(5 điểm) Bàn về truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của n...
Câu hỏi: (5 điểm) Bàn về truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài, có ý kiến cho rằng: “Thắp sáng ngọn lửa khát vọng sống, Tô Hoài cũng làm bừng sáng giá trị nhân văn cao cả của tác phẩm”.(Lê Tiến Dũng, In trong “Những vấn đề Ngữ văn” (Tuyển tập 40 năm nghiên cứu khoa học của Khoa VH&NN)Anh/chị hãy phân tích nhân vật Mị trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài (phần trích trong SGK Ngữ văn 12 tập 2, NXB Giáo dục, 2016) để làm sáng tỏ ý kiến trên.
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
Giải chi tiết:
GIỚI THIỆU CHUNG
- Năm 1952, nhà văn Tô Hoài cùng với bộ đội tiến quân vào giải phóng Tây Bắc, đi sâu vào những khu du kích của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi. Chuyến đi kéo dài tám tháng đã để lại cho Tô Hoài những ấn tượng sâu sắc. Nhà văn Tô Hoài từng tâm sự: “Cái kết quả lớn nhất và trước nhất của chuyến đi tám tháng ấy là đất nước và con người miền Tây đã để thương để nhớ cho tôi nhiều quá, tôi không bao giờ quên”. “Truyện Tây Bắc” chính là kết quả của chuyến đi tám tháng ấy không bao giờ quên ấy.
- “Vợ chồng A Phủ” là truyện ngắn đặc sắc nhất trong tập “Truyện Tây Bắc”, cũng là một trong những truyện ngắn Việt Nam xuất sắc trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Tác phẩm là bức tranh chân thực về cuộc sống và con người vùng Tây Bắc, tái hiện số phận đau khổ của những người nông dân nghèo miền núi dưới ách áp bức của thực dân, phong kiến. Đồng thời, tác phẩm cũng là một bài ca về sức sống và khát vọng tự do của người miền núi, là hình ảnh con đường giải phóng và cuộc đổi đời của họ trong cách mạng.
- Bàn về truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài, có ý kiến cho rằng: “Thắp sáng ngọn lửa khát vọng sống, Tô Hoài cũng làm bừng sáng giá trị nhân văn cao cả của tác phẩm”. Cuộc đời nhân vật Mị là minh chứng cho giá trị nhân văn cao đẹp mà Tô Hoài muốn gửi gắm trong tác phẩm.
PHÂN TÍCH
I. Giá trị nhân đạo trong tác phẩm văn học
- Khái niệm: Giá trị nhân đạo là một trong các giá trị cơ bản của tác phẩm văn học được tạo nên bởi niềm cảm thông sâu sắc của nhà văn với nỗi đau của những con người, những cảnh đời bất hạnh trong cuộc sống. Đồng thời, nhà văn còn thể hiện sự nâng niu, trân trọng những nét đẹp trong tâm hồn và niềm tin khả năng vươn dậy của con người dù trong hòan cảnh nào.
- Giá trị nhân đạo trong tác phẩm văn học được thể hiện qua các phương diện:
+ Tố cáo xã hội: Tác giả lên án, phê phán các tầng lớp thống trị, những kẻ ăn trên ngồi trốc, ỷ mạnh hiếp yếu, trà đạp cuộc sống con người và làm băng hoại các giá trị đạo lý.
+ Ca ngợi: những phẩm chất tốt đẹp của một con người hoặc một lớp người trong xã hội. Đây chính là những vẻ đẹp bị khuất lấp bởi sự thống trị, đàn áp.
+ Thương cảm, bênh vực: nhà văn bày tỏ niềm thương cảm với nhân vật, tạo ra những tình huống để giúp họ vượt qua khó khăn, thách thức và vươn lên khẳng định bản thân, khẳng định niềm tin, ước mơ và khát vọng trong cuộc sống.
+ Chỉ ra con đường, lối thoát cho nhân vật: Đặc điểm này không hoàn toàn có trong tất cả các tác phẩm. Nó phụ thuộc vào nhận thức và khả năng dự đoán trước hiện thực của nhà văn, nhờ đó nhà văn chỉ ra được con đường giải quyết những bế tắc của số phận nhân vật.
