(4,0 điểm)Tây Tiến đ...
Câu hỏi: (4,0 điểm)Tây Tiến đoàn binh không mọc tócQuân xanh màu lá dữ oai hùmMắt trừng gửi mộng qua biên giớiĐêm mơ Hà Nội dáng kiều thơmRải rác biên cương mồ viễn xứChiến trường đi chẳng tiếc đời xanhÁo bào thay chiếu anh về đấtSông Mã gầm lên khúc đọc hành(Trích Tây Tiến, Ngữ văn 12, NXB Giáo dục)Cảm nhận của anh/ chị về hình ảnh người lính Tây Tiến trong đoạn thơ trên. Từ đó bình luận ngắn gọn về quan điểm của nhà thơ Quang Dũng đối với lý tưởng sống của họ trong bài thơ "Tây Tiến".
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
Giải chi tiết:
1/ Giới thiệu chung:
- Quang Dũng là gương mặt tiêu biểu của thơ ca kháng chiến chống Pháp với hồn thơ hào hoa, lãng mạn thấm đượm tình đồng bào đồng chí.
- “Tây Tiến” là bài thơ hay nhất, tiêu biểu nhất của Quang Dũng. Bài thơ được Quang Dũng viết vào năm 1948 ở Phù Lưu Chanh khi ông đã xa đơn vị Tây Tiến một thời gian.
- Đoạn trích là bức tượng đài về người lính Tây Tiến với vẻ đẹp vừa bi tráng vừa lãng mạn.
2/ Cảm nhận về hình tượng người lính Tây Tiến:
* Vẻ đẹp vừa bi thương vừa hào hùng của đoàn quân Tây Tiến:
- Cái bi thương của người lính được gợi lên từ ngoại hình ốm yếu, tiều tụy, đầu trọc, da dẻ xanh như màu lá:
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm”
+ Sở dĩ người lính Tây Tiến đầu trọc danh xanh là do hậu quả của những tháng ngày hành quân vất vả vì đói và khát, là dấu ấn của những trận sốt rét ác tính.
+ Những cơn sốt rét rừng ấy không chỉ có trong thơ Quang Dũng mà còn để lại dấu ấn đau thương trong thơ ca kháng chiến chống Pháp nói chung.
- Cái hào hùng:
+ Thủ pháp nghệ thuật đối lập giữa ngoại hình ốm yếu và tâm hồn bên trong đã làm nên khí chất mạnh mẽ của người lính. “Không mọc tóc” là cách nói ngang tàng rất lính, hóm hỉnh vui đùa với khó khăn gian khổ của mình.
+ Thể hiện qua cách dùng từ Hán Việt “đoàn binh” . Chữ “đoàn binh”chứ không phải là đoàn quân đã gợi lên được sự mạnh mẽ lạ thường của sự hùng dũng, Ba từ “dữ oai hùm” gợi lên dáng vẻ oai phong lẫm liệt, oai của chúa sơn lâm. Qua đó ta thấy người lính Tây Tiến vẫn mạnh mẽ làm chủ tình hình, làm chủ núi rừng, chế ngự mọi khắc nghiệt xung quanh, đạp bằng mọi gian khổ. “Mắt trừng” là đôi mắt dữ tợn, căm thù, mạnh mẽ, nung nấu quyết đoán làm kẻ thù khiếp sợ.
- Cái chết được nhắc đến qua cái nhìn đậm chất lãng mạn, cách thể hiện giàu chất sử thi. Ấn tượng hãi hùng, nặng nề về cái chết được thay thế bằng ấn tượng tự hào, nhẹ nhóm, thư thái, thanh thản. “Áo bào thay chiếu anh về đất”. Với những người lính Tây Tiến, khi ngã xuống là trở về với vòng tay bao bọc, chở che bao dung của đất mẹ.
- Câu thơ tiến đưa thấm đẫm tinh thần bi tráng. “Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Dòng sông Mã trở thành con ngựa chiến mã gầm lên khúc độc hành bi phẫn, làm kinh động cả chốn rừng thiêng. Lời thơ như làm sống lại không khí chiến trận trong những bài anh hùng ca thời cổ -> cảm giác tiếc thương, tự hào, kiêu hãnh chứ không chìm trong buồn đau, chán nản, bi quan.
* Họ cũng là những chàng trai Hà Nội lãng mạn, hào hoa:
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
- “ Mắt trừng gửi mộng qua biên giới” là đôi mắt thao thức nhớ về quê hương Hà Nội, về một dáng kiều thơm trong mộng.
Người lính Tây Tiến không chỉ biết cầm súng cầm gươm theo tiếng gọi của non sông mà giữa bao nhiêu gian khổ, thiếu thốn trái tim họ vẫn rung động, nhớ nhung về vẻ đẹp của Hà Nội: đó có thể là phố cũ, trường xưa,… hay chính xác hơn là nhớ về bóng dáng của những người bạn gái Hà Nội yêu kiều, diễm lệ. Đó chính là động lực tiếp thêm sức mạnh để họ vững vàng tay súng, sẵn sàng cống hiến, hi sinh để bảo vệ Tổ quốc, đúng như tinh thần “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”.
* Nghệ thuật khắc họa hình tượng:
- Hình tượng tập thể những người lính Tây Tiến được xây dựng bằng bút pháp lãng mạn với khuynh hướng tô đậm những cái phi thường; sử dụng thủ pháp đối lập để tác động mạnh vào cảm quan, kích thích trí tưởng tượng, liên tưởng của người đọc.
- Hình ảnh giàu sức biểu cảm, ngôn ngữ chọn lọc vừa góc cạnh vừa tinh tế… Đánh giá thành công của đoạn thơ: Góp thêm những hình ảnh chân thực và đẹp đẽ về những người lính, làm phong phú đề tài người lính. Đoạn thơ tiêu biêu cho bút pháp tài hoa, lãng mạn của Quang Dũng.
3/ Quan điểm của nhà thơ Quang Dũng về lí tưởng sống của họ trong bài thơ:
- Lí tưởng sống của những người lính Tây Tiến là sống, chiến đấu quên mình vì Tổ quốc. Người lính hạnh phúc khi được để lại một phần máu xương mình vì hòa bình, độc lập, tự do của đất nước. Cũng như nhà thơ Thanh Thảo từng viết:
Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình
Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi
Thì còn chi Tổ quốc?
Nhưng người lính Việt Nam chiến đấu không phải vì độc chiếm, tranh giành lãnh thổ mà chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ từng con phố, nóc nhà. Họ chiến đấu vì những người họ yêu thương "Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm". Đó là sức mạnh, là động lực lớn lao của chính nghĩa. Để rồi khi “súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”.
- Từng sống và chiến đấu như thế, từng là một phần của đoàn quân Tây Tiến nên nhà thơ thấu hiểu và trân trọng sự dũng cảm, can trường, ý chí, nghị lực phi thường của đồng chí, đồng đội "Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh". Những câu thơ khi hào hùng, khi thấm đẫm xót xa, cùng cách nói giảm nói tránh "áo bào thay chiếu anh về đất" đã cho ta thấy tình cảm chân thành, sâu sắc của nhà thơ khi nhớ về đồng đội.
4/ Đánh giá:
- Đây là đoạn thơ đặc sắc nhất trong bài.
- Khẳng định tác phẩm Tây Tiến xứng đáng là "đứa con đầu lòng tráng kiện và hào hoa" của nền thơ ca kháng chiến Việt Nam và sức hấp dẫn của ngòi bút Quang Dũng.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2016 Trường THPT Hợp Thanh - Hà Nội - lần 1