(4,0 điểm)“Sức thu h...
Câu hỏi: (4,0 điểm)“Sức thu hút của thơ Tố Hữu với những thế hệ người đọc mấy chục năm qua chủ yếu là ở (…) tính dân tộc đậm đà”.(Ngữ văn 12 Nâng cao, Tập 2, NXB Giáo dục, 2008, tr 100)Cảm nhận của anh/chị về tính dân tộc trong đoạn trích "Việt Bắc" của nhà thơ Tố Hữu (Ngữ văn 12, Tập một). Từ đó, anh/chị suy nghĩ gì về trách nhiệm của bản thân trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc ?
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
Giải chi tiết:
1/ Giới thiệu chung:
- Tố Hữu là nhà thơ lớn của dân tộc, là lá cờ đầu của nền thơ ca Cách mạng Việt Nam..
- Bài thơ “Việt Bắc” là một thành công đặc biệt trong đời thơ Tố Hữu. Tác phẩm vừa là bản tình ca về tình cảm cách mạng – giữa đoàn cán bộ miền xuôi với nhân dân Việt Bắc, vừa là bản hùng ca về cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ mà vẻ vang của dân tộc. Đồng thời tác phẩm cũng thể hiện rõ nét phong cách thơ Tố Hữu: tính dân tộc đậm đà.
- Đoạn thơ trên mang đậm tính dân tộc, biểu hiện cả ở nội dung và hình thức nghệ thuật thơ.
2/ Tính dân tộc trong tác phẩm văn học:
- Tính dân tộc là một trong những phẩm chất tư tưởng – thẩm mĩ độc đáo của tác phẩm văn học thể hiện sự gắn bó giữa tác phẩm văn học với bản sắc thái văn hóa, giá trị tinh thần dân tộc. Mỗi dân tộc trên thế giới đều có cuộc sống, cách cảm thụ cuộc sống và hệ giá trị riêng do truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán, tâm lý và ngôn ngữ tạo thành. Sự biểu hiện tập trung các phương diện ấy vào nội dung, hình thức của tác phẩm làm nên tính dân tộc của văn học.
- Nhìn chung, tính dân tộc của tác phẩm văn học thường thể hiện trên hai phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật, bởi nội dung mang tính dân tộc thể hiện ở cảnh sắc thái thiên nhiên, nhịp điệu đời sống và tính cách dân tộc phải được biểu hiện bằng hình thức nghệ thuật phù hợp là các thể loại và phương tiện ngôn ngữ mà dân tộc ấy ưu chuộng.
3/ Tính dân tộc trong đoạn trích "Việt Bắc":
a/ Nội dung:
- Những bức tranh chân thực, đậm đà bản sắc dân tộc về thiên nhiên và con người Việt Bắc được tái hiện trong tình cảm thiết tha, gắn bó sâu sắc của tác giả.
+ Bức tranh tứ bình đẹp đẽ về thiên nhiên 4 mùa và con người Việt Bắc.
+ Bức tranh đời sống sinh hoạt ở Việt Bắc: "Nhớ người mẹ nắng cháy lưng...đều đều suối xa".
- Tình nghĩa của người cán bộ và đồng bào Việt Bắc với cách mạng và kháng chiến, với Bác Hồ là những tình cảm cách mạng sâu đậm của thời đại mới. Những tình cảm ấy tiếp nối mạch nguồn yêu nước, đạo lí ân tình thủy chung vốn là truyền thống dân tộc ta.
+ Tâm trạng lưu luyến, bịn rịn lúc chia tay thể hiện qua hàng loạt câu hỏi tu từ "Mình về có nhớ..." và điệp từ "nhớ".
+ Nghĩa tình cách mạng thể hiện qua sự chia ngọt sẻ bùi, cùng nhau vượt qua những ngày gian khó "Thương nhau chia củ sắn lùi/ Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng".
+ Sự đồng lòng quyết tâm đánh giặc, tạo nên hình tượng đất nước đứng lên.
b/ Nghệ thuật:
- Thể thơ lục bát được tác giả sử dụng nhuần nhuyễn với những câu thơ lúc hùng tráng, lúc tha thiết, sâu lắng, nhẹ nhàng.
- Kết cấu và ngôn ngữ: Cặp đại từ nhân xưng “ta”- “mình” và cấu trúc lời hỏi, lời đối đáp được sử dụng xuyên suốt trong toàn bài thơ gần với hình thức đối đáp giao duyên của nam nữ trong ca dao- dân ca.
- Hình ảnh: Nhiều hình ảnh mang đậm tính dân tộc (núi, nguồn…), hình ảnh mang tính giai cấp được sử dụng một cách tự nhiên và sáng tạo.
- Nhạc điệu: Nhiều từ ngữ được lặp lại nhiều lần (nhớ, ta, mình…) tạo âm điệu nhịp nhàng, tha thiết, ngọt ngào, sâu lắng nhưng không đơn điệu (lúc hùng tráng, lúc trang nghiêm).
- Chất liệu văn học và văn hóa dân gian được vận dụng phong phú, đa dạng, đặc biệt là ca dao trữ tình.
c/ Đánh giá:
- Tính dân tộc làm cho "Việt Bắc" mang vẻ đẹp nhuần nhị của thơ ca truyền thống, vì vậy có sức hấp dẫn, thu hút đặc biệt với nhiều thế hệ người Việt, đặc biệt trong kháng chiến.
- Tính dân tộc là một nét đặc sắc trong phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu.
4/ Suy nghĩ về trách nhiệm của bản thân trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc:
- Việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là trách nhiệm của tất cả chúng ta, nhất là những người trẻ tuổi.
- Gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc là bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp và trong thời kì hội nhập quốc tế, chúng ta hòa nhập chứ không hòa tan.
- Lên án những hành vi, những biểu hiện của sự lai căng nhố nhăng, làm mất đi bản sắc riêng của văn hóa dân tộc.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2016 Trường THPT Hà Huy Tập - Nghệ An - lần 1