II. Chứng minh ý kiến qua cuộc đời của nhân vật Mị
1. Tố cáo hiện thực xã hội
- Theo tục lệ, cha mẹ Mị không có tiền cưới phải đến vay nhà thống lí Pá Tra, mỗi năm trả lãi một nương ngô. Đến khi mẹ mất, cha già mà nợ kia vẫn còn. Mị từ khisinh ra đã mang theo trên người món nợ truyền kiếp của cha mẹ. Trong một đêm mùa xuân, Mị bị bắt về làm dâu trừ nợ cho nhà thống lí Pá Tra. Thế là Mị trở thành một món hàng trừ nợ.Hình thức cho vay nặng lãi đã cột chặt bao nhiêu người nghèo vào số phận nô lệ, phụ thuộc vào bọn chủ nợ giàu có.
- Hình thức bóc lột của bọn chúa đất phong kiến là cho vay nặng lãi để cột chặt kiếp nô lệ của người dân miền núi. Kèm theo việc cho vay nặng lãi là tục lệ cúng trình ma. Khi người dân ngu muội tin vào chuyện ma quái đó thì bọn giàu có độc ác càng có cơ hội nô dịch. Mị không dám phản ứng vì về đạo lí đó là món nợ Mị phải trả như một cái án truyền kiếp mà cô phải gánh lấy từ trong trứng nước. Về phương diện thần quyền, nghĩ rằng mình đã “trình ma” nhà Pá Tra nên Mị chỉ còn biết làm thân trâu ngựa cho đến lúc chết mà thôi.
=> Hành động này tố cáo sự vô nhân đạo của những kẻ nắm quyền lực thời đó. Xã hội đốn mạt đã cho chúng sức mạnh để tác oai tác quái trên số phận người dân nghèo. Chính xã hội thực dân nửa phong kiến đã trao cho bọn chúa đất phong kiến cái quyền hành phi lí đó. Làm dâu gạt nợ nhà thống lí, Mị bị cường quyền và thần quyền đày đọa cả về thể xác và tinh thần.
2. Ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của một con người
Mị là cô gái trẻ đẹp, có tài thổi sáo, con người giàu lòng yêu đời, lại là một cô gái chăm chỉ và hiếu thảo.
- Vẻ đẹp bên ngoài: Mị là một cô gái trẻ xinh đẹp, được nhiều người con trai yêu: “Trai đến đứng nhẵn cả chân vách đầu buồng Mị”.
- Tài năng: Mị thổi lá cũng hay như thổi sáo khiến bao nhiêu người mê, ngày đêm thổi sáo đi theo Mị.
- Đức tính chăm chỉ, hiếu thảo:
+ Mị bảo với cha: “Con nay đã biết cuốc nương làm ngô, con phải làm nương ngô giả nợ thay cho bố. Bố đừng bán con cho nhà giàu”.
+ Sự đày đọa cực khổ cả về thể xác lẫn tinh thần ở nhà thống lí Pá Tra khiến Mị có ý định ăn lá ngón tự tử. Nhưng khi nghĩ đến việc mình chết đi thì nợ kia vẫn còn, cha Mị lại phải trả nợ cho nhà giàu còn cực khổ hơn, Mị từ bỏ ý định.
- Giàu lòng yêu đời, yêu người:
+ Khi mới về nhà thống lí Pá Tra, luôn có ý định phản kháng, thoát khỏi cuộc sống đọa đầy.
+ Trong đêm tình mùa xuân, khi nghe tiếng sáo, lòng Mị lại sống về những kỉ niệm ngày trước. Khát khao được đi chơi, được thổi sáo trong đêm tình vùng cao lại trỗi dậy => yêu đời.
