Phân tích bức tranh chân dung tinh thần của nhân v...
Câu hỏi: Phân tích bức tranh chân dung tinh thần của nhân vật Rô-bin-xơn.
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
phân tích , tổng hợp
Giải chi tiết:
1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm, nhân vật
2. Phân tích
- Khi khắc họa bức chân dung của mình, Rô-bin-xơn không hề tỏ ra than phiền, đau khổ, điều đó chứng tỏ anh là một người rất lạc quan.
- Đã có lúc Rô-bin-xơn để cho râu tự mọc dài hơn một gang tay, phải chăng đó là những những lúc anh chán nản, bi quan, buông xuôi... Nhưng rồi sau đó, anh đã quan tâm, chăm sóc nó một cách khá công phu: râu được cắt đi khá ngắn gọn, còn ria mép được cắt tỉa thành một cặp to tướng kiểu Hồi giáo, dài, kì quái.
Chi tiết này nói lên rất nhiều điều. Trong hoàn cảnh sống khó khăn, gian khổ, một mình trên đảo hoang, song Rô-bin-xơn vẫn nhận thức được rằng: Bộ râu của người đàn ông rất quan trọng. Theo quan niệm xưa, đặc biệt là giới quý tộc Anh thế kỉ XVIII, râu được coi là sức mạnh và lòng dũng cảm, là tiêu chuẩn của vẻ đẹp nam tính và phong độ của người đàn ông. Râu còn thể hiện tư thế, phong thái, cá tính của con người... Chính vì thế, anh luôn ý thức được rằng: đằng sau dáng vẻ kì quái, mình vẫn là một con người - một con người đích thực đang sống. Mà ở đây là một người đàn ông khoẻ mạnh, đầy nam tính, có cá tính mạnh mẽ nên dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải sống cho đàng hoàng, không được phép tuỳ tiện, buông thả. Vì vậy, một mình trên đảo (Anh là chúa đảo và anh cũng là thần dân duy nhất trên đảo), không có nhu cầu giao tiếp với ai, nhưng anh vẫn chăm sóc bộ râu, ria mép của mình một cách cẩn thận, tỉ mỉ như một người khó tính.
Cùng với nước da “không đến nỗi đen cháy” và bộ ria mép to tướng kiểu Hồi giáo, ta thấy Rô-bin-xơn là người từng trải, tính cách mạnh mẽ, bản lĩnh, lạc quan, một phong thái đàng hoàng, hãnh diện về mình. (So sánh với nguyên mẫu: Chỉ mới 4 năm ở đảo nhưng Xen-kiếc đã rơi vào trạng thái hoang dã, quên gần hết tiếng người.) Nhiều người nếu rơi vào hoàn cảnh như Rô-bin-xơn sẽ chán nản, buông xuôi rồi chết. Nhưng Rô-bin-xơn không như vậy.
- Con người đã khuất phục được thiên nhiên, bắt thiên nhiên phục vụ cuộc sống của mình. Anh bám chắc lấy cuộc sống, không phải chỉ để sống lay lắt qua ngày, mà luôn phấn đấu để cuộc sống tốt hơn, sống đàng hoàng, sống đẹp như một con người chân chính “Bữa sáng trên đảo của anh có sữa tươi uống, có pho-mát ăn...”
- Thông thường, trong bức hoạ chân dung, gương mặt chiếm vị trí quan trọng nhất, được hoạ sĩ quan tâm trước hết, sau đó mới đến trang phục và các thứ khác. Thế nhưng ở đây tác giả làm ngược lại, miêu tả trang phục, trang bị trước rồi mới đến diện mạo. Cách miêu tả như vậy trước hết phù hợp với ngôi kể người kể chuyện là ngôi thứ nhất nên chỉ có thể miêu tả về những gì mà mình nhìn thấy được. Nếu chuyện được kể ở ngôi thứ ba, người kể chuyện sẽ khắc hoạ chân dung Rô-bin-xơn theo một trật tự khác. Hơn nữa, trình tự ấy cùng với cách miêu tả vừa khái quát, vừa chi tiết, giọng văn hài hước, dí dỏm đã thể hiện dụng ý của nhà văn: Tác giả muốn nhấn mạnh cách ăn mặc kì quái, và những đồ lề lỉnh kỉnh của Rô-bin-xơn là kết quả sáng tạo của anh - con người chăm chỉ, sáng tạo trong hoàn cảnh khó khăn.
3. Tổng kết.
Tóm lại, với cách miêu tả tỉ mỉ, giọng văn dí dỏm, hài hước, qua bức chân dung tự hoạ, ta thấy được hoàn cảnh sống khắc nghiệt, khó khăn, gian khổ và những phẩm chất tốt đẹp của Rô-bin-xơn. Một con người lao động sáng tạo, giàu ý chí, nghị lực và niềm tin vào cuộc sống. Và qua nhân vật Rô-bin-xơn, Đi-phô đã thể hiện niềm tin của mình vào con người lao động dám sống và biết sống, sống một cách mạnh mẽ, dũng cảm và sáng tạo trong bất kì hoàn cảnh nào.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Thi online_Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang_Có lời giải chi tiết