Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ sau đây:“...
Câu hỏi: Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ sau đây:“Người đi Châu Mộc chiều sương ấyCó thấy hồn lau nẻo bến bờCó nhớ dáng người trên độc mộcTrôi dòng nước lũ hoa đong đưa”(Tây Tiến – Quang Dũng – Ngữ Văn 12, Tập một)Nhớ gì như nhớ người yêuTrăng lên đình núi nắng chiều lưng nươngNhớ từng bản khói cùng sươngSớm khuya bếp lửa người thương đi về.(Việt Bắc – Tố Hữu – Ngữ Văn 12, Tập một)
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
_Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng)
_Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.
Giải chi tiết:
Yêu cầu:_Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận.
_Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
_Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: cảm nhận về hai đoạn thơ, chỉ ra được nét tương đồng và khác biệt.
_Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm, thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.
Gợi ý:1. Giới thiệu khái quát về 2 tác giả, 2 tác phẩm, 2 đoạn trích:
_ Quang Dũng (1921-1988), quê Hà Nội. Ông là một nghệ sĩ đa tài với hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn. Tố Hữu (1920-2002), quê ở Huế, một nhà thơ tiêu biểu của dòng thơ cách mạng Việt Nam với hồn thơ đậm đà tính dân tộc.
_ Tây Tiến (1948), Việt Bắc (1954) đều là những thành tựu đặc sắc của thơ ca kháng chiến chống Pháp, đều là những bài ca không thể nào quên về một thời gian khổ mà hào hùng, hào hoa của lịch sử dân tộc.
_ Hai đoạn thơ trên đều viết về nỗi nhớ của các tác giả với núi rừng Tây Bắc và một quãng đời không thể nào quên.
2. Phân tích:
a. Cảm nhận về đoạn thơ trong bài “Tây Tiến” của Quang Dũng:
* Nội dung:
- Trước hết là khung cảnh thiên nhiên:
“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ”
+ Không gian được bao trùm bởi một màn sương giăng mắc trở nên mờ ảo, như hư, như thực. Sương chiều bảng lảng đầy thi vị, chứ không còn là “sương lấp đoàn quân mỏi” khi màn đêm buông xuống
+ Sông nước, bến bờ lặng tờ, hoang dại như thời tiền sử, chỉ có màu lau trắng trải dài tít tắp, phất phơ theo chiều gió thổi, xôn xao ẩn chứa những nỗi niềm của con người… Thiên nhiên như có linh hồn, “hồn lau” hài hòa với “hồn thơ” của những người lính đa cảm. Cũng có thể hiểu “hồn lau” là một ẩn dụ đặc sắc gợi về vẻ đẹp giản dị, gần gũi, hồn hậu của những con người miền Tây- những người lao động trên sông nước mênh mông.
- Trên nền thiên nhiên tĩnh lặng và thơ mộng đó nổi bật hình ảnh con người:
“Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”
+ “Dáng người trên độc mộc” phải chăng đó là dáng hình mềm mại, uyển chuyển của thiếu nữ sơn cước trên chiếc thuyền độc mộc trên dòng sông Mã, tạo nên chất thơ làm tiêu tan vẻ dữ dội của “dòng nước lũ” hung hãn
+ Như để hoà hợp với con người, những bông hoa rừng cũng đong đưa làm duyên trên dòng nước xiết. “Hoa đong đưa” là một hình ảnh lạ, hoa lá vô tri như được thổi hồn vào, gợi ra ánh mắt lúng liếng tình tứ của những cô gái vùng núi xinh đẹp trẻ trung
+ Dường như trong khổ thơ nào của bài thơ cũng thấp thoáng bóng dáng của người đẹp như vậy:
- Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
- Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
- Mai Châu mùa em thơm nếp xôi (đoạn 1)
- Kìa em xiêm áo tự bao giờ
- Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm (đoạn 3)
→ Hình ảnh người đẹp thấp thoáng trong các khổ thơ đã điểm cho kí ức Tây Tiến chút lãng mạn, mơ mộng, khiến cho câu chữ trở nên mềm mại hơn và lòng người cũng nhẹ nhàng hơn…
_ Những từ có thấy, có nhớ là những lời tự hỏi lòng mình đầy bâng khuâng, lưu luyến khi đã cách xa với Tây Tiến cả về không gian và thời gian…
*Nghệ thuật: Bút pháp lãng mạn được tác giả sử dụng một cách tinh tế khiến hình ảnh thiên nhiên và con người miền Tây hiện lên độc đáo…
b. Cảm nhận về đoạn thơ trong bài “Việt Bắc” của Tố Hữu:
* Nội dung:
_ Đây là lời của người đi (những cán bộ kháng chiến đã từng gắn bó và công tác ở Việt Bắc, trong đó có Tố Hữu), khẳng định với người ở lại rằng: dù về xuôi, dù xa cách nhau về không gian địa lí nhưng vẫn nhớ Việt Bắc như nhớ người yêu. Từ đó, muốn nói nỗi nhớ của tình yêu là nỗi nhớ cháy bỏng, nỗi da diết nhất, thường trực nhất, để từ đó khẳng định nỗi nhớ và tấm lòng thủy chung của mình với Việt Bắc – suối nguồn nuôi dưỡng của cách mạng.
_ Sau lời khẳng định là những hình ảnh thiên nhiên và con người Việt Bắc đẹp như khúc hát đồng quê. Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương, bản khói cùng sương,… là hình ảnh rất đặc trưng cho khung cảnh núi rừng êm đềm, thơ mộng ở Việt Bắc. Trên cái nền trữ tình là hình ảnh con người Việt Bắc tần tảo, chịu thương chịu khó. Con người và thiên nhiên hài hòa gắn bó trong nỗi nhớ người về xuôi.
* Nghệ thuật:
_ Các hình ảnh trong hoài niệm nhưng hiện lên thật cụ thể, rõ nét, chứng tỏ sự gắn bó sâu sắc và nỗi nhớ tha thiết.
_ Thể thơ lục bát cùng với biện pháp so sánh, điệp từ… đã góp phần thể hiện sâu sắc nỗi nhớ và tấm lòng thủy chung của người về.
c. So sánh hai đoạn thơ:
_ Sự tương đồng: Hai đoạn thơ tiêu biểu cho thơ ca thời kì kháng chiến chống Pháp, thể hiện vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Việt Bắc, Tây Bắc và tình cảm gắn bó của tác giả đối với con người và miền đất xa xôi của Tổ quốc.
_ Sự khác biệt:
+ Thiên nhiên Tây Tiến trong thơ Quang Dũng hoang vu nhưng đậm màu sắc lãng mạn, hư ảo; con người hiện lên trong vẻ đẹp khỏe khoắn mà duyên dáng; thể thơ thất ngôn mang âm hưởng vừa cổ điển vừa hiện đại.
+ Thiên nhiên Việt Bắc trong thơ Tố Hữu gần gũi, quen thuộc mà trữ tình; con người Việt Bắc hiện lên trong tình nghĩa cách mạng thủy chung; thể thơ lục bát mang âm hưởng ca dao dân ca.
_ Lí giải:
* Hai đoạn thơ, hai bài thơ có nét tương đồng vì đều được sáng tác trong thời kì kháng chiến chống Pháp.
* Tuy nhiên, mỗi đoạn thơ, bài thơ lại có nét riêng vì các nhà thơ bộc lộ nỗi nhớ với các địa danh khác nhau, mang cảm xúc khác nhau và phong cách sáng tạo nghệ thuật khác nhau.
3. Đánh giá chung:
Với hồn thơ đậm đà tính dân tộc, lãng mạn, hào hoa, phóng khoáng, Tố Hữu và Quang Dũng đã làm nổi bật nỗi nhớ thiết tha, sâu nặng về quê hương cách mạng và đơn vị cũ.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Đề thi thử THPTQG môn Ngữ Văn trường THPT chuyên Lam Sơn - Thanh Hóa - lần 1 - năm 2018