+ Trong đêm mùa đông trên núi cao, khi nhìn thấy A Phủ bị trói đứng, khi thấy hai hàng nước mắt lăn xuống hõm má đã đen sạm lại, Mị thấy sự đồng cảm với một người xa lạ và có hành động quyết đinh: cắt dây cở trói cho A Phủ => yêu người
3. Thương cảm, bênh vực nhân vật, khẳng định niềm tin, ước mơ và khát vọng trong cuộc sống
* Thương cảm và bênh vực nhân vật:
Tô Hoài miêu tả cuộc đời Mị làm dâu gạt nợ nhà thống lí với sự cảm thông sâu sắc:
- Những ngày đầu về làm dâu, Mị phản kháng quyết liệt: hàng mấy tháng ròng, đêm nào Mị cũng khóc, Mị định tự tử bằng lá ngón. Nhưng Mị chết đi thì nợ kia vẫn còn. Thương cha, Mị lại tiếp tục cuộc sống làm dâu gạt nợ.
- Lâu dần, chuỗi ngày triền miên những vất vả cực nhọc không dứt đã làm tê liệt cả ý thức về bản thân và những mong muốn thay đổi số phận ở Mị. Giờ đây, Mị an phận và cam chịu thân phận nô lệ trong nhà thống lí. “Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi. Bây giờ thì Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa… ngựa chỉ biết việc ăn cỏ, biết đi làm mà thôi”. Cuộc sống của Mị ở nhà thống lí Pá Tra mỗi ngày lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. Mị cam chịu thân phận, chỉ biết ngồi trong cái buồng kín mít, trông ra cửa sổ vuông mờ mờ trăng trắng, “đến bao giờ chết thì thôi”.Mị sống như một cái bóng vật vờ, sống mà như đã chết, không còn cả ý thức về thời gian nữa. Mị không còn nhớ mình về làm dâu nhà Pá Tra bao năm. Ý thức phản kháng trong con người Mị tưởng chừng như đã bị tê liệt.
* Khẳng định niềm tin, ước mơ, khát vọng và sức sống tiềm tàng của nhân vật
- Mặc dù ở thân phận nô lệ, tù đày, mặc dù nỗi buồn khổ, tủi nhục đã biến Mị thành một cái bóng lặng lẽ, âm thầm; nhưng trong con người Mị vẫn âm ỉ một khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc mãnh liệt. Bởi lẽ, Mị là cô gái ham sống, yêu đời, yêu tự do, khát khao hạnh phúc. Sức sống tiềm tàng mãnh liệt ở Mị dù có bị vùi dập đến kiệt cùng vẫn không lụi tắt. Sức sống ấy chỉ tạm thời bị phủ dưới lớp tro nguội lạnh để chờ cơ hội bùng lên cháy sáng.
- Trong đêm tình mùa xuân: Lúc đầu, Mị nghe tiếng sáo quen thuộc, Mị nhẩm theo bài hát, rồi Mị uống rượu và nhớ lại kỷ niệm đẹp thời tuổi trẻ... Mị ý thức được về bản thân và về cuộc đời rồi Mị muốn đi chơi. Sợi dây của A Sử chỉ có thể “trói” được thân xác Mị chứ không thể “trói” được tâm hồn của một cô gái đang hòa nhập với mùa xuân, với cuộc đời.
=> Đó là một đêm có ý nghĩa với Mị, là đêm cô thực sự sống cho riêng mình sau hàng ngàn đêm cô sống vật vờ như một cái xác không hồn, là một đêm cô vượt lên uy quyền và bạo lực đế sống theo tiếng gọi trái tim mình.
- Trong đêm mùa đông trên núi cao, Mị gặp A Phủ đang bị trói đứng chờ chết giữa trời giá rét. Lúc đầu, Mị vẫn thản nhiên thổi lửa hơ tay “Dù A Phủ là cái xác chết đứng đó cũng thế thôi”. Tưởng chừng như Mị đã chìm trong trạng thái sống gần như vô cảm, nhưng không phải vậy!
+ Đến một đêm, khi “Mị lé mắt trông sang, thấy hai mắt A Phủ cũng vừa mở, một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại”. Đó là dòng nước mắt của một kẻ nô lệ khi phải đối mặt với cái chết đến gần kề. Chính “dòng nước mắt lấp lánh ấy” đã làm tan chảy lớp băng giá lạnh trong lòng Mị. Mị chợt nhận ra người ấy giống mình về cảnh ngộ, mà những người cùng cảnh ngộ rất dễ cảm thông cho nhau. Mị nhớ lại những chuyện thật khủng khiếp lúc trước kia, “chúng nó bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước cũng ở trong cái nhà này”. Lý trí giúp Mị nhận ra “Chúng nó thật độc ác”.
