(5 điểm)Cảm nhận của em về cuộc g...
Câu hỏi: (5 điểm)Cảm nhận của em về cuộc gặp gỡ giữa người và trăng trong đoạn thơ sau:Thình lình đèn điện tắtPhòng buyn-đinh tối omVội bật tung cửa sổĐột ngột vầg trăng tròn Ngửa mặt lên nhìn mặt Có cái gì rừng rưng Như là đồng là bểNhư là sông là rừng Trăng cứ tròn vành vạch Kể chi người vô tìnhÁnh trăng im phăng phắcĐủ cho ta giật mình.
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
phân tích, tổng hợp
Giải chi tiết:
1/ Giới thiệu chung:
- Giới thiệu nhà thơ Nguyễn Duy, nhà thơ quân đội, đã được giải nhất cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ 1972 – 1973, một gương mặt tiêu biểu cho lớp nhà thơ trẻ thời chống Mĩ cứu nước.
- Tập thơ Ánh Trăng của ông được tặng giải A của Hội Nhà Văn Việt Namnăm 1984. Trong đó, có bài thơ mà tựa đề dùng làm nhan đề cho cả tập thơ : Ánh Trăng. Bài thơ là một câu chuyện riêng nhưng có ý nghĩa triết lý như một lời tự nhắc nhở thấm thía của nhà thơ về lối sống nghĩa tình, thủy chung với quá khứ gian lao, với thiên nhiên, đất nước và đồng đội.
2/ Trình bày cảm nhận:
a/ Nội dung:
- Trăng và con người đã gặp nhau trong một giây phút tình cờ: "đột ngột"
+ Vầng trăng xuất hiện vẫn một tình cảm tràn đầy, không mảy may sứt mẻ.
+ “Trăng tròn”, hình ảnh thơ khá hay, tình cảm trọn vẹn, chung thuỷ như năm xưa.
+ Tư thế “ngửa mặt lên nhìn mặt” là tư thế đối mặt: “mặt” ở đây chính là vầng trăng tròn (nhân hoá). Con người thấy mặt trăng là thấy được người bạn tri kỉ ngày nào. Cách viết thật lạ và sâu sắc!
- Ánh trăng đã thức dậy những kỉ niệm quá khứ tốt đẹp, đánh thức lại tình cảm bạn bè năm xưa, đánh thức lại những gì con người đã lãng quên.
+ Cảm xúc “rưng rưng” là biểu thị của một tâm hồn đang rung động, xao xuyến, gợi nhớ gợi thương khi gặp lại bạn tri kỉ.
+ Nhịp thơ hối hả dâng trào như tình người dào dạt. Niềm hạnh phúc của nhà thơ như đang được sống lại một giấc chiêm bao.
- Ánh trăng hiện lên đáng giá biết bao, cao thượng vị tha biết chừng nào:
“Trăng cứ tròn vành vạnh
...
Đủ cho ta giật mình”
+ Trăng tròn vành vạnh là hiện diện cho quá khứ đẹp đẽ không thể phai mờ. Ánh trăng chính là người bạn nghĩa tình mà nghiêm khắc nhắc nhở nhà thơ và cả mỗi chúng ta: con người có thể vô tình, có thể lãng quên nhưng thiên nhiên, nghĩa tình quá khứ thì luôn tròn đầy, bất diệt.
+“Giật mình” là cảm giác và phản xạ tâm lí có thật của một người biết suy nghĩ, chợt nhận ra sự vô tình, bạc bẽo, sự nông nổi trong cách sống của mình. Cái “giật mình” của sự ăn năn, tự trách, tự thấy phải đổi thay trong cách sống. Cái “giật mình” tự nhắc nhở bản thân không bao giờ được làm người phản bội quá khứ, phản bội thiên nhiên, sùng bái hiện tại mà coi rẻ thiên nhiên.
=> Câu thơ thầm nhắc nhở chính mình và cũng đồng thời nhắc nhở chúng ta, những người đang sống trong hoà bình, hưởng những tiện nghi hiện đại, đừng bao giờ quên công sức đấu tranh cách mạng của biết bao người đi trước.
b/ Nghệ thuật:
- Thể thơ ngũ ngôn với nhiều sáng tạo độc đáo.
- Sự kết hợp hài hòa giữa chất tự sự và trữ tình.
- Ngôn ngữ, hình ảnh giản dị, gần gũi mà giàu sức gợi; biện pháp tu từ nhân hóa được sử dụng hiệu quả.
- Giọng điệu tâm tình thấm thía, khi thì thiết tha cảm xúc, lúc lại trầm lắng, suy tư.
3/ Đánh giá:
- Đoạn thơ gợi cho ta nhiều suy ngẫm sâu sắc về cách sống, cách làm người, truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, ân nghĩa thủy chung cùng quá khứ.
- Thể hiện đặc trưng phong cách của Nguyễn Duy – rất giản dị nhưng mang triết lí sâu xa.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Đề thi vào 10 môn Ngữ văn - Sở GD&ĐT Lạng Sơn năm 2014