được viết vào dấu ba chấm ấy là những gì? Điều đó thể hiện tâm trạng như thế nào của người anh? Em đã từng có tâm trạng ấy chưa?

Sau dấu ba chấm là những suy nghĩ, hành động ích kỷ của người anh dành cho em gái. Điều đó thể hiện tâm trạng người anh đang rất phức tạp, hối hận khi nhớ đến những hành động của mình.

Em nghĩ có lẽ ai cũng từng có tâm trạng hối hận như người anh trong câu truyện.

Câu hỏi 6: Theo em, truyện muốn đề cao, ca ngợi điều gì? Điều đó có liên quan đến cuộc sống hằng ngày của mỗi người như thế nào?

Truyện đề cao tình yêu thương trong sáng, nhân hậu giữa con người với con người. Mỗi người trong cuộc sống này đều nên có tấm lòng cởi mở, vị tha và đối xử tốt đẹp với nhau.

Đó là cách soạn văn lớp 6 bài Bức tranh của em gái tôi trong chương trình sách mới Cánh diều mà các bạn học sinh có thể tham khảo. Mong rằng bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bài học này!

Có thể bạn quan tâm

Không có bài viết nào
shoppe