(5 điểm)Bàn về nhân vật cụ Tứ trong truyện ngắn Vợ...
Câu hỏi: (5 điểm)Bàn về nhân vật cụ Tứ trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân, có ý kiến cho rằng: Bà là hiện thân cho những kiếp người nông dân nghèo khổ, bất hạnh. Song ý kiến khác lại nhấn mạnh: Bà là người mẹ giàu lòng nhân hậu và niềm tin vào cuộc sống.Từ việc cảm nhận về nhân vật cụ Tứ, anh(chị) hãy bình luận hai ý kiến trên.
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
Giải chi tiết:
Trên những cơ sở hiểu biết về nhà văn Kim Lân và truyện ngắn “Vợ nhặt” (chủ yếu phần trích trong Ngữ văn 12, tập hai), thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách, nhưng cần làm rõ được các ý cơ bản sau:
1. KHÁI QUÁT (0.5 điểm)
- Khái quát về tác giả, tác phẩm:
+ Kim Lân là cây bút truyện ngắn tài năng. Ông là một trong những nhà văn tiêu biểu của văn xuôi hiện đại Việt Nam, nhất là ở mảng đề tài nông thôn và hình tượng người nông dân trước Cách mạng.
+ "Vợ nhặt" là một truyện ngắn xuất sắc của Kim Lân, được rút từ tập "Con chó xấu xí". Tác phẩm vừa là bức tranh chân thực về nạn đói khủng khiếp năm 1945, vừa là bài ca cảm động về tình người và tình mẫu tử. Đồng thời cũng nhen nhóm lên khát vọng sống và niềm tin vào tương lai.
- Cảm nhận chung về nhân vật bà cụ Tứ: Là người phụ nữ nông dân nghèo nhưng nhân hậu, bao dung và là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho các con.
2. GIẢI THÍCH Ý KIẾN: (0.5 điểm)
- Cụ Tứ là hiện thân cho những kiếp người nông dân nghèo khổ, bất hạnh: ý kiến này là sự đánh giá về cuộc đời nghèo khó, cơ cực, lam lũ, bất hạnh và thân phận khổ đau, thấp hèn của cụ Tứ. Cuộc đời và thân phận của bà chính là hiện thân cho biết bao cuộc đời của người mẹ nông dân nghèo trong xã hội cũ.
- Cụ Tứ là một người mẹ giàu lòng nhân hậu và niềm tin vào cuộc sống: ý kiến này là sự đánh giá về những vẻ đẹp trong tâm hồn của cụ Tứ. Mặc dù sống cuộc đời nghèo khổ, bất hạnh nhưng ở người mẹ nông dân ấy vẫn chan chứa một tấm lòng vị tha, nhân hậu và không bao giờ cạn kiệt niềm tin vào cuộc sống.
3. CẢM NHẬN VỀ NHÂN VẬT BÀ CỤ TỨ: (3.5 điểm)
a. Bà cụ Tứ là một người phụ nữ nghèo khổ, bất hạnh: (1.0 điểm)
- Dáng hình : "lọng khọng", "gầy gò". Dường như cái đói nghèo, cực khổ đã in hằn lên dáng dấp, hình hài của cụ.
- Cảnh ngộ: bà lão nghèo khổ, già nua lại cô đơn vì chồng và con gái út đã chết, đứa con trai đã lớn tuổi nhưng vì nghèo khổ, thô kệch, lại là dân ngụ cư nên không lấy được vợ.
- Cuộc sống đói khổ, cơ cực:
+ Nghèo khó, cả đời không lo nổi vợ cho con. Khi con lấy vợ, cụ cũng không thể làm nổi dăm ba mâm để cúng tổ tiên, mời họ hàng, làng xóm.
+ Bữa sáng đầu tiên đón cô con dâu mới chỉ một lùm rau chuối thái rồi và nồi cháo cám đắng chát.
=> Cụ Tứ chính là hiện thân cho những kiếp người nông dân nghèo khổ, bất hạnh.
b. Bà cụ Tứ là người mẹ giàu lòng nhân hậu và niềm tin và cuộc sống : (2.0 điểm)
* Vẻ đẹp ở tấm lòng nhân hậu, bao dung: (1.0 điểm)
Dù người mẹ già ấy có thân phận, hoàn cảnh sống nghèo khó nhưng trong lòng vẫn luôn chan chứa tình yêu thương dành cho các con, có những ứng xử chân thành, đầy tình nghĩa đối với cả con trai và con dâu:
- Vượt qua những nghi lễ thông thường, bà cụ đồng ý cho người đàn bà xa lạ làm con dâu mình và còn thấy thương xót, thấu hiểu cho hoàn cảnh của người đàn bà ấy.
