(5 điểm) Cách cảm nhận v...
Câu hỏi: (5 điểm) Cách cảm nhận và lí giải độc đáo, sâu sắc của Nguyễn Khoa Điềm về cội nguồn và quá trình sinh thành của đất nước qua đoạn thơ:Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi Đất Nước có trong những cái "ngày xửa ngày xưa..." mẹ thường hay kể Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn Đất Nước lớn lên khi dân mình biết tròng tre mà đánh giặc Tóc mẹ thì bới sau đầu Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn Cái kèo, cái cột thành tên Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng Đất Nước có từ ngày đó... (Đất Nước- Trích “Mặt đường khát vọng – Nguyễn Khoa Điềm)
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
Giải chi tiết:
Nghị luận xã hội
2.1: Giới thiệu chung
- Nguyễn Khoa Điềm là nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Thơ Nguyễn Khoa Điềm giàu chất suy tư, xúc cảm lắng đọng, dồn nén, thể hiện tâm tư của người trí thức tham gia tích cực vào cuộc chiến đấu của nhân dân.
- “Đất Nước” được sáng tác năm 1971, tại chiến khu Bình Trị Thiên, nhằm cổ vũ tuổi trẻ miền Nam tham gia kháng chiến chống Mỹ.
- Đoạn trích là 9 câu thơ đầu tiên, thể hiện trăn trở của tác giả về cội nguồn đất nước.
2. Phân tích
a. Giới thiệu khái quát
- Nguyễn Khoa Điềm đa chọn cho chương V một hình thức trữ tình độc đáo, mượn hình thức trò chuyện ân tình của lứa đôi vốn để trao đổi tình cảm cá nhân, để gửi gắm những tình cảm chung, lớn lao, thiêng liêng, đó là tình yêu đất nước. Nói cách khác, người viết đã dùng cái vỏ trữ tình riêng tư để chuyển tải những tình cảm của thời đại. Bởi thế, ngay từ những dòng mở đầu, người đọc đã bị cuốn vào một điệu tha thiết, đằm thắm, cùng một giọng thơ nhỏ nhẹ, tâm tình.
- Hình thức trữ tình diễn tả một khám phá độc đáo, sâu sắc về đất nước. Đó là đất nước được hình thành trongc chiều dài lịch sử. Cả đoạn thơ, người đọc thấy xuất hiện một chuỗi ngôn từ được sắp xếp theo trình tự đầy dụng ý nhưng vẫn rất tự nhiên. Chuỗi ngôn từ đó được sắp xếp theo sự vận động của thời gian, nó cho thấy đất nước được hình thành từ rất xa xưa.
b. Phân tích những cảm nhận và lí giải về cội nguồn và quá trình sinh thành của đất nước
- Đất nước lớn lên cùng dòng chảy lịch sử, gắn liền với dòng chảy thời gian của vũ trụ. Cách cấu trúc ngôn từ của hai dòng thơ “Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn – Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc” được viết song song đã khái quát được chính xác và tinh tế lịch sử phát triển của đất nước gắn với hai đặc thù cơ bản: đất nước khởi nguồn từ những nền tảng văn hóa (miếng trầu), đất nước lớn lên, trưởng thành qua những cuộc chiến đấu chống ngoại xâm (đánh giặc). Đặt hai câu thơ trong hệ thống sáng tác cùng đề tài, ta thấy có sự gặp gỡ khi viết về đất nước giữa Nguyễn Khoa Điềm, Trần Mạnh Hảo và Huy Cận. Bởi các nhà thơ đều nhìn nhận lịch sử đất nước, lịch sử dân tộc trong hai đặc điểm cơ bản như thế. Chỉ có điều, mỗi nhà thơ, bằng những sáng tạo của mình lại có cách diễn đạt riêng. Huy Cận khái quát lịch sử dân tộc bằng những hình ảnh thơ giàu chất suy tưởng:
Sống vững chãi bốn nghìn năm sừng sững
Lưng đeo gươm, tauy mềm mại bút hoa
Trong và thực sáng hai bờ suy tưởng
Sống hiên ngang mà nhân ái chan hòa
(Đi trên mảnh đất này – Huy Cận)
Còn Trần Mạnh Hảo lại thể hiện nhận thức riêng về lịch sử đất nước bằng một biểu tượng giàu chất thơ “Lịch sử thành văn trên mình ngựa. Nguyễn Khoa Điềm chọn lời trò chuyện tâm tình đời thường nhưng vẫn sâu sắc.
