(4,0 điểm)2.1:
Câu hỏi: (4,0 điểm)2.1: Ghi lại theo trí nhớ khổ cuối bài thơ Ánh trăng (Nguyễn Duy) và khổ cuối bài thơ Sang thu (Hữu Thỉnh)2.2: Viết bài văn trình bày cảm nhận của em về hai khổ thơ vừa ghi ở câu 2.1:
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
phân tích, tổng hợp
Giải chi tiết:
(4,0 điểm)
2.1:
Khổ cuối bài thơ Ánh trăng (Nguyễn Duy):
“Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình”
Khổ cuối bài thơ Sang thu (Hữu Thỉnh):
“Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”
2.2:
I. Giới thiệu tác giả, tác phẩm:
- Nguyễn Duy thuộc thế hệ các nhà thơ quân đội trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc và trở thành một trong những gương mặt tiêu biểu. “Ánh trăng” là một trong những tác phẩm thành công của Nguyễn Duy, được ông viết năm 1978 tại thành phố Hồ Chí Minh. Bài thơ diễn tả những suy ngẫm sâu sắc về thái độ của con người đối với quá khứ gian lao, tình nghĩa.
- Hữu Thỉnh cũng thuộc thế hệ các nhà thơ thời chống Mỹ với ngòi bút luôn hướng về đề tài chiến tranh, người lính và cuộc sống nông thôn. “Sang thu” là tác phẩm tiêu biểu của Hữu Thỉnh, được viết khi thiên nhiên bắt đầu sang thu và cũng là thời điểm đất nước vừa bước từ chiến tranh sang hòa bình.
- Hai khổ cuối của hai bài thơ là những khổ thơ đặc sắc, đúc kết được toàn bộ nội dung tư tưởng mà tác giả muốn gửi gắm.
II. Phân tích:
1. Phân tích khổ cuối bài thơ “Ánh trăng”
- “Trăng cứ tròn vành vạnh”: là hình ảnh tượng trưng cho quá khứ đẹp đẽ, vẹn nguyên chẳng thể phai mờ.
- Biện pháp nhân hóa “ánh trăng im phăng phắc” khiến hình ảnh vầng trăng hiện ra như một con người cụ thể, một người bạn, một nhân chứng, rất nghĩa tình nhưng cũng vô tình nghiêm khắc đang nhắc nhở con người đừng quên quá khứ.
- “ánh trăng im phăng phắc” nhưng đủ làm con người “giật mình” nhận ra sự vô tình không nên có, sự lãng quên đáng trách của mình. Con người có thể vô tình, có thể lãng quên nhưng thiên nhiên và nghĩa tình quá khứ vẫn vẹn nguyên vĩnh hằng.
2. Phân tích khổ cuối bài thơ “Sang thu”
- Thiên nhiên sang thu được gợi ra qua hình ảnh cụ thể: nắng – mưa
“Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa”
+ Nắng là hình ảnh cụ thể của mùa hạ. Nắng cuối hạ vẫn còn nồng, còn sáng nhưng đã nhạt dần, yếu dần bởi gió se đã đến chứ không chói chang, dữ dội, gay gắt.
+ Mưa cũng đã ít đi. Cơn mưa mùa hạ thường bất ngờ chợt đến rồi lại chợt đi. Từ “vơi” có giá trị gợi tả, diễn tả cái thưa dần, ít dần, hết dần những cơn mưa rào ào ạt, bất ngờ của mùa hạ.
=> "Nắng" ẩn dụ cho những điều tốt đẹp, "mưa" tượng trưng cho những khó khăn, trắc trở trong cuộc sống.
- Hình ảnh ẩn dụ:
“Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”
+ Ý nghĩa tả thực: hình tượng sấm thường xuất hiện bất ngờ đi liền với những cơn mưa rào chỉ có ở mùa hạ. Sấm cuối mùa hạ cũng bớt đi, ít đi lúc sang thu.
+ Ý nghĩa ẩn dụ: “Sấm” là hình ảnh biểu tượng cho những vang động bất thường của ngoại cảnh, của cuộc đời. “Hàng cây đứng tuổi” gợi tả những con người từng trải, từng vượt qua những khó khăn, thăng trầm. Qua đó, khẳng định bản lĩnh cứng cỏi của con người trước những biến động của cuộc đời.
3. So sánh:
a. Điểm tương đồng:
Thông qua những thủ pháp nghệ thuật đặc sắc như nhân hóa, ẩn dụ, hai khổ thơ không chỉ đơn thuần là khắc họa hình ảnh thiên nhiên mà còn ẩn chứa những hàm ý, suy ngẫm sâu sắc, đầy tính triết lí về cuộc đời, về con người của hai tác giả.
b. Khác biệt:
- Khổ thơ cuối bài thơ “Ánh trăng” như lời tâm sự, lời tự thú, lời tự nhắc chân thành. Qua đoạn thơ, tác giả muốn nói rằng: phải thủy chung, trọn vẹn, phải nghĩa tình sắt son với nhân dân, với đất nước và ngay với chính bản thân mình.
- Qua khổ cuối bài thơ “Sang thu”, tác giả Hữu Thỉnh lại nhằm khẳng định, ngợi ca bản lĩnh cứng cỏi và tốt đẹp của mỗi con người từng trải nói riêng và nhân dân ta nói chung trước những thách thức khó khăn, gian khổ.
III. Đánh giá:
Hai khổ thơ đều là những khổ thơ đặc sắc về cả nội dung và nghệ thuật, thể hiện được ngòi bút tài hoa và dấu ấn riêng của hai tác giả.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Đề thi vào 10 môn Ngữ văn - Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế năm 2015