- Bà nói chuyện với con dâu nhẹ nhàng, từ tốn, nhìn con dâu với tình cảm xót thương trào dâng: "Chúng mày lấy nhau lúc này u thương quá".
- Bà day dứt vì không làm tròn bổn phận của người mẹ với con.
- Bà vui mừng vì các con mình được yên bề gia thất " Các con... u cũng mừng lòng"
...
=> Đó là một người mẹ nhân hậu, bao dung.
* Vẻ đẹp ở tâm hồn giàu niềm tin và hi vọng - điểm tựa tinh thần cho các con: (1.0 điểm)
Người mẹ nghèo ấy trong mọi hoàn cảnh dù khắc nghiệt nhất, đáng buồn tủi nhất vẫn cố gắng xua tan những buồn lo để vui sống, khơi lên ngọn lửa niềm tin và hi vọng cho con cái, trở thành chỗ dựa tinh thần vững chãi cho các con:
- Trong ý nghĩ: bà vui với triết lí dân gian giản dị mà sâu sắc: "Ai giàu ba họ, ai khó ba đời"
- Trong lời nói: Bà nói toàn chuyện vui, chuyện sung sướng sau này: " Tràng ạ, khi nào...đàn gà cho mà xem".
- Trong hành động:
+ Cùng con dâu thu dọn nhà cửa, quét dọn sân vườn cho sạch sẽ.
+ Nấu một nồi cháo cám bổ sung vào bữa ăn ngày đói như để ăn mừng nhân ngày con trai lấy được vợ.
=> Bà cụ Tứ tuy đã gần đất xa trời, cuộc sống nghèo khổ, cơ cực nhưng vẫn luôn giữ vững niềm tin vào cuộc sống.
4. BÌNH LUẬN CÁC Ý KIẾN: (0.5 điểm)
- Hai ý kiến trên là hai cách đánh giá, cảm nhận khác nhau về cụ Tứ:
+ Ý kiến thứ nhất: Xuất phát từ số phận, cuộc đời của nhân vật.
+ Ý kiến thứ hai: Xuất phát từ vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật.
- Cả hai ý kiến đều đúng, giúp người đọc có một cái nhìn toàn diện về số phận, cuộc đời và vẻ đẹp tâm hồn của cụ Tứ. Mặc dù cuộc đời cơ cực, tăm tối, bị nạn đói dồn đẩy đến chỗ khốn cùng nhất nhưng ở người mẹ nông dân ấy vẫn ngời sáng vẻ đẹp của tình mẫu tử, vẫn chan chứa tình thương yêu đối với những mảnh đời tội nghiệp. Bà đã cố gắng xua đi nỗi ám ảnh đen tối, đáng sợ của nạn đói để nhen nhóm, để thắp lên ngọn lửa niềm tin, niềm hi vọng cho các con, giúp các con có thêm sức mạnh tinh thần để có thể trụ vững được bên bờ vực thẳm của cái đói, cái chết. Đằng sau cái thân hình già nua, còm cõi, gầy guộc tàn tạ vì đói khát, ở người mẹ ấy vẫn nung nấu một ý chí, một khát vọng sống và một niềm tin mãnh liệt.
5. ĐÁNH GIÁ CHUNG: (0.5 điểm)
- Bằng tài năng xây dựng tình huống truyện độc đáo, bất ngờ, éo le; miêu tả iễn biến tâm lí nhân vật tinh tế, sắc sảo, Kim Lân đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật bà cụ Tứ - điển hình cho những người ông dân nghèo khổ mà nhân hậu, lạc quan.
- Nhân vật này góp phần vào việc thể hiện tình cảm nhân đạo của tác phẩm. Nhà văn đã giúp người đọc thấu hiểu: dù hoàn cảnh bi thảm đến đâu con người vẫn giữ được phẩm chất đẹp đẽ và luôn hướng về ánh sáng, sự sống.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Đề thi thử THPT QG lần 1 môn Ngữ văn Trường THPT chuyên Sơn Tây - Hà Nội - 2014.2015