Đăng ký

Bài 10: Không khí và bảo vệ môi trường không khí

[Chân trời sáng tạo] KHTN lớp 6 Bài 10: Không khí và bảo vệ môi trường không khí

Với bài soạn KHTN lớp 6 bài 10: Không khí và bảo vệ môi trường không khí (bài học thuộc bộ sách Chân trời sáng tạo) dưới đây, các bạn học sinh sẽ được học và biết được các thành phần trong không khí cũng như những vai trò quan trọng của không khí đối với cuộc sống tự nhiên. Mời bạn cùng tham khảo cụ thể ngay tại bài viết sau!

1. Thành phần không khí

Câu hỏi 1: Trong bản tin dự báo thời tiết thường có dự báo về độ ẩm của không khí (hình 10.1). Điều đó chứng tỏ trong không khí chứa chất gì? Chất đó được tạo ra từ đâu?

Gợi ý trả lời:

Trong bản tin dự báo thời tiết thường có dự báo về độ ẩm của không khí, điều đó chứng tỏ rằng trong không khí có chứa hơi nước. Hơi nước sẽ được tạo từ:

Nước trong các sông suối, ao hồ, biển hay đại dương dưới tác động của gió và lượng nhiệt từ ánh sáng mặt trời sẽ bốc hơi và bay lên không khí. Trong điều kiện nhiệt độ càng lớn, phân tử nước trong không khí sẽ chuyển động càng nhanh và hỗn loạn, điều này giúp chúng phân tán vào không khí và hình thành độ ẩm trong không khí.

Câu hỏi 2: Quan sát biểu đồ hình 10.2, em hãy cho biết không khí là một chất hay hỗn hợp nhiều chất.

Gợi ý trả lời:

Như trong biểu đồ hình 10.2, ta có thể thấy rằng không khí là một hỗn hợp với nhiều chất trong đó, bao gồm: nitrogen, argon, carbon dioxide, hơi nước cùng một số loại chất khí khác.

Câu hỏi 3: Không khí có duy trì sự cháy và sự sống không? Vì sao? 

Gợi ý trả lời:

Không khí duy trì sự cháy và cả sự cháy, bởi vì oxygen có trong không khí chính là loại khí duy trì sự cháy, duy trì sự sống.

Câu hỏi 4: Tỉ lệ thể tích khí oxygen và nitrogen trong không khí là bao nhiêu?

Gợi ý trả lời:

Tỉ lệ thể tích oxygen và nitrogen trong không khí là 21% và 78%.

Câu hỏi 5: Quan sát thí nghiệm (hình 10.3), nếu úp ống thuỷ tinh vào ngọn nến đang cháy thì ngọn nến có tiếp tục cháy không? Giải thích.

Gợi ý trả lời:

Khi úp ống thủy tinh vào ngọn nến đang cháy thì ngọn nến sẽ yếu dần và tắt đi. Bởi vì oxy trong không khí duy trì sự cháy, và khi úp ống thủy tinh vào, oxy sẽ bị giảm dần và hết hoàn toàn, theo đó ngọn nến cũng hết oxy để duy trì sự cháy và tắt đi

Câu hỏi 6: Sau khi ngọn nến tắt, mực nước trong ống thủy tinh thay đổi như thế nào? Giải thích.

Gợi ý trả lời:

Hiện tượng: Sau khi ngọn nến tắt, trong ống thủy tinh sẽ có nước đọng quanh thành ống => Mực nước trong ống tăng lên.

Giải thích hiện tượng: 

Khi ngọn nến đang cháy mà bị úp ống thủy tinh lên, nhiệt độ không khí trong ống sẽ tăng lên khiến cho không khí trong ống nở lên, từ đó áp suất tăng sẽ đẩy không khí tràn ra miệng ống. Thời điểm nến dần lụi tàn, nhiệt độ trong ống sẽ giảm dần xuống cho đến khi trở về nhiệt độ bình thường, lúc này không khí sẽ co lại đồng thời chiếm không gian ít hơn trong ống thủy tinh, áp suất cũng bị giảm bởi vì trong ống cũng đã bị thất thoát một lượng không khí ban đầu => Như vậy, áp suất bên ngoài ống thủy tinh sẽ cao hơn, nên nó sẽ đẩy nước về nơi có áp suất thấp hơn đó là bên trong ống.

