(5,0 điểm) Một trong những nét đặc sắc của bài...
Câu hỏi: (5,0 điểm) Một trong những nét đặc sắc của bài thơ “Sóng” (SGK Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục) là Xuân Quỳnh đã xây dựng hình tượng sóng thành một hình tượng nghệ thuật vừa quen thuộc lại vừa rất mới mẻ, độc đáo. Bằng cảm nhận về hình tượng sóng, anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
Giải chi tiết:
Những ý chính cần đạt:
1. KHÁI QUÁT: (0,5 điểm)
- Xuân Quỳnh là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ thơ trẻ thời chống Mĩ cứu nước. Thơ Xuân Quỳnh in đậm vẻ đẹp nữ tính, vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ nhiều trắc ẩn, hồn nhiên, chân thành, đằm thắm, da diết trong khát vọng đời thường.
- Bài thơ “Sóng” được sáng tác năm 1967, trong chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền (Thái Bình), là bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh. Trong bài thơ, tác giả đã xây dựng thành công hình tượng “sóng” với những vẻ đẹp vừa quen thuộc lại vừa mới mẻ, độc đáo.
2. TRÌNH BÀY CẢM NHẬN: (3,5 điểm)
2.1. Giải thích ý kiến: (0,5 điểm)
- “Xuân Quỳnh đã xây dựng hình tượng sóng thành một hình tượng nghệ thuật quen thuộc”: Hình tượng sóng thể hiện những vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ - vẻ đẹp có từ xưa, được bảo tồn trong cuộc sống hiện đại, trở thành nét đặc trưng về tinh thần, văn hóa của cộng đồng, dân tộc…
- “... rất mới mẻ, độc đáo”: Hình tượng sóng thể hiện những vẻ đẹp hiện đại của người phụ nữ thời nay, con người có đời sống văn hóa, tinh thần tự do, dân chủ, không bị ràng buộc bởi những hệ tư tưởng phong kiến.
- Hai vế của ý kiến đề bài đưa ra đều đúng, bổ sung cho nhau, hoàn thiện vẻ đẹp của hình tượng “sóng” mà Xuân Quỳnh muốn gửi gắm.
2.2. Trình bày cảm nhận: (3,0 điểm)
a. “Xuân Quỳnh đã xây dựng hình tượng sóng thành một hình tượng nghệ thuật quen thuộc” (1,5 điểm)
- Hình ảnh "sóng" là một ẩn dụ đặc sắc về người phụ nữ đang yêu. Sóng được nhân hóa, mang những nỗi niềm thao thức, không ngủ được vì thương nhớ bờ cũng như người phụ nữ luôn thường trực nỗi nhớ người yêu. Điệp khúc “con sóng” diễn tả những cung bậc cảm xúc liên tục trào dâng mỗi lúc một mãnh liệt. Nỗi nhớ của con sóng tràn ngập không gian: “dưới lòng sâu”, “trên mặt nước”, thời gian: ngày, đêm; cả ý thức lẫn vô thức: “cả trong mơ còn thức” -> Nỗi nhớ trong tình yêu là cảm xúc quen thuộc, không thể thiếu.
- Từ ngữ “ngày xưa”, “ngày sau” thể hiện sự bất diệt của con sóng. Từ sự bất diệt của sóng, Xuân Quỳnh nghĩ đến sự bất diệt, thủy chung son sắt của tình yêu muôn đời.
- Con sóng, dù muôn vàn cách trở rồi cuối cùng cũng đến được bờ, “em”- trên hành trình đi tìm hạnh phúc cho dù lắm chông gai nhưng vẫn tin tưởng sẽ đến được bến bờ hạnh phúc "Cuộc đời tuy dài thế/ Năm tháng vẫn đi qua/ Như biển kia dẫu rộng/ Mây vẫn bay về xa"
b. “…rất mới mẻ, độc đáo”: (1,5 điểm)
- Sóng được nhân hóa trở thành một con người có cảm xúc yêu thương. Con sóng tưởng chừng như đơn giản nhưng hóa ra lại rất phức tạp. Nó chứa đựng những tình cảm tưởng chừng như mâu thuẫn với nhau: “dữ dội”-“dịu êm”, “ồn ào”-“lặng lẽ”, giống như tâm lí phong phú, đa dạng, luôn chứa đựng những biến động, thao thức thất thường, vừa nồng nàn, táo bạo, tha thiết, vừa tỉnh táo, đắm say của người con gái khi yêu.
- Con sóng mang những khát vọng thật đẹp đẽ, mơ tới chân trời cao rộng – “bể”, thoát khỏi giới hạn chật chội, tù túng -“sông”. Cũng giống như vậy, “em”trong tình yêu không cam chịu, nhẫn nhục mà luôn chủ động, khao khát kiếm tìm một tình yêu mãnh liệt, đồng cảm, bao dung: "Sông không hiểu nổi mình/ Sóng tìm ra tận bể".
- Xuân Quỳnh mơ ước được “tan ra” thành “trăm con sóng nhỏ” giữa biển lớn tình yêu, quên mình, hi sinh cho người mình yêu và cho tình yêu của mình, dám sống hết mình cho tình yêu, hòa nhập tình yêu cá nhân vào tình yêu rộng lớn của cuộc đời "Làm sao được tan ra/ Thành trăm con sóng nhỏ/ Giữa biển lớn tình yêu/ Để ngàn năm còn vỗ"
3. BÌNH LUẬN, ĐÁNH GIÁ: (1,0 điểm)
- Bài thơ có âm hưởng vừa dạt dào, sôi nổi, vừa êm dịu, lắng sâu. Kết cấu song trùng hai hình tượng “sóng” và "em" giúp người phụ nữ biểu hiện vẻ đẹp tâm hồn và những quan niệm về tình yêu vừa mới mẻ, hiện đại, vừa sâu sắc, mang tính truyền thống. Ngôn ngữ giản dị, trong sáng, cách ngắt nhịp linh hoạt, nghệ thuật so sánh, nhân hóa, ẩn dụ được sử dụng sáng tạo, tài hoa.
- Hai vế của ý kiến đều đúng, thể hiện những vẻ đẹp , những khía cạnh khác nhau của hình tượng nghệ thuật “sóng” cũng như của tâm hồn người phụ nữ khi yêu, thể hiện rõ những quan niệm mang tính mới mẻ, hiện đại, thậm chí táo bạo, chân thực, mãnh liệt, nồng nàn, đắm say của Xuân Quỳnh về tình yêu. Nhưng mặt khác, quan niệm về tình yêu của Xuân Quỳnh có cốt rễ sâu xa trong tâm thức dân tộc vì thế thơ Xuân Quỳnh nói chung và bài thơ “Sóng” nói riêng tạo sự đồng điệu trong nhiều thế hệ độc giả.
- Hai vế của ý kiến không đối lập mà bổ sung cho nhau, giúp người đọc cảm nhận bài thơ ở cả bề mặt, chiều sâu và có những phát hiện thú vị, mới mẻ trong mĩ cảm. "Sóng" xứng đáng là một trong những bài thơ tình hay nhất của Xuân Quỳnh nói riêng và thơ ca hiện đại Việt Nam nói chung.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Đề thi thử THPT QG lần 3 môn Ngữ văn Trường THPT Chuyên - ĐH Sư phạm Hà Nội - 2014.2015