( 5 điểm)“ Đây là bút kí dài nhất và tâm huyết nhấ...
Câu hỏi: ( 5 điểm)“ Đây là bút kí dài nhất và tâm huyết nhất của tôi về Huế. Tôi đã mang cả tâm huyết vẽ lên một dòng sông y như nó vốn có. Dòng sông của văn hóa, lịch sử, huyền thoại”.Anh (chị) hãy phân tích hính tượng sông Hương trong tùy bút “ Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường để chứng minh tác giả đã hiện thực hóa thành công ý đồ nghệ thuật trên?
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
Giải chi tiết:
Về hình thức và kĩ năng: thí sinh cần xác định đây là kiểu bài nghị luận văn học để triển khai bài làm đúng kiểu văn bản. Bài làm phải nắm vững kiến thức về tác phẩm, hình tượng tác phẩm. Kết cấu bài viết khoa học, mạch lạc. Diễn đạt trôi chảy, lập luận chặt chẽ, có cảm xúc, bài viết giàu chất văn.
Về nội dung: Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, tuy nhiên, bài làm cần đạt được những ý cơ bản sau:
1. Vài nét về tác giả, tác phẩm (0.5 điểm)
- Hoàng Phủ Ngọc Tường là một trong những cây bút kí tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại. Với thể loại kí, Hoàng Phủ Ngọc Tường thể hiện trên từng trang văn vốn kiến thức uyên bác và cách viết tài hoa.
- “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Tác phẩm ca ngợi vẻ đẹp của sông Hương, thiên nhiên và con người xứ Huế với những trang văn “vừa giàu chất trí tuệ, vừa giàu chất thơ, nội dung thông tin về văn hóa lịch sử rất phong phú”.
2. Giải thích ý kiến (0.5 điểm)
- Lời phát biểu là những chia sẻ của nhà văn về một trong những bút ký tâm huyết nhất của ông. Qua đó, ta hiểu ý đồ nghệ thuật của Hoàng Phủ Ngọc tường trong tác phẩm này. Tùy bút “Ai đã đặt tên cho dòng sông” đã thực hiện hóa thành công ý đồ ấy.
- Trong tùy bút, nhà văn đã “vẽ nên một dòng sông y như nó vốn có” nghĩa là khám phá vẻ đẹp từ góc độ tự nhiên. Không những thế sông Hương còn là "dòng sông của văn hóa, lịch sử, huyền thoại".
3. Chứng minh, phân tích (3,0 điểm)
* Sông Hương được khám phá từ góc độ tự nhiên: (1,5 điểm)
- Ở thượng nguồn, sông Hương giống như một bản trường ca của rừng già với những tiết tấu đa dạng khi thì “rầm rộ, mãnh liệt”, lúc lại “ dịu dàng, đắm say”. “ Giữa lòng Trường Sơn, sông Hương đã sống một nửa cuộc đời… như một cô gái Digan phóng khoáng và man dại”
- Ra khỏi rừng, “ sông Hương nhanh chóng mang một vẻ đẹp dịu dàng và trí tuệ”, nó chẳng khác nào người con gái đẹp “ nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng châu hóa đầy hoa dại”. Hành trình về thành phố của sông Hương thật dài, nhiều khúc quanh, ngã rẽ. Vẻ đẹp của sông Hương được miêu tả như một bức tranh đầy màu sắc “ sớm xanh, trưa vàng, chiều tím”
- Đoạn miêu tả sông Hương khi chảy vào lòng thành phố thực sự là một đoạn tuyệt bút. Với cảm nhận tinh tế và một ngòi bút tài hoa, ông đã miêu tả con sông như một mỹ nhân, một tình nhân. Đường cong làm cho con sông mềm hẳn đi “ như một tiếng vẳng không nói ra của tình yêu”, điệu chạy lặng lờ của nó là “ điệu Slow tình cảm dành riêng cho Huế”. Khi sông Hương đột ngột đổi dòng để gặp lại thành phố, nhà văn gọi nó “ là nỗi vấn vương, cả một chút lẳng lơ kín đáo của tình yêu”.
* Sông Hương được khám phá từ vẻ đẹp huyền thoại: là một “ dòng sông của văn hóa, lịch sử, huyền thoại” (1,5 điểm)
-“ Sông Hương đã sống những thế kỉ vinh quang với nhiệm vụ lịch sử của nó” . Bằng một lối điểm sử vừa ngẫu hứng, vừa tài hoa đậm màu sắc tùy bút, tác giả đã chỉ ra sự song hành của sông Hương với lịch sử thành phố Huế nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Sông Hương “ là dòng sông của thời gian ngân vang, của sử thi viết giữa màu cỏ xanh biếc”
- “ Có một dòng thi ca về sông Hương”, dòng sông ấy không bao giờ tự lặp lại mình. Tác gỉa thiên tùy bút đã tổng kết một cách ngắn gọn và phóng túng những vẻ đẹp khác nhau của sông Hương qua “ cái nhìn tinh tế của Tản Đà”: trong “ khí phách của Cao Bá Quát” và qua thơ Bà Huyện Thanh Quan, Tố Hữu, Nguyễn Du.
- Trong tình yêu và cảm nhận rất riêng của Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương còn là “ một người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya” ; nhà văn khẳng định “ toàn bộ nền âm nhạc cổ điển Huế đã được sinh thành trên mặt nướ của dòng sông này” Như vậy, sông Hương là cội nguồn cảm hứng cho thơ và nhạc.
- Có rất nhiều huyền thoại về sông Hương nhưng Hoàng Phủ Ngọc Tường đã chia sẻ ông tâm đắc nhất với huyền thoại kể rằng: người dân hai bờ sông Hương đã nấu nước của trăm loài hoa đổ xuống dòng sông cho làn nước thơm tho mãi. Một huyền thoại thật đẹp, thật lung linnh, đậm chất lãng mạn,…
3. Đánh giá (1,0 điểm)
- Sông Hương vốn đã đẹp lại càng đẹp hơn khi nó được cảm nhận bởi một cái tôi uyên bác, tinh tế, tài hoa. Thiên tùy bút có mạch văn phong túng đầy ngẫu hứng, đấm chất trữ tình. Trí tưởng tượng phong phú, khả năng liên tưởng giàu có của tác giả khiến cho con sông hiện lên với những vẻ đẹp đa dạng, phong phú đầy biến hóa thông qua những so sánh, liên tưởng, ví von sáng tạo, bất ngờ… Tác phẩm thực sự là một huyền thoại về một dòng sông - một huyền thoại được viết nên bởi tình yêu, sự am hiểu về Huế và một ngòi bút tài hoa hiếm có.
- Ai đã đặt tên cho dòng sông” là một trong những tùy bút hay nhất, in đậm dấu ấn phong cách Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Đề thi thử THPT QG lần 2 môn Ngữ văn - Trường THPT Chuyên - ĐH Sư phạm Hà Nội - 2014.2015