Khi đó, thể tích bị thay đổi bởi việc đốt cháy hết Oxy trong ống khiến nước chiếm chỗ Oxy bị đốt cháy hết là không đáng kể, lý do là khi đốt cháy sẽ sinh ra khí CO2, thể tích Oxy mất đi bao nhiêu sẽ tương đương với thể tích khí CO2 được sinh ra. Khi đó, áp suất ở trong và ngoài ống được cân bằng sẽ khiến cho nước ngừng dâng lên. Nếu bạn đổ ít nước và nước bị kéo hết ra bên ngoài, không khí lúc này sẽ được đẩy vào ống và nước trong ống sẽ sủi bọt lên. Khi đó, nến sẽ tắt vì đã hết Oxy và khí CO2 được sinh ra sau đó sẽ chìm xuống phía dưới vì nó nặng hơn không khí.

Câu hỏi 7: Từ kết quả thí nghiệm, xác định phần trăm thể tích của oxygen trong không khí. So sánh với kết quả trong biểu đồ hình 10.2

Gợi ý trả lời:

Với lời giải thích phía trên, ta có thể thấy rằng nước vào ống thủy tinh để chiếm chỗ Oxy đã bị đốt cháy hết. Khi đó, quan sát hình ảnh và hiện tượng thu được, ta có thể xác định rằng lượng nước vào ống thủy tinh chiếm ⅕ thể tích của ống (20% thể tích). Như vậy, lượng Oxy cũng chiếm khoảng 20% thể tích của không khí bên trong ống và cũng tương đương với phần trăm thể tích oxy trong không khí như trong biểu đồ 10.2 (21%).

2. Vai trò của không khí trong tự nhiên

Câu hỏi 1: Từ hiểu biết của mình, em hãy cho biết không khí có vai trò gì trong cuộc sống

Gợi ý trả lời: 

Không khí đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong cuộc sống, điển hình như:

  • Không khí cung cấp khí Oxy dùng để duy trì sự sống của các sinh vật trên Trái Đất, đồng thời giúp duy trì sự cháy góp phần tạo nên các năng lượng phục vụ cho nhu cầu của đời sống.

  • Không khí cung cấp CO2 để thực vật có thể quang hợp và duy trì tỉ lệ của không khí, đồng thời hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường đe dọa đến đời sống các sinh vật trên Trái Đất.

  • Không khí ảnh hưởng đến các hiện tượng thời tiết và khí hậu, tạo nên các môi trường sinh thái khác nhau.

  • Không khí được coi là một nguồn nguyên liệu để sản xuất khí Nitrogen - một loại khí có nhiều ứng dụng trong thực tiễn hiện nay.

  • Nitrogen góp phần cho sự sinh trưởng và phát triển của các loài thực vật khi chuyển hóa thành các dạng có ích khác nhau.

3. Ô nhiễm không khí

Câu hỏi 1: Em đã bao giờ ở trong khu vực không khí bị ô nhiễm chưa? Không khí lúc đó có đặc điểm gì?

Gợi ý trả lời: 

Em đã từng sống trong khu vực không khí bị ô nhiễm, khi đó, không khí sẽ không trong suốt mà bị khói bụi làm mờ nhìn không rõ, trong không khí cũng xuất hiện các hiện tượng gây mùi khó chịu, đồng thời sức khỏe chúng ta còn bị ảnh hưởng khi da, mắt bị kích ứng, hô hấp khó khăn…

Câu hỏi 2: Em hãy tìm hiểu và cho biết những tác hại do không khí bị ô nhiễm gây ra

Gợi ý trả lời: 

Một số tác hại do không khí bị ô nhiễm gây ra:

  • Ảnh hưởng đến đời sống của các sinh vật, con người.

