(4,0 điểm) Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ...
Câu hỏi: (4,0 điểm) Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ sau đây (Trích Việt Bắc – Ngữ văn 12, Tập một) để làm rõ nét nổi bật trong phong cách thơ Tố Hữu: “Nhớ gì như nhớ người yêu Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương Nhớ từng bản khói cùng sương Sớm khuya bếp lửa người thương đi về Nhớ từng rừng nứa bờ tre Ngòi Thia sông Ðáy, suối Lê vơi đầy Ta đi, ta nhớ những ngày Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi... Thương nhau, chia củ sắn lùi Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng Nhớ người mẹ nắng cháy lưng Ðịu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô.”
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
Giải chi tiết:
Học sinh có thể trình bày theo những cách khác nhau nhưng cần đảm bảo những ý chính:
1. KHÁI QUÁT CHUNG: (0,5 điểm)
- Tố Hữu là nhà thơ lớn của dân tộc, thơ ông luôn theo sát những chặng đường lịch sử, cách mạng. Đặc trưng phong cách thơ Tố Hữu: thơ trữ tình - chính trị, mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, đậm đà tính dân tộc.
- Bài thơ “Việt Bắc” là một thành công đặc biệt trong đời thơ Tố Hữu. Bài thơ viết về cuộc chia tay lớn, cuộc chia tay lịch sử giữa người về xuôi với Việt Bắc vào tháng 10 năm 1954.
- Đoạn thơ dưới đây tiêu biểu cho đặc điểm thơ Tố Hữu:
“Nhớ gì như nhớ…
… chăn sui đắp cùng”
2. TRÌNH BÀY CẢM NHẬN VỀ ĐOẠN THƠ: (3,0 điểm)
a. Hai câu thơ đầu: (0,5 điểm)
“Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi , nắng chiều lưng nương”
- Tố Hữu đã lấy thước đo giá trị của nỗi nhớ trong tình yêu để cắt nghĩa, lý giải cho tình cảm của cán bộ đối với nhân dân. Không phải là nỗi nhớ của ý thức , của nghĩa vụ mà nhớ bằng cả trái tim yêu thương chân thành và da diết.
- Câu thơ “Trăng lên đầu núi…” như được phân ra làm 2 nửa thời gian :vế đầu là hình ảnh gợi tả đêm trăng hò hẹn của tình yêu; vế sau là hình ảnh gợi không gian của buổi chiều lao động trên nương rẫy. Thời gian như chảy ngược - nỗi nhớ như đi từ gần tới xa, thăm thẳm trong quá khứ. Tình yêu gắn liền với lao động; lao động nảy sinh ra tình yêu . Câu thơ cùng lúc thể hiện hai không gian của tình yêu và lao động, tạo nên sự hài hoà giữa nghĩa vụ và tình cảm.
b. Hai câu thơ tiếp: (0,5 điểm)
“Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về”
- Nỗi nhớ không còn mông lung, mơ mộng nữa mà đã cụ thể trong những bản làng, những mái nhà thấp thoáng trong những làn khói sương hư ảo. (Hình ảnh khói sươnglà đặc điểm của cuộc sống Việt Bắc, vừa là khói sương của thiên nhiên, đồng thời như là hơi ấm của tình đời, tình người toả ra). Có hình ảnh của ai đó đang chờ đợi bên bếp lửa suốt đêm dài thao thức: ”Sớm khuya bếp lửa người thương đi về”. Quan hệ giữa cán bộ và nhân dân như tụ họp ở ngọn lửa bất diệt thiêng liêng ấy.
c. Hai câu thơ tiếp: (0,5 điểm)
- Tình cảm lại toả ra tràn ngập cả núi rừng Việt Bắc. Những kỷ niệm chung và riêng đan xen nhau, lần lượt hiện ra trong tưởng tượng của người đi :
“Nhớ từng rừng nứa bờ tre
Ngòi Thia, sông Đáy suối Lê vơi đầy
- Phép liệt kê làm cho những kỷ niệm khơi ra tầng tầng lớp lớp, hết hình ảnh này, đến hình ảnh khác.
+ Những hình ảnh “rừng nứa bờ tre” là những danh từ chung mô tả đặc điểm của không gian Việt Bắc với bao nét đẹp mơ mộng.
+ “Ngòi Thia , sông Đáy , suối Lê … là những địa danh lịch sử , đã từng khắc ghi trong lịch sử Cách mạng- nơi đã diễn ra nhiều chiến công oanh liệt .
=> Những gắn bó gian khổ, ngọt bùi đã trở thành những kỷ niệm da diết trong trái tim người đi khó có thể quên được.
d. Sáu câu thơ cuối: (1,5 điểm)
“Ta đi ta nhớ những ngày
Mình đây ta đó đắng cay ngọt bùi
Thương nhau chia củ sắn lùi
Bát cơm xẻ nửa chăn sui đắp cùng
Nhớ người mẹ nắng cháy lưng
Địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô”.
- Người đi nhắc lại những kỉ niệm của một quãng đời "đắng cay ngọt bùi". Đắng cay bởi những thiếu thốn về vật chất, cơm không đủ ăn, chăn không đủ đắp nhưng chính trong hoàn cảnh ấy cái "ngọt bùi", ấm áp của tình người lại càng thấm thía biết bao! Những cử chỉ "thương nhau" "chia" "sẻ nửa" "đắp cùng" khiến người đi không khỏi rưng rưng, xúc động mỗi lúc nhớ về! Bởi thế mà "mình" với ta" tình sâu nghĩa nặng, quyến luyến không rời!
- Trong nỗi nhớ của người về xuôi còn có cả hình ảnh người mẹ vất vả, nhọc nhằn địu con lên lưng dưới cái nắng cháy da để bẻ bắp nuôi bộ đội. Câu thơ đã khắc họa thành công và cảm độn hình ảnh con người Việt Bắc giản dị, mộc mạc mà chứa chan nghĩa tình, thủy chung với cách mạng.
3. ĐÁNH GIÁ: (0,5 điểm)
- Đoạn thơ là những hồi ức và nỗi nhớ thương da diết của người đi với cảnh và người Việt Bắc. Điệp từ "nhớ" láy lại 6 lần cùng nghệ thuật kiệt kê đã cho thấy tấm lòng của cán bộ kháng chiến với Việt Bắc sâu đậm ân tình.
- Đoạn thơ còn là sự thể hiện thành công phong cách thơ Tố Hữu:
+ Lối xưng hô "mình - ta" và kết cấu đối đáp, mang đậm dấu ấn ca dao.
+ Thể thơ lục bát, giọng điệu tâm tình ngọt ngào truyền cảm, dễ đi vào lòng người.
+ Thể hiện tình cảm lớn: tình cảm cách mạng thủy chung giữa người miền xuôi và miền ngược, giữa cán bộ kháng chiến với người dân Việt Bắc.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Đề thi thử THPT QG lần 1 môn Ngữ văn - Trường THPT Hồng Lĩnh 2014.2015