Đăng ký

Bài 19: Cấu tạo và chức năng các thành phần của tế bào

Bài học “Cấu tạo và chức năng các thành phần của tế bào” được biên soạn bám sát chương trình sách giáo khoa Khoa học tự nhiên lớp 6 thuộc bộ Kết nối tri thức với cuộc sống giúp bạn dễ dàng làm bài tập về nhà và học tốt hơn môn học này.

--------------------------

Câu hỏi mở đầu: Tuy có kích thước nhỏ nhưng tế bào có thể thực hiện được các quá trình sống cơ bản. Vậy tế bào được cấu tạo từ những thành phần nào và chúng có chức năng gì để có thể giúp tế bào thực hiện những quá trình sống đó?

Trả lời:

Tế bào được cấu tạo từ các thành phần cơ bản:

  • Màng tế bào: tham gia vào quá trình trao đổi chất giữa tế bào với môi trường

  • Tế bào chất: là nơi diễn ra phần lớn hoạt động trao đổi chất của tế bào 

  • Nhân và vật chất di truyền: là trung tâm điều khiển hoạt động sống của tế bào

=> Mỗi thành phần có chức năng khác nhau tổ hợp nên tế bào hoàn chỉnh thực hiện đầy đủ các quá trình sống.

I. Cấu tạo của tế bào

Câu hỏi 1: Quan sát Hình 19.1, nêu các thành phần chính của tế bào và chức năng của chúng.

Trả lời:

Thành phần chính của tế bào và chức năng:

Tên thành phần

Chức năng

Màng tế bào

- Bao bọc khối tế bào chất

- Tham gia vào quá trình trao đổi chất giữa tế bào và môi trường

Tế bào chất

- Là nơi xảy ra các hoạt động trao đổi chất của tế bào (hấp thụ chất dinh dưỡng, chuyển hóa năng lượng, tạo ra các chất để tăng trưởng, ...)

Nhân/vùng nhân

- Là nơi chứa vật chất di truyền

- Là trung tâm điều khiển mọi hoạt động sống của tế bào

Câu hỏi 2: Trên màng tế bào có rất nhiều lỗ nhỏ li ti. Em hãy dự đoán xem vai trò của những lỗ nhỏ này là gì?

Trả lời:

Các lỗ nhỏ li ti trên màng tế bào có chức năng kết nối giữa môi trường bên trong và môi trường bên ngoài của tế bào; Giúp tế bào có thể trao đổi và vận chuyển các chất với môi trường bên ngoài.

II. Tế bào nhân sơ và tế bào nhân thực

Câu hỏi 1: Quan sát và mô tả sự khác nhau về cấu tạo giữa tế bào nhân sơ và tế bào nhân thực.

Chuẩn bị: Hình 19.2: Cấu tạo tế bào nhân sơ (vi khuẩn) và hình tế bào nhân thực (động vật).

Quan sát và vẽ: Dựa vào hình ảnh hai tế bào đã chuẩn bị, hãy vẽ ra giấy hình dạng và cấu tạo của mỗi tế bào, ghi lại những đặc điểm đáng chú ý.

So sánh và trình bày: Nói về cấu tạo của mỗi loại tế bào. So sánh sự giống nhau và khác nhau về cấu tạo giữa tế bào nhân sơ và nhân thực.

Trả lời:

Điểm giống nhau: Thành phần có cả ở tế bào nhân sơ và tế bào nhân thực là: màng tế bào, tế bào chất

Điểm khác nhau:

  • Tế bào nhân sơ chưa có nhân hoàn chỉnh, mới chỉ có vùng nhân nơi tập trung vật chất di truyền, không có màng nhân ngăn cách giữa chất nhân và tế bào chất.

  • Tế bào nhân thực đã có nhân hoàn chỉnh, vật chất di truyền nằm trong nhân được bao bọc bởi màng nhân và tế bào chất có nhiều các loại bào quan hơn.

III. Tế bào động vật và tế bào thực vật

Câu hỏi 1: Quan sát hình 19.3, lập bảng so sánh sự giống nhau và khác nhau về thành phần cấu tạo giữa tế bào động vật và tế bào thực vật.

Trả lời:

Lập bảng so sánh sự giống nhau và khác nhau về thành phần cấu tạo giữa tế bào động vật và tế bào thực vật.

 

Tế bào động vật

Tế bào thực vật

Giống nhau

Đều có những thành phần cơ bản:

  • Màng sinh chất, tế bào chất và nhân
  • Các bào quan: Ti thể, thể Gôngi, lưới nội chất mang ribôxôm.
  • Trong nhân là nhân con và chất nhiễm sắc (ADN).

Khác nhau

  • Không có vách xenlulozơ
  • Không có lục lạp nên không tự tổng hợp được chất hữu cơ  →  dị dưỡng.
  • Có trung thể
  • Có lizôxôm (thể hòa tan).
  • Không có không bào chứa dịch, chỉ có không bào tiêu hóa, không bào bài tiết.
  • Có vách xenlulozơ bảo vệ.
  • Có các lạp thể đặc biệt là lục lạp → tự dưỡng.
  • Chỉ có trung thể ở tế bào thực vật bậc thấp
  • Không có lizôxôm
  • Có không bào chứa dịch lớn.

Câu hỏi 2: Những điểm khác nhau giữa tế bào động vật và tế bào thực vật có liên quan gì đến hình thức sống khác nhau của chúng? Cấu trúc nào của tế bào nào giúp cây cứng cáp dù không có hệ xương nâng đỡ như động vật?

Trả lời:

Điểm khác nhau lớn giữa thực vật và giới động vật về cấu tạo tế bào là thực vật có lục lạp:

  • Thực vật có lục lạp chứa diệp lục có khả năng hấp thu năng lượng ánh sáng mặt trời, thực hiện quá trình quang hợp tổng hợp chất hữu cơ từ chất vô cơ. Do đó thực vật là sinh vật tự dưỡng.

  • Động vật không có lục lạp, không có khả năng tổng hợp chất hữu cơ từ chất vô cơ nên chúng phải ăn các sinh vật khác nên động vật là sinh vật dị dưỡng.

Thành tế bào của tế bào thực vật giúp cây cứng cáp dù không có hệ xương nâng đỡ như ở động vật.

Trên đây là cách soạn Khoa học tự nhiên lớp 6 bài “Cấu tạo và chức năng các thành phần của tế bào” trong chương trình sách mới Kết nối tri thức với cuộc sống mà các bạn học sinh có thể tham khảo. Mong rằng bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bài học này!

Có thể bạn quan tâm

Không có bài viết nào
shoppe