Nội dung cơ bản của lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, bản chỉ thị “toàn dân kháng chiến” và tác phẩm
“Kháng chiến nhất định thắng lợi”.
1. Nguyên nhân bùng nổ cuộc kháng chiến chống Pháp:
- Ta:
+ Nghiêm chỉnh chấp hành Hiệp định sơ bộ (6/3/1946), tranh thủ thời gian hoà hoãn để chuẩn bị lực lượng.
+ 10/1946: Quốc hội ban hành Hiến pháp đầu tiên, là cơ sở Pháp lí để đấu tranh với địch.
- Pháp:
+ Ngày càng tìm cách gây hấn và khiêu khích ta:
+ 27/11/1946: Pháp chiếm Hải Phòng.
+ 17/12/1946: Pháp bắn vào khu phố Hàng Bún, chiếm Bộ Tài chính, Bộ Giao thông tại
Hà Nội.
+ 18/12/1946: Pháp gửi tối hậu thư buộc ta phải đầu hàng.
Trước hành động xâm lược đó, Đảng và Hồ chủ tịch quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc. Đêm 19/12/1946: Hồ chủ tịch ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”: “Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa.
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!”.
2. Nội dung cơ bản của “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, bản chỉ thị “Toàn dân kháng chiến” và tác phẩm “Kháng chiến nhất định thắng lợi”.
Sau lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, ngày 22/12/1946, Ban thường vụ TW ra chỉ thị “Toàn dân kháng chiến” và sau đó Trường Chinh viết tác phẩm “kháng chiến nhất định thắng lợi”.
Cả 3 văn kiện trên đã nêu và giải thích rõ đường lối kháng chiến chống Pháp là: Toàn dân - Toàn diện - Lâu dài - Tự lực cánh sinh.
+ Toàn dân: Đây là cuộc kháng chiến của toàn dân, cả nước sẽ là chiến trường, toàn dân sẽ là chiến sĩ phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc.
+ Toàn diện: Ta sẽ vận động sức lực của toàn dân, vì thế chúng ta sẽ đánh Pháp trên tất cả các mặt, từ quân sự, chính trị đến kinh tế, văn hoá, giáo dục.
+ Lâu dài: Vì bọn xâm lược lúc nào cũng muốn thắng nhanh, vì thế muốn đánh bại chiến lược của chúng, ta phải đánh lâu dài. Cuộc chiến kéo dài, địch sẽ yếu đi, ta có điều kiện thời gian để xây dựng, củng cố lực lượng và giành thắng lợi.
+ Tự lực cánh sinh: Đây là cuộc kháng chiến dân tộc, ta phải dựa vào sức mình là chính nhưng sự giúp đỡ của bên ngoài cũng là yếu tố quan trọng.