  • Trái Đất bị biến đổi khí hậu, gây các hiện tượng hiệu ứng nhà kính…

  • Nông nghiệp, lâm nghiệp bị ảnh hưởng xấu.

  • Gây hiện tượng tuyệt chủng động vật tăng cao, phá vỡ môi trường sống của một số động - thực vật.

  • Nguy cơ gây nên các loại bệnh cho con người, gây hại cho sức khỏe con người và đặc biệt là có nguy cơ bị tử vong.

  • Làm mất đi mỹ quan đô thị…

4. Nguyên nhân gây ô nhiễm không khí

Câu hỏi 1: Em hãy liệt kê các nguồn gây ô nhiễm không khí

Gợi ý trả lời: 

Một số nguồn gây ô nhiễm không khí là: Khí thải nhà máy; khí thải từ các loại máy móc, động cơ; rác thải không được xử lý; cháy rừng…

Câu hỏi 2: Em hãy tìm hiểu và cho biết những chất nào gây ô nhiễm không khí 

Gợi ý trả lời: 

Những chất gây ô nhiễm không khí có thể là: tro bụi; khí thải từ nhà máy, xe cộ, máy móc như: CO2, bụi mịn, nitrogen oxide…

Câu hỏi 3: Quan sát các hình 10.6 đến 10.11, em hãy điền thông tin theo mẫu bảng 10.1

Gợi ý trả lời: 

Nguồn gây ô nhiễm không khí

Con người hay tự nhiên gây ra ô nhiễm

Chất chủ yếu gây ô nhiễm không khí

Cháy rừng

Con người, tự nhiên

Tro, khói và bụi

Núi lửa

Tự nhiên

Dioxide, Sulphur

Nhà máy nhiệt điện

Con người

Tro, bụi

Phương tiện giao thông chạy xăng, dầu

Con người

Bụi, khói bụi

Đốt rơm rạ

Con người

Bụi, khói bụi

Vận chuyển vật liệu xây dựng

Con người

Bụi

5. Bảo vệ môi trường không khí

Câu hỏi 1: Có thể giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí được không? Để làm được điều đó chúng ta cần phải làm gì?

Gợi ý trả lời: 

Có thể giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường không khí bằng cách hạn chế các loại rác thải, khí thải ra môi trường không khí như sử dụng các loại xe như xe đạp, xe điện thay cho các loại phương tiện đi lại hoạt động bằng xăng dầu; tích cực cải thiện không khí bằng cách trồng thêm nhiều cây xanh, dọn dẹp môi trường, đồng thời nâng cao ý thức của mỗi người,... 

Câu hỏi 2: Em hãy nêu một số nguồn gây ô nhiễm không khí và đề xuất biện pháp khắc phục 

Gợi ý trả lời: 

Một số nguồn gây ô nhiễm không khí và biện pháp khắc phục

Nguồn gây ô nhiễm

Đề xuất biện pháp khắc phục

Khói bụi, chất thải của những nhà máy xí nghiệp

Cần đặt các nhà máy, xí nghiệp, các cơ sở sản xuất tại nơi ngoại ô, cách xa thành phố, khu dân cư, sử dụng công nghệ sản xuất hiện đại, lành tính với môi trường và đặc biệt là cần có biện pháp xử lý khói bụi, rác thải một cách khoa học, chặt chẽ

Khí thải độc hại khi đốt nhiên - nguyên liệu

Cần xây dựng và ứng dụng những hệ thống xử lý khí thải một cách khoa học, thay thế và sử dụng nguyên liệu sạch, giảm thiểu CO2 trong quá trình đốt cháy nhiên - nguyên liệu.

Phương tiện giao thông sử dụng xăng dầu

Giảm thiểu số lượng phương tiện giao thông cá nhân, chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng, nếu có thể hãy đi bộ và dùng xe đạp để tránh gây ô nhiễm không khí từ khói bụi, khí thải của phương tiện giao thông.

Cháy rừng

Trồng cây xanh, không chặt phá khai thác rừng bừa bãi.

