Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:Mọc giữa dòng...
Câu hỏi: Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:Mọc giữa dòng sông xanhMột bông hoa tím biếcƠi con chim chiền chiệnHót chi mà vang trờiTừng giọt long lanh rơiTôi đưa tay tôi hứng(Mùa xuân nho nhỏ - Thanh Hải)
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
phân tích, tổng hợp.
Giải chi tiết:
* Yêu cầu về kĩ năng:
- Viết đúng kiểu bài nghị luận văn học.
- Lý lẽ rõ ràng, dẫn chứng xác thực.
- Văn viết giàu cảm xúc, diễn đạt trôi chảy.
- Bố cục ba phần rõ ràng, cân đối.
- Trình bày sạch đẹp; ít sai lỗi câu, từ, chính tả.
* Yêu cầu về kiến thức: đảm bảo được các ý sau:
1. Giới thiệu chung
Giới thiệu đôi nét về tác giả, tác phẩm và nội dung đoạn thơ được trích:
- Thanh Hải (1930 -1980) tên thật Phạm Bá Ngoãn, quê ở Thừa Thiên Huế.
- Là một trong những cây bút lớn gây dựng văn hóa cách mạng ở miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
- Phong cách: nhẹ nhàng, tha thiết, đậm chất trữ tình.
- Hoàn cảnh sáng tác: tháng 11-1980 một tháng trước khi nhà thơ qua đời.
- Tác phẩm thể hiện tình yêu cuộc sống, gắn bó với đất nước, với cuộc đời và ước nguyện chân thành, đẹp đẽ của tác giả, muốn được sống có ích, hòa nhập, dâng hiến cho cuộc đời chung, góp một mùa xuân nhỏ nhỏ của mình vào mùa xuân lớn của dân tộc.
- Nội dung đoạn thơ: cảm xúc tâm trạng của nhà thơ trước mùa xuân của đất trời, của đất nước, cách mạng.
2. Phân tích
2.1. Cảm xúc trước mùa xuân đất trời
a) Bức tranh mùa xuân
- Không gian mùa xuân cao rộng, bao la của dòng sông – mặt đất – bầu trời, gợi nên sự thanh bình, yên ả.
- Màu sắc tươi tắn, hài hòa: màu xanh mênh mông của dòng sông làm nền cho màu hoa tím biếc – một sắc màu tươi sáng, dịu dàng rất đặc trưng của xứ Huế.
- Nhưng cái hay của câu thơ đâu chỉ ở hình ảnh mà còn cả ở cách diễn đạt: đó là sự tinh tế trong cách dùng đảo ngữ và động từ “mọc”, sự sáng tạo này càng nhấn mạnh vào sự xuất hiện của bông hoa trên cái nền xanh của dòng sông, khiến hình ảnh bông hoa tím biếc vừa gợi hình vừa gợi cảm… Bông hoa từ dưới lòng sông như đang từ từ vươn lên xòe nở, khoe sắc. Từ đó khắc sâu hơn về vẻ đẹp và sức sống của thiên nhiên xứ Huế mỗi độ xuân về.
- Hòa vào vẻ đẹp ấy là âm thanh vội vã vui tươi, náo nức của con chim chiền chiện đang hót vang trời. Tiếng hót líu lo ấy càng làm bức tranh trở nên sinh động, hấp dẫn.
b) Cảm xúc của tác giả
- Vẻ đẹp của mùa xuân đã khiến nhà thơ không kìm nén nổi cảm xúc của mình và cất lên tiếng gọi, lời hỏi thật trìu mến, thiết tha: “ơi, con chim…vang trời”.
+ Từ “ơi” đặt ở đầu câu biểu đạt niềm vui sướng, xúc động mãnh liệt, tạo nên một cuộc trò chuyện trực tiếp đầy yêu thương giữa con người và thiên nhiên.
+ Đồng thời tác giả sử dụng biện pháp nhân hóa, khiến cho những chú chim trở nên gần gũi, thân thiết như một người bạn. Qua đó còn thể hiện sự hân hoan, giao hòa giữa con người và cảnh vật.
- Cảm xúc của nhà thơ trước mùa xuân đất trời không chỉ thể hiện ở sự bất ngờ khi bắt gặp một bông hoa tím biếc mọc giữa dòng sông, ở sự thích thú tiếng chim hót vang trời mà còn thể hiện trực tiếp qua động tác say sưa giao hòa với thiên nhiên: “Từng giọt long lanh rơi/ Tôi đưa tay tôi hứng”.
=> Có thể nói chỉ bằng đôi ba nét chấm phá, Thanh Hải đã vẽ ra bức tranh xứ Huế tươi đẹp, tràn đầy sức sống cùng cảm xúc say sưa, ngây ngất lòng người.
2.3 Đặc sắc nghệ thuật
- Sử dụng hình ảnh so sánh, ẩn dụ sáng tạo.
- Hình ảnh thơ vừa giản dị, vừa đẹp đẽ.
- Giọng điệu thiết tha.
- Sử dụng điệp từ linh hoạt.
3. Đánh giá chung
- Khổ thơ đã bộc tâm hồn yêu thiên nhiên, niềm tự hào và niềm tin tưởng mãnh liệt của tác giả trước tương lai của đất nước.
- Sử dụng linh hoạt các biện pháp nghệ thuật, giọng văn tha thiết, giàu tình cảm
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Đề thi chính thức vào 10 môn Văn Sở GDĐT Phan Chu Trinh Đăk Lăk (Năm học 2018 - 2019) (có lời giải chi tiết)