Nêu suy nghĩ của em về nhân vật Trương...
Câu hỏi: Nêu suy nghĩ của em về nhân vật Trương Sinh.
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
căn cứ nội dung văn bản
Giải chi tiết:
1. Trương Sinh là “con nhà hào phú, nhưng không có học”. Trương lấy Vũ Nương nào phải là tình yêu, mà chỉ là “mến vì dung hạnh, xin với mẹ đem trăm lạng vàng cưới về”. Mầm mống bi kịch của Vũ Nương có lẽ đã bắt đầu từ những yếu tố này. Cuộc hôn nhân vốn đã không bình đẳng giữa nam và nữ, lại thêm sự cách bức giàu nghèo : Vũ Nương “vốn con kẻ khó”, lấy Trương Sinh là “được nương tựa nhà giàu”. Vũ Nương sẽ là nạn nhân của một chế độ đầy bất công.
2. Trong đời sống vợ chồng, Trương là người chồng “có tính đa nghi, đối với vợ phòng ngừa quá sức”.
3. Hết chiến tranh, Trương Sinh trở về và đối diện với nỗi mất mát : mẹ già thương nhớ con nên sinh bệnh và đã qua đời.
Trong hoàn cảnh và tâm trạng như thế, tính tình chàng càng dễ bị kích động. Lời nói ngây thơ của con trẻ đã kích động tính ghen tuông của Trương. Tác giả đã xây dựng đoạn truyện này bằng những chi tiết đầy kịch tính. Chàng bế con, “đứa trẻ không chịu, ra đến đồng, nó quấy khóc”. Chàng dỗ dành, đứa con ngây thơ nói “Ô hay ! Thế ra ông cũng là cha tôi ư ? Ông lại biết nói, chứ không như cha tôi trước kia chỉ nín thin thít”. Lời nói được tách ra thành hai phần, phần sau thông tin càng “ghê gớm” hơn phần trước. Làm sao Trương Sinh khỏi bàng hoàng khi biết đứa trẻ có những hai người cha, người cha – Trương Sinh biết nói còn người cha trước kia “chỉ nín thin thít” ? Sau đó lại thêm những thông tin : “một người đàn ông, đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả”. Tục ngữ có câu : “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”, trẻ con bao giờ cũng nói thật. Những lời nói ngây thơ của đứa con khiến người ta không thể không nghĩ đến cảnh tượng của một đôi gian phu dâm phụ, huống chi là Trương Sinh : “Tính chàng hay ghen, nghe con nói vậy, đinh ninh là vợ hư, mối nghi ngờ ngày càng sâu, không có gì gỡ ra được”. (Cách dẫn dắt tình tiết như vậy là rất chân thực và khéo léo.)
Tuy nhiên, điều đáng trách là cách xử sự của Trương Sinh. Con người ít học này đã hành động một cách quá nông nổi và hồ đồ. Không cần hỏi đến vợ nửa lời, vừa về đến nhà, chàng đã “la um lên cho hả giận”. Chàng không còn bĩnh tĩnh để phân tích, phán đoán, mặc kệ những lời phân trần của Vũ Nương, rồi “họ hàng làng xóm bênh vực và biện bạch cho nàng, cũng chẳng ăn thua gì”. Cách duy nhất để làm sáng tỏ mọi chuyện là giải quyết chính cái nguyên nhân gây xung đột : kể lại câu chuyện của đứa trẻ. Nhưng điều tệ hại nhất là chàng cũng không cho nàng cơ hội để minh oan khi nhất quyết “giấu không kể lời con nói”. Trương Sinh từ một người chồng độc đoán, ghen tuông mù quáng, đã trở thành một kẻ vũ phu, thô bạo : “mắng nhiếc nàng, và đánh đuổi đi”. Hàng động ấy đã bức tử Vũ Nương, đã buộc người phụ nữ đáng thương ấy phải chết một cách bi thảm. Đáng giận hơn nữa là cái chết của Vũ Nương vẫn không thể làm cho Trương tỉnh ngộ để tin nàng trong sạch. Chàng vẫn “giận là nàng thất tiết” và chỉ “động lòng thương”.
=> Nhân vật Trương Sinh là hiện thân của chế độ phụ quyền phong kiến bất công. Sự độc đoán, chuyên quyền đã làm tê liệt lí trí, đã giết chết tình người và dẫn đến bi kịch.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Thi online_Chuyện người con gái Nam Xương (Đề 3) - Có lời giải chi tiết