Câu hỏi 3: Khi đang ở trong khu vực không khí bị ô nhiễm, em cần làm gì để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình

Gợi ý trả lời: 

Khi đang ở trong khu vực không khí bị ô nhiễm, em cần phải dọn dẹp môi trường sinh sống, sử dụng khẩu trang hoặc nếu tình hình tệ hơn nên di chuyển nơi sinh sống.

Bài tập

Câu hỏi 1: Các nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu là gì? Nêu các biện pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí.

Gợi ý trả lời: 

Các nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu là cháy rừng, núi lửa, khí thải, rác thải từ nhà máy, động cơ xe…

Biện pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí:

  • Có thể di chuyển và xây dựng những nhà máy, xí nghiệp tại vùng ngoại ô, cách xa thành phố, khu dân cư. Đồng thời, nên thay thế máy móc và dây chuyền sản xuất bằng những công nghệ hiện đại và an toàn với môi trường.

  • Cần tập trung xây dựng, cải thiện và nâng cấp hệ thống xử lý rác thải, khí thải có khả năng gây ô nhiễm môi trường.

  • Sử dụng nguyên liệu sạch để thay thế các loại dầu mỏ, than đá… từ đó giảm được lượng carbon monoxide và carbon dioxide trong quá trình đốt cháy.

  • Đối với việc vận chuyển vật liệu xây dựng, cần phải che đậy kín và cẩn thận khi di chuyển, tránh đổ ra đường…

  • Giảm thiểu phương tiện giao thông cá nhân và sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, thay thế phương tiện sử dụng xăng dầu bằng phương tiện an toàn với môi trường.

  • Trồng cây xanh, tránh phá rừng, khai thác rừng bừa bãi.

  • Xây dựng, lắp đặt những trạm theo dõi môi trường và kiểm soát lượng khí thải gây ô nhiễm

Câu hỏi 2: Ô nhiễm không khí ảnh hưởng như thế nào đến sức khoẻ con người? Em hãy đề xuất một số biện pháp nhằm bảo vệ bầu không khí ở trường học hoặc nơi ở của em. 

Gợi ý trả lời: 

Ô nhiễm không khí ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe con người, khiến con người mắc các loại bệnh về tim, phổi và các bệnh về hô hấp nếu như hít phải các khí độc hại như: Sulfur Dioxide, Nito Dioxit, Cacbon Monoxit, hợp chất hữu cơ dễ bay hơi sản sinh trong quá trình đốt cháy nhiên liệu, bụi mịn, Amoniac,...

Đề xuất biện pháp bảo vệ bầu không khí:

  • Dọn dẹp vệ sinh và làm thông thoáng không khí trong nhà, trong phòng.

  • Sử dụng các loại thiết bị hút mùi, hút khói.

  • Hạn chế dùng hóa chất gây hại cho môi trường.

  • Không đốt than củi, than đá.

  • Trồng cây xanh, vệ sinh môi trường thường xuyên.

Câu hỏi 3: Em hãy giải thích vì sao lượng oxygen trong không khí hầu như không đổi mặc dù hàng ngày con người dùng rất nhiều oxygen cho nhu cầu hô hấp và sản xuất trong công nghiệp

Gợi ý trả lời: 

Lượng Oxygen trong không khí hầu như không đổi dù hằng ngày con người dùng rất nhiều oxygen cho việc hô hấp và sản xuất trong công nghiệp bởi vì quá trình quang hợp của thực vật sẽ hấp thụ CO2 và sản sinh ra O2, từ đó O2 luôn được cung cấp trong không khí.

Đó là toàn bộ gợi ý bài soạn KHTN lớp 6 bài Bài 10: Không khí và bảo vệ môi trường không khí thuộc bộ sách Chân trời sáng tạo mà bạn có thể tham khảo. Đừng quên tham khảo thêm các bài soạn khác tại Cùng Học Vui để chuẩn bị bài trước khi đến lớp một cách tốt nhất, bạn nhé!

Có thể bạn quan tâm

Không có bài viết nào
shoppe