Những cảm xúc và suy nghĩ của em về nhân vật Thúy...
Câu hỏi: Những cảm xúc và suy nghĩ của em về nhân vật Thúy Kiều qua văn bản “Kiều ở lầu Ngưng Bích” (Trích “Truyện Kiều” – Nguyễn Du, Ngữ văn 9, tập 1)
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
Phân tích, tổng hợp.
Giải chi tiết:
1. Mở bài: Giới thiệu vài nét về tác giả Nguyễn Du và nhân vật Thúy Kiều, xuất xứ nội dung đoạn trích.
2. Thân bài:
* Ở lầu Ngưng Bích, Kiều phải sống trong một hoàn cảnh éo le, cô đơn tội nghiệp
- Sau khi bị Mã Giám Sinh lừa gạt, bị Tú Bà ép tiếp khách làng chơi, Thúy Kiều đau đớn, tủi nhục tìm đến cái chết. Tú Bà sợ mất “cả vốn lẫn lời”, vội khuyên can, hứa hẹn gả nàng cho một người tử tế. Mụ đưa Kiều ra sống ở lầu Ngưng Bích, thực chất là giam lỏng nàng, tìm mưu thâm độc buộc nàng tiếp khách.
- Ở lầu Ngưng Bích, Kiều sống trơ trọi giữa không gian mênh mông hoang vắng, sớm làm bạn với trời mây, đêm làm bạn với ngọn đèn, thui thủi một mình một bóng “bốn bề… dặm kia…”. Nàng đã rơi vào hoàn cảnh cô đơn tuyệt đối.
* Nỗi nhớ người yêu và tấm lòng thủy chung, trong sáng của Kiều.
- Vượt lên trên những nỗi đau riêng, nàng nhớ đến Kim Trọng với nỗi nhớ thương day dứt.
- Kiều xót xa khi nghĩ giờ này chắc Kim Trọng vẫn đang mong chờ tin tức của nàng, đâu biết rằng nàng đang phải bán mình vào hang hùm miệng rắn, một mình bơ vơ nơi góc bể chân trời. Nàng nhớ về Kim Trọng với tâm trạng đau đớn xót xa.
- Gặp gia biến, Kiều phải bán mình chuộc cha rồi bị đọa đầy vào nơi sóng gió. Nhưng tận đáy lòng, nàng luôn tự giày vò mình đã không giữ được tình yêu chung thủy -> bằng chứng hùng hồn nhất cho tấm lòng thủy chung trong trắng của Kiều.
* Nỗi thương cha nhớ mẹ và tấm lòng hiếu thảo, nhân hậu.
- Bị đọa đầy cả về thể xác lẫn tinh thần nhưng trong lòng Kiều lúc nào cũng rưng rưng nỗi thương cha nhớ mẹ: nàng thương cha mẹ khi sáng khi chiều tựa cửa ngóng tin con, trông mong sự đỡ đần. Nàng xót xa lúc cha mẹ tuổi già sức yếu mà nàng không được tự tay chăm sóc. Thành ngữ “quạt nồng ấp lạnh”, điển cố “sân Lai”, “gốc tử” đều nói lên tâm trạng nhớ thương, tấm lòng hiếu thảo của Kiều. Nàng tưởng tượng cảnh đổi thay nơi quê nhà, cha mẹ ngày một thêm yếu. Kiều nhớ đến cha mẹ và ân hận mình đã phụ công sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ.
-> Trong cảnh ngộ ở lầu Ngưng Bích, Kiều là người đáng thương nhất, nhưng nàng đã quên cảnh ngộ bản thân để nghĩ về Kim Trọng, nghĩ về cha mẹ. Kiều không chỉ là một cô gái có tình yêu chung thủy, tâm hồn trong sáng mà còn là một người con hiếu thảo, một con người có tấm lòng nhân hậu, vị tha đáng trọng.
* Nỗi tự thương mình và dự cảm về tương lai bất hạnh
- Với ngòi bút hết sức tinh tế, Nguyễn Du diễn tả chính xác tâm trạng của Thúy Kiều: mỗi biểu hiện của cảnh chiều tà (cánh buồm thấp thoáng, hoa trôi man mác đến nội cỏ rầu rầu, tiếng sóng ầm ầm) đều thể hiện tâm trạng và cảnh ngộ của Kiều: sự cô đơn, thân phận lênh đênh vô định, nỗi buồn tha hương, lòng thương nhớ người yêu, cha mẹ và cả sự bàng hoàng lo sợ… Tất cả khung cảnh ấy như báo trước dông bão của số phận sẽ xô đẩy, vùi dập cuộc đời Kiều.
* Đặc sắc nghệ thuật
- Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình.
- Điệp ngữ “buồn trông” tạo âm hưởng trầm buồn đã trở thành điệp khúc của đoạn thơ cuối và cũng là điệp khúc của tâm trạng.
* Liên hệ mở rộng.
- Những cảm xúc và suy nghĩ riêng của em về nhân vật Thúy Kiều qua các đoạn trích đã học hoặc cảm nghĩ chung về số phận và phẩm chất của những người phụ nữ xưa và nay…
3. Kết bài:
- Khẳng định những nét phẩm chất đáng quý của Thúy Kiều: nhân hậu, vị tha, hiếu thảo cùng đức hy sinh cao thượng vì tình yêu, vì những người thân thiết…
- Sức sống của nhân vật trong lòng người đọc cũng như giá trị của tác phẩm Truyện Kiều.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Thi online_Đề thi giữa kì_đề 1_Có lời giải chi tiết