+ Nghĩ về mình, Mị lại nghĩ đến A Phủ “có chừng này, chỉ đêm nay thôi là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết. Người kia việc gì mà phải chết như thế”. Chứng kiến “dòng nước mắt lấp lánh” của A Phủ, tâm trạng của Mị diễn biến phức tạp. Mị thông cảm với người cùng cảnh ngộ, Mị xót xa trước số phận của mình rồi Mị lại nghĩ đến A Phủ; sau đó Mị lại tưởng tượng đến cái cảnh mình bị trói đứng… Một loạt nét tâm lí ấy thúc đẩy Mị đến với hành động: dùng dao cắt dây cởi trói cho A Phủ. Không ai có thể ngờ rằng, người con dâu bất hạnh và câm lặng ấy lại đột ngột cắt nút dây cởi trói cho A Phủ rồi chạy trốn theo anh. Đây là hành động hoàn toàn không hề có sự chuẩn bị, tính toán từ trước.Đó là một việc làm táo bạo và hết sức nguy hiểm nhưng lại phù hợp với diễn biến tâm lí của Mị trong đêm mùa đông này.
=>Giá trị nhân đạo của tác phẩm tập trung nhất vào hành động Mị vùng lên và quyết định cắt dây cởi trói cho A Phủ.Đặt hành động Mị cắt dây cởi trói và chạy theo A Phủ trong toàn bộ mạch phát triển của câu chuyện và diễn biến tâm lý của nhân vật thì đây lại là một hành động tự nhiên, tất yếu, hợp quy luật. Bởi lẽ, Mị là cô gái ham sống, yêu đời, yêu tự do, khát khao hạnh phúc. Sức sống tiềm tàng mãnh liệt ở Mị dù có bị vùi dập đến kiệt cùng vẫn không lụi tắt. Mặt khác, Mị vốn là cô gái giàu tình thương, vị tha, biết nghĩ, biết hi sinh cho người khác. Hành động của Mị là kết quả tất yếu của sự bóc lột, đàn áp tàn nhẫn của cha con thống lí nói riêng, tầng lớp phong kiến miền núi cao Tây Bắc nói chung đối với những người lao động nghèo. Hành động ấy chứng tỏ sức phản kháng mãnh liệt, sức sống tiềm tàng và khát khao hạnh phúc luôn cháy bỏng, khả năng hướng về cách mạng một cách tự nhiên của người dân Tây Bắc. Hành động Mị cắt dây cởi trói cho A Phủ cũng chính là cắt dây cởi trói cho cuộc đời mình.
4. Chỉ ra con đường, lối thoát cho nhân vật
Nhờ sự nhận thức và khả năng dự đoán trước hiện thực, Tô Hoài đã chỉ ra được con đường giải quyết những bế tắc của số phận nhân vật. Mị cắt dây cởi trói cho A Phủ và cũng chính là cắt sợi dây cởi trói cuộc đời mình. Hai người trốn sang Phiềng Sa, gặp cán bộ cách mạng A Châu, đi theo cách mạng, bảo vệ và đấu tranh giải phóng quê hương.
ĐÁNH GIÁ CHUNG
- Đồng cảm với nối khổ của nhân vật, Tô Hoài đã dành cho Mị nói riêng và con người miền núi Tây Bắc nói chung những trang viết đầy nhân ái trước cảnh ngộ bi thiết và đầy phẫn nộ trước tội ác của những kẻ áp bức tham tàn. Hơn thế nữa, giá trị nhân đạo của tác phẩm còn thể hiện ở cái nhìn mới về Tây Bắc và con người Tây Bắc.
- Tác phẩm khép lại bằng cái nhìn lạc quan tin tưởng vào cuộc sống tốt đẹp cho những người bị áp bức.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Đề thi thử THPT QG môn Ngữ Văn Trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi - Hải Dương - Lần 2 - năm 2017 (có lời giải chi tiết)