- Biểu thức diễn đạt đầy nghịch lí “Đất Nước bắt đầu bằng miếng trầu bây giờ bà ăn”. Đất nước là một khái niệm trừu tượng, vô hình, thiêng liêng, lại bắt đầu từ miếng trầu hữu hình, bình dị, cụ thể, gần gũi, thân thuộc. Đất nước hình thành từ quá khứ xa xưa vậy mà lại hiện hữu trong thực tại hôm nay. Cách nói nghịch lí đã giúp tác giả khái quát được nôi dung trữ tình có ý nghĩa triết học, nhân sinh và có giá trị nhận thức sâu sắc: hóa ra trong cái nhỏ nhoi bình thường như miếng trầu lại chứa đựng những cái vô cùng lớn lao, thiêng liêng. Quá khứ không mất đi mà nó luôn tồn tại, hiện hữu trong hiện tại và tương lai. Cách diễn đạt nghịch lí này dường như trở thành đặc trưng thi pháp của thơ ca hiện đại Việt Nam nói chung, của thơ trữ tình chính trị nói riêng.
- “Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc”: nhà thơ không chỉ khám phá đất nước ở chiều dài lịch sử mà còn khám phá ở truyền thống đánh giặc ngoại xâm . Qua các cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm, đất nước lớn lên và trưởng thành.
- Đoạn thơ xuất hiện nhiều chất liệu văn hóa, văn học dân gian: miếng trầu, tóc búi sau đầu, gừng cay muối mặn. Những dòng thơ được viết theo thể tự do, giàu nhạc tính, nhạc điệu. Nhạc tính, nhạc điệu hình thành từ những điệu tâm hồn của người viết.
- Ý thơ “cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn” là vận dụng sáng tạo câu ca dao “Tay nâng chén muối đĩa gừng – Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”.
- Việt Nam là nước có nền văn minh lúa nước nên lời thơ đã nhắc đến hạt gạo với bao thương cảm “hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, dần, sàng”. Mượn cách nói dân gian, nhà thơ đã diễn đạt chính xác một đặc trưng trong cuộc sống lao động của người dân Việt nghèo khổ: cần cù, chịu thương chịu khó, chắt chiu từng thành quả lao động của chính mình.
c. Đánh giá, mở rộng
- Nguyễn Khoa Điềm đã có những cảm nhận mới mẻ về đất nước, đất nước không xa lạ mà thật gần gũi, bình dị. Đất nước có trong thói quen búi tóc của mẹ, trong tình nghĩa sâu nặng vợ chồng, trong ngôi nhà ấm áp, trong hạt gạo trắng ngần, trong sự hình thành ngôn ngữ dân tộc. Lời thơ nhắc ta về truyền thuyết Thánh Gióng. Hình ảnh cậu bé làng Gióng vươn vai thành tráng sĩ đánh đuổi giặc Ân ra khỏi bờ cõi là hình ảnh biểu tượng cho sức mạnh quật khởi của đất nước trong suốt hơn 4000 năm lịch sử.
- 9 câu thơ là những phát hiện mới mẻ của Nguyễn Khoa Điềm về đất nước. Những câu thơ có sức liên tưởng mạnh mẽ dẫn người đọc từ hiện tại trở về quá khứ, từ quá khứ đến hiện đại. Tất cả nhằm toát lên ý nghĩa đất nước là của nhân dân.
2.3: Tổng kết
Bằng những hình ảnh quen thuộc, gần gũi, bằng chất liệu văn hóa dân gian, Nguyễn Khoa Điềm đã trình bày được một ý niệm về đất nước thật độc đáo, hấp dẫn: vừa thiên liêng, vừa hiện hữu rõ ràng, vừa có chiều sâu văn hóa lịch sử, vừa bình dị thân quen với cuộc sống nhân dân thường ngày. Đó là đóng góp quan trọng của Nguyễn Khoa Điềm làm sâu sắc thêm ý niệm về đất nước của nhân dân trong thơ ca hiện đại
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Đề thi thử THPT QG môn Ngữ Văn Trường THPT Chuyên KHTN - Hà Nội - Lần 3 - năm 2017 (có lời giải chi tiết)